22/01/2025

Những người thầy lặng lẽ, khiêm nhường giữ sự chuẩn mực, tôn nghiêm của nghề giáo

Những người thầy lặng lẽ, khiêm nhường giữ sự chuẩn mực, tôn nghiêm của nghề giáo

Những ai đã và đang dõi theo hoặc gắn bó với nghề giáo, sẽ thấy rằng chưa bao giờ hình ảnh người thầy lại gắn với quá nhiều nỗi niềm như thế, ở nhiều cấp học, trong nhiều sự việc khác nhau.

 

 

Mỗi lần mất động lực lại nhớ những người thầy đi trước

Không thể phủ nhận rằng, nhịp sống gấp vội với quá nhiều áp lực lo toan của xã hội đương thời đã tác động đến nghề giáo và người thầy. Những sự cố, những hành động bộc phát của trò, thầy cô và phụ huynh; những con số thống kê về cán bộ giáo viên rời ngành đã làm những người tha thiết với nghề, mong muốn giữ lấy sự tôn nghiêm cho nghề ngậm ngùi, xót xa.

Thế nhưng, những sự việc đáng buồn cùng phản ứng của xã hội về những gì liên quan đến nghề giáo càng khẳng định rằng, đó là một nghề không thể thay thế, và quan hệ giữa thầy với thầy, thầy với trò, với phụ huynh là một phạm trù đạo đức cần sự tinh tế, tôn nghiêm.

Những người thầy lặng lẽ, khiêm nhường giữ sự chuẩn mực, tôn nghiêm của nghề giáo - ảnh 1

 

Nghề giáo được xã hội dành cho sự kỳ vọng lớn lao  Đ.N.T

Trong cuộc đời mỗi người, có hai lựa chọn quan trọng nhất sẽ theo suốt phần lớn cuộc đời ta, quyết định chất lượng cuộc sống của chính ta, đó là “chọn nghề” để gắn bó và “chọn người” để yêu thương.

Giữa vô vàn nghề nghiệp chân chính được lựa chọn, có lẽ, chỉ nghề giáo là có được niềm hạnh phúc lớn lao và dài lâu: được ghi dấu, lan tỏa hình ảnh của mình trong rất nhiều cuộc đời khác, với lớp lớp thế hệ học trò, ngay từ lúc chưa bắt đầu cho đến khi hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh nghề nghiệp của chính mình.

Cũng như thế, con đường tôi và nhiều đồng nghiệp đã và đang đi luôn có bóng hình của những người thầy mà chúng tôi may mắn được gặp, được học. Từ những ngày bắt đầu dệt ước mơ lý tưởng về nghề, chúng tôi luôn có một hình mẫu để noi theo, luôn có người thầy truyền cảm hứng để ao ước “mình muốn được như thầy cô ấy”.

Trong suốt những năm tháng cặm cụi với nghề, chính cách sống và cách làm nghề tròn tâm của thầy cô đi trước là điểm tựa, là động lực để chúng tôi tiếp tục tin yêu, đi qua những xao xác chạnh lòng của nghề giữa nhịp sống hiện đại.

Diệu kỳ thay, từng bài học ngày xưa có thể phai nhòa theo năm tháng nhưng những ấn tượng đậm sâu về thầy cô, những lời dặn dò nhắn nhủ tâm huyết mà thầy cô trao truyền vẫn còn mãi, thậm chí, còn đậm hơn sau những chiêm nghiệm về lẽ đời.

Tự sâu trong trái tim mình, tôi luôn biết ơn những người thầy tận tụy dìu dắt, ươm mầm, truyền cảm hứng cho chúng tôi trên con đường nghề nghiệp.

Cảm ơn những giá trị cốt lõi, bình dị và lắng sâu mà thầy cô gìn giữ, gieo truyền đã giúp chúng tôi tin rằng: cứ đi rồi sẽ đến, cứ tận tâm ươm trồng thì sỏi đá cũng sẽ đơm bông-“Những ước vọng từ trái tim thầm nhắc/ Khi biết gieo thì đá cũng lên mầm”!

Đi tiếp thật “tròn tâm”

Gần hai thập niên gắn bó với nghề giáo, nhìn lại chặng đường mình đã và đang đi, có biết bao điều để nghĩ suy, trăn trở, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Có chăng, thực trạng xã hội này nhắc cho chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, nghề giáo bao giờ cũng cần sự chuẩn mực, phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe và kỳ vọng lớn lao của mọi thành phần xã hội.

Những người thầy lặng lẽ, khiêm nhường giữ sự chuẩn mực, tôn nghiêm của nghề giáo - ảnh 2
Quan hệ giữa thầy với thầy, thầy với trò, với phụ huynh là một phạm trù đạo đức cần sự tinh tế, tôn nghiêm    NGỌC DƯƠNG

Vì thế, ngay lúc này, chúng tôi sẽ là người thực hành nhiều hơn nữa những bài học mà mình đã trao truyền cho trò: rằng con người sinh ra để trưởng thành sau những lần vấp ngã, để vững vàng tin yêu và thấu hiểu bao dung sau những thử thách của cuộc đời, để gánh vác và tận hiến cho những điều cao đẹp mình đã yêu thích và lựa chọn; rằng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Và như thế, chúng tôi tự nhủ mình “Lại đi, lại đi, trời xanh thêm”, đi thật tròn tâm và tận tâm với nghề. Chúng tôi cũng ý thức rằng, nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người, chính con người mới tạo nên sự cao quý cho nghề nghiệp.

Vì vậy, giá trị tôn nghiêm cao quý của nghề giáo trước hết và trên hết phải được vun đắp từ ý thức, đạo đức, trách nhiệm và hành động cụ thể của từng người thầy.

Chúng tôi lại nhớ về thế hệ thầy cô đi trước, hình ảnh những người thầy lặng lẽ, khiêm nhường, nhẫn nại và bao dung. Những điều giản dị cao đẹp đó đã nâng bước mình và nhất định sẽ vẫn còn đây, ngày một lan tỏa rộng sâu và ở lại thật lâu trong tâm trí của những học trò trưởng thành.

Nguyễn Thị Thanh Vân

Giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa

TNO