Nghi vấn: Trở thành tác giả bài báo khoa học nhờ ‘mua’
Nghi vấn: Trở thành tác giả bài báo khoa học nhờ ‘mua’
Một nhà khoa học trong hồ sơ xét PGS có 2 bài báo quốc tế mà nội dung tóm tắt và tên 2 bài báo đó từng được rao bán trên một trang web của Nga trước đó.
Trở thành tác giả bài báo khoa học từng được rao bán
Hồi tháng 4, tờ Science danh tiếng đăng bài giới thiệu nghiên cứu mới gây chú ý của TS Anna Abalkina, một nhà khoa học người Nga, hiện đang nghiên cứu tại ĐH Tự do Berlin, Đức. Theo đó, TS Anna Abalkina đã phân tích thông tin trong hơn 1.000 mẩu quảng cáo được đăng tải trên trang web 123mi.ru, từ đó phát hiện một thị trường mua bán bản thảo bài báo khoa học. Bằng chứng của việc mua bán là thông tin khớp nhau giữa các mẩu quảng cáo và các bài báo khoa học được công bố sau đó trên các tạp chí khoa học quốc tế.
So sánh mẩu quảng cáo được rao trên trang 123mi.ru (trái) và tiêu đề, tóm tắt bài báo đã được công bố của tác giả Đ.C (phải) DƯƠNG TÚ |
Theo TS Abalkina, trang web 123mi.ru là nơi cung cấp dịch vụ môi giới mua bán bài báo (tức là mua quyền được làm tác giả bài báo khoa học) do Công ty International Publisher LLC có trụ sở tại Nga điều hành. Để lôi kéo khách hàng mua bài, trang web 123mi.ru đăng thông tin chi tiết về các bài báo mà họ nói rằng đã hoặc sẽ được các tạp chí chấp nhận công bố, bao gồm chủ đề bài báo, số lượng tác giả và đôi khi cả tóm tắt bài báo.
Các mẩu tin rao bán bài còn nhắc đến uy tín và ảnh hưởng của tạp chí nơi bài báo sẽ được công bố, cũng như việc tạp chí nằm trong danh mục Scopus hay ISI. Tuy nhiên, dịch vụ bán bài này không tiết lộ tên tạp chí (nơi sẽ đăng tải bài báo khoa học). Khách hàng chỉ biết tên tạp chí sau khi đã thanh toán tiền mua bài. International Publisher cũng cho biết họ ăn chia tiền bán bài với một số tạp chí để giữ các tạp chí này nằm trong đường dây bán bài.
Điều đáng chú ý, theo nghiên cứu của TS Abalkina, VN nằm trong top 10 quốc gia mua bài từ “công xưởng” International Publisher với 9 vị trí tác giả được mua. Trong số đó, chúng tôi chú ý tới tên của tác giả Đ.C, có địa chỉ làm việc tại một bệnh viện quân y VN.
Trong danh sách thống kê kèm theo nghiên cứu của TS Abalkina có 2 bài báo của ông Đ.C, gồm bài “Clopidogrel as an oral antiaggregant in ischemic heart disease” công bố năm 2020 trên tạp chí Journal of Global Pharma Technology (tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus từ 2020 do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường), tạm gọi là bài 1; và bài “Gender-based differences in the effectiveness of antihypertensive therapy with losartan compared with enalapril” đăng ngày 1.2.2021 trên tạp chí Bangladesh Journal of Medical Science, tạm gọi là bài 2.
Trong cả hai bài, ông Đ.C đều đứng tên đầu, đồng thời là tác giả liên hệ, kèm theo 2 – 3 tác giả từ Nga. Theo tìm hiểu của TS Abalkina, đây là 2 bài báo từng được rao bán trên trang web 123mi.ru.
Cụ thể, hình chụp trang web 123mi.ru các phiên bản từ ngày 2.5 – 2.7.2020 cho thấy bài 1 của ông Đ.C đã được rao bán trước khi công bố trên tạp chí Journal of Global Pharma Technology. Tiêu đề và phần tóm tắt (abstract) tại thời điểm bài báo được rao bán gần giống hệt như khi bài báo được công bố chính thức. Tương tự, bài 2 với tiêu đề gần như không thay đổi, đã được rao bán muộn nhất từ ngày 26.2.2020, khoảng 1 năm trước khi bài báo được công bố.
Để nộp hồ sơ xét PGS
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Đ.C mới được bổ nhiệm PGS, chuyên ngành tim mạch, hiện là lãnh đạo một bệnh viện quân y ở phía nam. Trước đây, ông từng làm hồ sơ xét PGS các năm 2019, 2020, nhưng đều không được. Năm 2021, ông Đ.C tiếp tục nộp hồ sơ xét PGS với nhiều bài báo quốc tế hơn so với năm 2020, trong đó có 2 bài số 63 (tức bài 1) và số 68 (tức bài 2) nêu trên. Nhờ thế, hồ sơ của ông Tr.Đ.C đã được Hội đồng GS nhà nước thông qua. Ngày 17.6, ông Đ.C đã được công bố quyết định bổ nhiệm chức danh PGS.
Trong hai bài báo của ông Đ.C mà TS Anna Abalkina cho rằng có dấu hiệu mua của Công ty International Publisher LLC, ông Đ.C là tác giả duy nhất người Việt, các đồng tác giả còn lại đều là người Nga, thậm chí 2 bài là hai nhóm tác giả khác nhau.
Người bị nghi mua bài báo nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Đ.C nói không biết gì về trang 123mi.ru, đồng thời phủ nhận việc ông mua 2 bài báo nói trên. Về việc tiêu đề, nội dung tóm tắt 2 bài báo đã đăng của mình lại trùng với nội dung rao bán trước đó trên trang 123mi.ru, ông nói rằng mình không biết tại sao.
Khi được hỏi tại sao lại có tên các đồng tác giả người Nga trong 2 bài báo đó, ông giải thích ông vốn có mối quan hệ với một nhóm bạn là cựu lưu học sinh VN ở Nga, nên ông gửi bài cho nhóm này nhờ họ tìm người biên tập, chỉnh sửa. “Tôi có gửi bài 63 và bài 68 sang bên kia, nhờ người ta biên tập chỉnh sửa, hai bên trao đi đổi lại qua thư điện tử rất nhiều lần, rồi mới có bản thảo hoàn chỉnh. Một công trình khoa học có sự tham gia của rất nhiều người, trong đó có những người tham gia biên tập, chỉnh sửa, và họ có quyền đứng tên vào bài báo. Tôi làm chuyên môn, là bác sĩ thực hành, không thể giỏi hết tất cả mọi lĩnh vực, nên việc nhờ đồng đội, thầy cô giáo, bạn bè… góp sức vào bài báo, là chuyện bình thường”, ông Đ.C nói.
Khi được hỏi vì sao 2 bài lại hợp tác với 2 nhóm khác nhau (và không hợp tác với cả hai nhóm trong bất kỳ bài nào khác), ông Đ.C trả lời: “Tôi gửi bài sang đó, những ai tham gia chỉnh sửa tôi có biết hết đâu! Nhưng khi người ta biên tập chỉnh sửa xong, họ điền thêm tên tác giả vào thì mình phải trân trọng điều đó, mình không từ chối được”. Khi phóng viên hỏi “Ông không gửi cho một cá nhân nhà khoa học cụ thể nào, mà là gửi cho một nhóm người hoặc một tổ chức nào đó?”, ông Đ.C xác nhận: “Đúng rồi!”.
Tuy nhiên, theo nội dung bài báo số 68 (1 tác giả Việt, 3 tác giả Nga), các tác giả tiến hành thử nghiệm lâm sàng với các thuốc losartan và enalapril trên 100 bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y X vào năm 2019. Trước câu hỏi, nếu nghiên cứu thực hiện ở bệnh viện của VN thì phải có nhiều tác giả VN hơn chứ không chỉ một người, ông Đ.C giải thích: “Đúng là với một công trình nghiên cứu thì anh em phải chia nhau ra mà làm. Nhưng khi đăng báo thì anh em phải nhường nhau, nếu để đăng lên cả đám chia điểm ra được bao nhiêu? Nên cứ luân phiên người này dồn sức cho người kia, đó là thực tế nghiên cứu ở VN”.
Giải thích về bài báo số 63 (1 tác giả Việt, 2 tác giả Nga), là thử nghiệm lâm sàng với clopidogrel trên 557 bệnh nhân tại Nga và VN vào năm 2018 – 2019, ban đầu ông Đ.C cho biết ông gửi đề cương sang nhờ nhóm người Nga góp ý, xong rồi mới nghiên cứu tại bệnh viện ở VN. Nhưng khi được hỏi tại sao công trình lại giới thiệu là tiến hành trên cả bệnh nhân Nga, ông Đ.C nói: “Khi tôi viết xong thì gửi sang bên Nga, họ bổ sung số liệu mà họ làm bên ấy”.
Thêm 383 nhà giáo được công nhận giáo sư, phó giáo sư
Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐ GSNN) đã ký Quyết định số 88/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022. Cụ thể, có 34 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 349 nhà giáo đạt tiêu chuẩn PGS. Tổng cộng có 383 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt xét năm 2022.
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có 232 trường ĐH, chưa kể các trường công an, quân đội. Theo thống kê của Báo Thanh Niên, năm 2022 có 8 trường công an và 17 trường quân sự tuyển sinh trình độ ĐH. Như vậy, ước tính cả nước có 257 trường ĐH. Với số nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm nay, tính bình quân cứ 6 – 7 trường mới có thêm một GS, cứ 10 trường có thêm 13 – 14 PGS.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 4.300 PGS và 550 GS. Như vậy bình quân mỗi trường chỉ có khoảng 2 GS, khoảng 16 – 17 PGS.
Về việc các nghiên cứu có được thông qua bởi hội đồng đạo đức của bệnh viện hay không, ông Đ.C cho biết mãi đến năm 2020 bệnh viện của ông mới có hội đồng đạo đức (và ông là chủ tịch), nên những nghiên cứu trước đó không được thông qua hội đồng đạo đức. “Trước đây chúng tôi vẫn làm các đề tài không ảnh hưởng tới người bệnh, mà là thu thập thông tin từ thực tế khám chữa bệnh, chứ không làm thêm gì, không xâm hại gì tới người bệnh”, ông Đ.C nói, rồi khẳng định các nghiên cứu đều được lưu trữ hồ sơ thử nghiệm tại bệnh viện mà ông công tác. (còn tiếp)
DƯƠNG TÚ – QUÝ HIÊN
TNO