22/01/2025

Đừng quên ‘ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng cách’

Đừng quên ‘ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng cách’

‘Thủ phạm’ khiến hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang phải nhập viện, một trẻ tử vong, sau bữa cơm trưa tại trường là khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli.

 

 

 

Đừng quên ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng cách - Ảnh 1.

Viện Pasteur đã phát hiện ra vi khuẩn gây ngộ độc cho các học sinh điều trị tại bệnh viện – Ảnh: NGUYỄN HÒA

Gây ra các bệnh cảnh khác nhau

Khuẩn Salmonella phổ biến nhưng vẫn có thể gây tình trạng nặng, thậm chí tử vong. Tương tự, khuẩn Bacillus cereus và Escherichia coli đều có thể gây nguy hiểm.

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt – phó trưởng khoa bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho hay khuẩn Salmonella là vi khuẩn phổ biến, không quá đặc biệt nhưng vẫn có thể gây ra tình trạng nặng, thậm chí là tử vong. 

Các type Salmonella khác nhau gây ra các bệnh cảnh khác nhau như viêm dạ dày ruột, ngộ độc thức ăn, viêm ruột… với những triệu chứng thường gặp là sốt, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy…

Theo bác sĩ Đạt, về lý thuyết các loại thực phẩm khi được làm chín sẽ tiêu diệt được các loại vi khuẩn. Vì vậy, nếu thức ăn có chứa khuẩn Salmonella có nghĩa là thực phẩm chưa được nấu chín hoặc do nguồn nước chế biến chứa mầm bệnh, hay có thể lây nhiễm trực tiếp từ người chế biến thực phẩm có mang vi khuẩn.

 

Phòng bệnh là biện pháp tối ưu

Bác sĩ CKII Vũ Hiệp Phát – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết nguyên tắc sơ cứu trẻ nghi ngộ độc thực phẩm là nếu phụ huynh thấy con trẻ không khỏe với biểu hiện nôn ói, tiêu chảy nhiều… thì nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu trẻ thăm khám vì tiêu chảy, nôn ói nhiều lần thì thường sẽ được chỉ định nhập viện đánh giá, điều trị. 

“Dù ngộ độc do khuẩn Salmonella hay khuẩn nào đi nữa, nếu phụ huynh thấy trẻ tiêu chảy trên 7 lần thì không chần chừ hay tự ý mua thuốc điều trị mà nên đưa trẻ nhanh đến cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá, điều trị”, bác sĩ Phát nói.

Theo bác sĩ Vũ Quốc Đạt, do khuẩn Salmonella luôn thường trực, phổ biến, vì vậy phòng bệnh là điều cần thiết nhất. Có rất nhiều biện pháp để phòng tránh khuẩn Salmonella gây bệnh.

Thứ nhất, đối với người chế biến thực phẩm, trực tiếp nấu ăn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không sử dụng chung vật dụng chế biến đồ sống và đồ chín.

Những người chuyên trách chế biến thực phẩm, nấu ăn tại các bếp ăn tập thể cần khám sức khỏe định kỳ để loại trừ họ là những người mang mầm bệnh Salmonella gây bệnh.

Thứ hai, phải đảm bảo nấu ở nhiệt độ đủ cao, nấu chín, sử dụng nước sạch để loại bỏ vi khuẩn Salmonella gây bệnh. Thứ ba là trước khi ăn uống cần rửa sạch tay để tránh mầm bệnh có trên cơ thể đi vào đường ruột.

Bên cạnh đó, thức ăn khi để trong môi trường bình thường quá lâu hoặc nhiệt độ thuận lợi cho vi khuẩn phát triển sẽ làm tăng nồng độ khuẩn Salmonella. Từ đó là nguy cơ dẫn đến gây nhiễm khuẩn, ngộ độc. Vì vậy, việc bảo quản thực phẩm cần được đảm bảo.

 

Gây bệnh truyền qua thực phẩm

– Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) sinh độc tố ruột, khởi phát từ 10 giờ đến 24 giờ sau khi ăn các loại thực phẩm thịt, rau, canh… Đặc biệt thực phẩm nấu chưa chín nhiễm E. coli dễ gây ngộ độc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hầu hết các chủng E. coli đều vô hại nhưng một số chủng có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Một số chủng, chẳng hạn như E. coli sản xuất độc tố Shiga (STEC) có thể gây ra bệnh truyền qua thực phẩm nghiêm trọng.

– Vi khuẩn Bacillus cereus (B. cereus) hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella và các vi rút. Phòng ngừa ngộ độc do B. cereus chủ yếu là việc bảo quản thức ăn sau khi chế biến, tránh để thức ăn ôi thiu.

DƯƠNG LIỄU – XUÂN MAI
TTO