21/01/2025

Virus ‘xác sống’ tái xuất từ hồ sâu nước Nga

Virus ‘xác sống’ tái xuất từ hồ sâu nước Nga

Các nhà khoa học Pháp đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng dịch kế tiếp sau khi hồi sinh thành công một dòng virus “xác sống” bị khoá chặt bên dưới hồ băng ở Siberia (Nga) sau gần 50.000 năm.

 

 

 

Virus ‘xác sống’ tái xuất từ hồ sâu nước Nga - ảnh 1
Khai thác đá tại hồ băng Nga  AFP/GETTY

Theo tờ The Times hôm 28.11, virus được hồi sinh vẫn có thể gây lây nhiễm tế bào trong phòng thí nghiệm, một ví dụ cho thấy sự nguy hiểm của cái gọi là virus “xác sống” được lưu giữ trong những vùng băng vĩnh cửu của trái đất nhưng đang bị rã đông do biến đổi khí hậu.

Virus ở Siberia, thuộc nhóm pandoravirus, chỉ lây nhiễm các sinh vật đơn bào và theo nhận định của giới chuyên gia thì vẫn chưa đe dọa con người. Virus này bị khóa chặt bên dưới đáy hồ ở Yakutia trong khoảng 48.500 năm. Đây cũng là virus tồn tại lâu nhất từng được khoa học ghi nhận.

Trong báo cáo, giáo sư Jean-Michel Claverie của Đại học Aix-Marseille (Pháp) và đồng sự cho biết có đến 1/5 diện tích đất đai ở Bắc Bán Cầu thuộc những vùng đất đóng băng vĩnh cửu. Thế nhưng, những tầng băng vĩnh cửu đang tan rã, phóng thích vật chất sinh học vốn bị khóa chặt đến cả triệu năm.

Đa số vật chất sinh học sẽ phân hủy và thải CO2, khí methane vào không khí, tạo thêm áp lực đẩy nhanh tình trạng ấm lên toàn cầu.

Băng tầng vĩnh cửu cũng chứa những dòng virus và vi khuẩn vốn ngủ đông kể từ thời tiền sử. Các nhà nghiên cứu cảnh báo kể từ năm 2015 đến nay, thế giới chưa được cập nhật về sự trỗi dậy một lần nữa của các virus “xác sống” này. Theo họ, sẽ là sự sai lầm nếu cho rằng sự tái xuất của các virus “xác sống” không mang đến đe dọa cho y tế cộng đồng.

Trong nỗ lực nhận dạng rõ ràng hơn về nguy cơ trên thực tế, nhóm chuyên gia Pháp tìm cách cô lập 13 dạng virus từ 7 mẫu băng vĩnh cửu cổ đại ở Siberia. Để an toàn, các nhà khoa học chỉ tìm kiếm những chủng virus chỉ lây nhiễm cho amíp, có nghĩa là chúng vô hại cho con người.

Tuy nhiên, một dự án mà các chuyên gia phương Tây cho hay đang được thực hiện ở phòng thí nghiệm Vector thuộc Novosibirsk (Nga) lại khác. Đây là công trình thu thập virus cổ trực tiếp từ xác voi ma mút, tê giác lông xoắn và ngựa tiền sử. Những virus này gây lo ngại vì chúng có thể lây nhiễm động vật có vú.

Nguy cơ từ mầm bệnh cổ đại đã thu hút sự chú ý của giới khoa học toàn cầu sau vụ một đứa trẻ chết vì bệnh than ở phía bắc Siberia vào năm 2016. Trường hợp tử vong này có liên quan đến đợt sóng nhiệt làm tan chảy băng tầng vĩnh cửu và rã đông xác tuần lộc chứa mầm bệnh.

Trước đó, bệnh than chưa từng tái xuất ở Siberia kể từ năm 1941.

 

HẠO NHIÊN

TNO