Đáng sợ của bệnh không lây nhiễm là gì?
Đáng sợ của bệnh không lây nhiễm là gì?
Điều đáng sợ của bệnh không lây nhiễm đó là bệnh diễn tiến âm thầm, không có những biểu hiện triệu chứng rõ ràng để người mắc biết đi khám.
GS-TS Nguyễn Lân Việt – Phó chủ tịch Thường trực, Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết về các bệnh không lây nhiễm như trên tại chương trình “Nâng cao nhận thức, kiến thức về các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp cho cộng đồng và cán bộ y tế“, hôm nay (22.11) ở TP.HCM.
Liên quan đến việc mắc các bệnh mạn tính không lây (như: đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, ung thư…), GS-TS Nguyễn Lân Việt cho rằng: “Ngoài yếu tố môi trường, xã hội, còn có các yếu tố sinh hoạt, dinh dưỡng, vận động. Có người do công việc, từ sáng đến tối ngồi suốt trên máy tính, không vận động cơ thể. Có người hút nhiều thuốc lá, trong khi thuốc lá có mối tương quan rõ với bệnh tim mạch”.
Những yếu tố, nguy cơ liên quan bệnh không lây nhiễm CHỤP MÀN HÌNH BÁO CÁO TẠI CHƯƠNG TRÌNH |
Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, những bệnh không lây nhiễm thường diễn tiến âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện. Tại Việt Nam có khoảng 23 triệu người mắc các bệnh không lây nhiễm.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường (ĐTĐ) quốc tế (IDF), năm 2019, thế giới có hơn 460 triệu người (20-79 tuổi) bị bệnh ĐTĐ. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong liên quan đến ĐTĐ. Bệnh gia tăng do chế độ ăn, ít hoạt động thể lực… Bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù, suy thận. Ở Việt Nam, cập nhật của IDF cho thấy, năm 2019 có 3,8 triệu người mắc ĐTĐ (chiếm 6%)…
Còn theo WHO, mỗi năm thế giới có 17,9 triệu người chết do nguyên nhân bệnh lý tim mạch, chiếm khoảng 32% các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu.
GS-TS Nguyễn Lân Việt cho biết tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 81% trong tổng số tử vong của các loại bệnh tật trong nước; và khuyến cáo những yếu tố, nguy cơ gây các bệnh mạn tính không lây, phổ biến là: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn ít rau quả tươi; ăn mặn; ít vận động thể lực…
“Nếu hiểu đúng về bệnh, có thể phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc, giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những bệnh này gây ra. Việc nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng tránh, sớm biết những nguy cơ mắc bệnh để tự quản lý sức khỏe của mình rất quan trọng”, GS-TS Nguyễn Lân Việt nói.
Dịp này, Hội Tim mạch học Việt Nam ký kết cùng Merck Healthcare Việt Nam về biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng và các cán bộ y tế về các bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay, bao gồm: tim mạch, đái tháo đường và tuyến giáp. Thỏa thuận xoay quanh việc xây dựng chuyên trang thông tin www.01minh.com (hoạt động từ năm 2018) và thực hiện các chương trình đào tạo y khoa liên tục cho các cán bộ y tế trong giai đoạn từ năm 2023-2025…
KHÁNH LY
TNO