15/01/2025

Chữa bệnh sợ toán cho con

Chữa bệnh sợ toán cho con

Bạn có tin là rất nhiều trẻ em đã phải học vẹt toán ngay từ học những con số? Vậy cách nào chữa ‘bệnh’ này?

 

 

 

Chữa bệnh sợ toán cho con - ảnh 1
Chị Thùy Liên, người mẹ chữa bệnh sợ toán cho con  ANH ĐỨC

Kêu cứu vì con làm toán 36+9 = 369

Bạn có tin là rất nhiều trẻ em đã phải học vẹt toán ngay từ học những con số?

Hãy hình dung một đứa trẻ lần đầu tiên nó nhìn kí tự “1” và được người lớn chỉ là “đây là số 1” rồi trẻ lặp lại. Rồi tiếp tục ghi nhớ như vậy với hàng loạt ký hiệu uốn éo khác. Cảm giác có khác gì người lớn chúng ta đi học thuộc bảng chữ cái tiếng Thái?

Bạn hãy thử hỏi chính mình hay một học sinh bất kỳ xem tại sao liền sau số 1 là số 2 mà không phải là số 0 hay số 3? Có phải là do người lớn dạy số 1 trước rồi mới dạy số 2? Hay là do đếm 1, 2, 3 mới đúng nên số 2 là số đứng liền sau số 1? Có bao nhiêu bé ý thức được rằng số 2 đứng liền sau số 1 là vì số 2 lớn hơn số 1 một đơn vị về lượng? Có bao nhiêu bé có thể nói tự tin trả lời câu hỏi “vì lớn hơn nên đứng sau hay vì đứng sau nên lớn hơn?”.

Nếu “đếm vẹt” 1, 2, 3, 4, 5… mà không biết bản chất của số và phép đếm, các con số trở nên rời rạc, xa lạ và khó nắm bắt. Trẻ sẽ phải ghi nhớ một dãy số theo thứ tự cố định như một lối mòn trong tâm trí. Mỗi lần gặp các câu hỏi, trẻ sẽ men theo đúng con đường mòn ấy để tìm ra con số liền trước, liền sau chứ không biết cách tư duy để đi thẳng đến đáp án hay tìm những cách khác.

Sau đó, đến làm phép cộng. Có một bà mẹ đã kêu cứu trên diễn đàn không biết làm sao để chữa bài này của con: 36+9 = 369. Nguyên nhân của lỗi sai này cũng là trẻ đã không ý thức rõ mình cần cộng về lượng chứ không phải cộng các nét viết lại với nhau.

Thực tế là những bảng cộng trong phạm vi 5 không thiếu ở trên tường các phòng học lớp 1. Một đứa trẻ phải học thuộc bảng cộng 1+1 = 2, 1+2 = 3 thì sẽ có ấn tượng như thế nào với môn toán?

Thực tế là hầu hết trẻ em đều phải học thuộc “công thức” làm lời giải từ câu hỏi “Hỏi có bao nhiêu con vịt trong ao?” theo kiểu thay từ “Hỏi có bao nhiêu” thành “Số”, thay dấu “?” thành chữ “là:” Một đứa trẻ phải học thuộc lời giải của bài toán thì có thể thích toán được không?

 

Ký ức không vui vẻ

Hàng triệu trẻ em đã có ấn tượng ban đầu không mấy vui vẻ gì với môn toán như thế đó. Ấn tượng ban đầu thường khó phai. Nên để lý giải thông tin từ Báo Thanh Niên là hơn 70% học sinh lên cấp THPT có ấn tượng không tốt lắm với môn toán cũng không thể nào không truy lại về giai đoạn đầu tiên mà trẻ được tiếp xúc với toán.

Học vẹt làm chai ì hoạt động trí não cũng như xói mòn tình yêu học tập là không còn gì phải bàn cãi. Không đợi đến phải đem trích dẫn khoa học ra chứng minh, chỉ cần chúng ta nhớ lại ký ức kiểm tra thi cử của mình thôi cũng đủ hiểu được vì sao trẻ sợ học.

Chữa bệnh sợ toán cho con - ảnh 2
Chị Liên và 2 con gái Cà Rem, Cà Na  NVCC

Muốn giải quyết vấn đề học vẹt ở môn toán, chúng ta cần bắt đầu từ cần phân biệt giữa làm toán và làm tính. Làm toán và làm tính khác nhau như thế nào? Vì sao có trẻ làm tính cộng tính trừ nhoay nhoáy nhưng không giải được các bài toán tìm thành phần chưa biết hay bài toán có lời văn?

Muốn phân định rõ điều này, ta cần làm rõ các khái niệm bài toán là gì? Làm toán là làm gì?

 

Làm được là tự tin, hạnh phúc

Theo ngôn ngữ cuộc sống, bài toán là vấn đề. Làm toán là giải một bài toán. Làm toán chính là tìm cách giải quyết vấn đề một cách chính xác và tường minh bằng ngôn ngữ toán học. Còn làm tính chỉ là phần kỹ thuật để thực hiện cách giải quyết đó.

Ví dụ khi cần giải một bài toán tìm số kẹo mình đã cho một người bạn, ta có thể vận dụng quy trình giải quyết vấn đề để giải bài toán bằng 6 bước như sau:

Bước 1: Xác định thành phần đã biết, thành phần chưa biết và diễn đạt theo ngôn ngữ toán. Cái đã biết là số kẹo ban đầu (toàn thể), số kẹo còn lại sau khi cho (bộ phận), và cái chưa biết là số kẹo đã cho (bộ phận).

Bước 2: Xác định cách làm. Muốn tìm bộ phận chưa biết ta lấy toàn thể trừ đi bộ phận đã biết.

Bước 3: Đặt tính. Số kẹo đã cho = 54-7

Bước 4: Làm tính. Ta có thể tính nhẩm bằng kỹ thuật bớt đi cho tròn chục hoặc bấm máy tính, excel để cho ra kết quả là 47

Bước 5: Thử lại. Lấy 47+7 xem có bằng 54 không.

Bước 6: Kết luận. Mình đã cho 47 viên kẹo.

Trong quy trình giải quyết vấn đề này, làm tính chỉ là bước số 4 để ra kết quả về mặt con số. Bước này có thể được làm bằng máy tính nhưng để thực hiện các bước còn lại trong quy trình thì trẻ cần tư duy và kết nối ngôn ngữ đời sống với toán học.

Tức là trẻ cần biết bản chất các khái niệm toán học đó là gì trong cuộc sống.

Các khái niệm như số tự nhiên, phép đếm, phép cộng và biết phép trừ là thao tác ngược của phép cộng là những khái niệm toán học quan trọng. Và trẻ hoàn toàn có thể học được ở giai đoạn tiền tiểu học thông qua các phương pháp phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Trong đó, chú trọng vào phương pháp học toán qua làm toán với các đồ vật thân quen bằng chính đôi tay của mình trước khi làm toán với sơ đồ và hệ thống ký hiệu.

Có thể nói trang bị tư duy toán cho trẻ là một việc cần làm đầu tiên để trẻ không sợ học toán ngay từ đầu. Khi có tư duy toán học, dù bài toán bị thay đổi thành phần hay diễn đạt khác đi, trẻ vẫn sẽ tự tìm cách giải được.

Hơn thế nữa, làm toán đúng cách giúp trẻ hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề một cách logic. Nên thông qua làm toán đích thực, trẻ hình thành năng lực để giải quyết những “bài toán” trong cuộc sống một cách có phương pháp.

Làm toán cũng như làm bất kỳ cái gì khác. Hễ mình không sợ, tự mình nghĩ được cách, làm được cách mình nghĩ thì tự nhiên sẽ tự tin và hạnh phúc.

 

Nguyễn Thùy Liên

Giám đốc học viện Self Hiil

TNO