Đức Thánh Cha gửi thư cho người dân Ucraina sau 9 tháng chiến tranh
Đức Thánh Cha gửi thư cho người dân Ucraina sau 9 tháng chiến tranh
Trong thư, trước hết, Đức Thánh Cha nói đến tình trạng đau khổ của toàn thể người dân Ucraina đang phải chịu đựng cuộc chiến xâm lược vô lý của Nga. Ngài mô tả cuộc chiến với những tiếng gầm rú của máy bay, tiếng còi báo động, những cơn mưa tên lửa, gây nên hậu quả là nhiều người chết, phải chạy trốn khỏi quê hương, và bên cạnh những dòng sông lớn của đất nước, ngày nay còn có những dòng sông máu và nước mắt.
Đức Thánh Cha viết: “Tôi muốn hoà nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có một ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em vào trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trong thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi thấy anh chị em, những người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do cuộc tấn công này gây ra. Thập giá tra tấn Chúa trở lại trong sự tra tấn trên các xác chết, trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở các thành phố, trong đó và trong nhiều hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải gào lên: Tại sao? Tại sao con người lại có thể đối xử với nhau như thế?”
Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc đến mọi thành phần người dân Ucraina. Trước hết, các trẻ em, nhiều em bị giết, bị thương, bị mồ côi, bị tách khỏi mẹ các em. Ngài tin rằng giờ đây các em đang ở trong lòng Thiên Chúa, thấy những khó khăn của mọi người và đang cầu nguyện để chiến tranh chấm dứt.
Với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha viết: “Vì bảo vệ quê hương, thay vì vun trồng những giấc mơ cho tương lai, các con phải cầm vũ khí.” Và ngài hướng đến những thành phần khác: Với những người vợ: “Tôi nghĩ đến những người vợ, những người đã mất chồng và phải tiếp tục cắn môi im lặng, với phẩm giá và quyết tâm, để hy sinh cho con cái”; với những người lớn tuổi, “thay vì trải qua tuổi xế chiều bình an, anh chị em lại bị ném vào đêm tối của chiến tranh”; với tất cả những ai bị tổn thương trong tâm hồn và thân xác, “tôi nghĩ đến anh chị em và tôi gần gũi anh chị em với tình thương và lòng cảm phục vì cách đối diện với thử thách khó khăn”.
Đức Thánh Cha còn nhắc đến những người khác: Các tình nguyện viên, những người mỗi ngày quên mình vì người khác; các mục tử dân thánh Chúa – thường gặp rủi ro lớn đối với sự an toàn – vẫn gần gũi với mọi người, mang lại sự an ủi của Thiên Chúa và tình liên đới, chuyển đổi một cách sáng tạo các tu viện, các cộng đoàn thành nơi cung cấp sự đón tiếp, cứu hộ và thực phẩm cho những người gặp khó khăn; Những người tị nạn và những người di dời nội bộ phải xa nhà cửa, nhà cửa của nhiều người đã bị phá huỷ.
Với chính quyền, Đức Thánh Cha viết: “Tôi cầu nguyện cho chính quyền, những người có nghĩa vụ điều hành đất nước trong thời kỳ bi thảm và đưa ra những quyết định có tầm nhìn xa vì hoà bình và phát triển nền kinh tế trong lúc nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trong thành phố cũng như ở nông thôn bị phá huỷ.”
Đức Thánh Cha tiếp tục khích lệ người dân Ucraina, nhắc lại cuộc diệt chủng qua nạn đói Holodomor cách đây 90 năm mà người dân đã kiên cường vượt qua. Ngài cảm phục tinh thần không bao giờ chịu khuất phục hay nản lòng của họ. Thế giới công nhận Ucraina là một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, một dân tộc khóc lóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tử đạo.
Hướng đến Lễ Giáng Sinh sắp tới, Đức Thánh Cha bày tỏ sự cảm thông sâu sắc vì ngài biết đau khổ sẽ còn gia tăng. Đức Thánh Cha viết: “Tôi muốn cùng với anh chị em trở về Bêlem, đến với thử thách mà Thánh gia phải đối diện vào đêm Giáng Sinh, một đêm dường như chỉ có lạnh giá và tối tăm. Trái lại ánh sáng đã đến: không phải từ con người, nhưng từ Thiên Chúa; không từ mặt đất nhưng từ Trời Cao.”
Đức Thánh Cha kết thúc thư với lời cầu xin Đức Mẹ giúp người dân Ucraina hoàn thành những chờ mong chính đáng đang có trong trong tâm hồn, chữa lành những thương tích và ban sự ủi an. Và ban phép lành cho tất cả. (CSR_5037_2022)
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-11/dtc-gui-thu-dan-ucraina-9-thang-chien-tranh.html