22/01/2025

Học trong thế giới nhiều thay đổi: Người thầy mô phạm có còn phù hợp?

Học trong thế giới nhiều thay đổi: Người thầy mô phạm có còn phù hợp?

Hình mẫu người thầy mô phạm đứng trên bục giảng đầy quyền lực và học trò chỉ biết răm rắp nghe theo không còn phù hợp trong thế giới có nhiều thay đổi.

 

 

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của công nghệ, người thầy phải tạo cho mình quyền uy và thay đổi phương pháp dạy học thì mới có thể giúp cho học sinh phát triển toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

 

Cần thay đổi hình ảnh người thầy mô phạm

Là giáo viên bậc THPT có thâm niên khoảng 15 năm dạy học, tôi nhận thấy hình ảnh người thầy quá nghiêm nghị, mẫu mực, chuẩn mực theo kiểu mô phạm đã không còn được nhiều học sinh yêu thích như vài chục năm về trước.

Tâm lý lứa tuổi học sinh bây giờ, nhất là bậc THCS, THPT đã có nhiều thay đổi. Đa số các em không còn thụ động mà thay vào đó là sự sáng tạo, luôn thích ứng với cái mới và muốn khẳng định cái tôi cá nhân trước tập thể.

Những năm qua, hiệu trưởng một số trường THPT ở TP.HCM đã cho phép giáo viên và học sinh được ăn mặc tự do một ngày trong tuần, thường là ngày thứ sáu, nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Trang phục đẹp, lịch sự giúp thầy trò cảm thấy thoải mái, tự tin hơn trong việc dạy và học.

Cùng với đó, người thầy cần sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, biết chơi Facebook, TikTok, đôi khi cũng phải “đua trend” (làm theo trào lưu) thì sẽ nhận được sự yêu mến từ học sinh. Một điều dễ nhận thấy, giáo viên trẻ mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, dạy chưa giỏi nhưng học sinh vẫn yêu thích là nhờ sự trẻ trung, năng động của thầy cô.

Học trong thế giới nhiều thay đổi: Người thầy mô phạm có còn phù hợp? - ảnh 1

Đã đến lúc người thầy cần chuyển từ quyền lực sang quyền uy bằng cách thay đổi phương pháp giảng dạy sáng tạo, luôn gần gũi với học sinh  Đ.N.T

Ngược lại, một khi người thầy tự cho mình đầy quyền lực, không xem học sinh là bạn, luôn ra lệnh hay như một vị quan tòa phán xét thì học sinh chỉ chấp hành mệnh lệnh một cách miễn cưỡng, chiếu lệ, thậm chí là chống đối. Nhiều vụ học sinh cãi vả, hư hỗn với giáo viên cũng vì một phần thầy cô quá thể hiện quyền lực.

Đã đến lúc người thầy cần chuyển từ quyền lực sang quyền uy bằng cách thay đổi phương pháp giảng dạy sáng tạo, luôn gần gũi với học sinh để lắng nghe, thấu hiểu thay vì trách mắng, trừng phạt các em. Người thầy cần bao dung khi học sinh mắc lỗi, giúp các em biết cách khắc phục và sửa chữa lỗi lầm để làm người tốt là điều tuyệt vời nhất.

 

Cần thay đổi vị trí trong không gian lớp học

Khoảng 20 năm về trước, hình thức dạy học truyền thống chủ yếu là đọc chép, và hiện nay đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng chiếu – chép khi giáo viên sử dụng phần mềm trình chiếu bài học. Trường học ở ta thiết kế bục giảng cao ở phía trên, còn học trò ngồi bên dưới khiến giáo viên thường truyền giảng một chiều, còn học sinh lắng nghe một cách thụ động rồi ghi chép và sau đó là học thuộc bài để trả bài cho thầy cô.

Học trong thế giới nhiều thay đổi: Người thầy mô phạm có còn phù hợp? - ảnh 2
Người thầy cần rời bục giảng, xuống dưới lớp để tương tác với với học sinh nhiều hơn thông qua việc phát vấn, thảo luận, phản biện… Đ.N.T

Học trong thế giới có nhiều thay đổi như ngày nay, giáo viên cần thay đổi vị trí trong không gian lớp học. Người thầy cần rời bục giảng, xuống dưới lớp để tương tác với với học sinh nhiều hơn thông qua việc phát vấn, thảo luận, phản biện… Việc dạy học như thế này vừa tạo được sự gần gũi giữa thầy và trò vừa giúp học sinh hứng thú chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức.

Công việc chính của người thầy ở trường học là giảng dạy và giáo dục học sinh. Riêng về giảng dạy trong thời công nghệ số, người thầy phải đồng hành, tổ chức cho học sinh học tập nhằm giúp các em khám phá, tư duy. Hay nói cách khác, học sinh phải là nhân vật trung tâm của mọi hoạt động học tập chứ không phải chờ thầy “truyền thụ”.

Như thế, về chuyên môn, giáo viên biết mười dạy một vẫn chưa đủ mà đòi hỏi thầy cô cần dạy học sinh biết cách tự học để tích lũy kiến thức, trong đó chú trọng hình thức học online (trực tuyến) có rất nhiều ưu điểm. Giáo viên dạy cho học sinh biết cách vận dụng công nghệ thông tin để khai thác, tìm kiếm học liệu số trên mạng Internet.

Học trong thế giới có nhiều thay đổi, học sinh phải biết cách tìm kiếm tri thức để làm giàu kiến thức. Nếu học sinh chỉ đơn thuần học theo, làm theo những gì thầy dạy thì rất khó tiến xa. Vậy nên, người thầy cần dạy học biết cách tự học, trong đó chú trọng học online (trực tuyến).

Trong quá trình học, học sinh cần phải biết chất vấn giáo viên và đưa ra quan điểm trái chiều để cùng nhau tranh luận để đi đến tận cùng của vấn đề. Học sinh chúng ta từ trước đến nay thường có tâm lý rất sợ giáo viên, kể cả nhiều em biết thầy cô sai nhưng không dám góp ý, phản ánh vì người thầy đầy quyền lực.

Muốn làm được như thế thì giáo viên cần phát huy về dân chủ trong học tập, đề cao khả năng sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động, cầu tiến bộ của con người để cùng nhau trao đổi, thảo luận tìm ra chân lý.

Có thể nhận thấy, về lý thuyết và thực tiễn, công nghệ số hoàn toàn có thể thay thế người thầy truyền thụ kiến thức một cách rất bài bản nhưng không thể tạo ra hành động phi ngôn ngữ như người thầy – Đó là cảm xúc hay khả năng ứng xử sư phạm. Người thầy có thể giúp một học sinh cá biệt thành người tử tế, tiến bộ, học tốt. Đó là những điều mà công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng không thay thế được vai trò người thầy trong giáo dục hiện đại.

 

Diễn đàn: “Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?”

Nhằm hướng đến một mục tiêu giáo dục trong thời kỳ mới với nhiều đổi thay và biến động từng ngày, Báo Thanh Niên mở diễn đàn: “Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email:[email protected]. Trân trọng cảm ơn.

 

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

TNO