23/11/2024

Rắn bò vào nhà cắn trẻ, chữa ra sao?

Rắn bò vào nhà cắn trẻ, chữa ra sao?

Theo thống kê, tại Việt Nam có trên 140 loại rắn, trong đó có khoảng 30 loại chứa nọc độc. Ở miền Tây có hai loại rắn độc thường gặp là rắn hổ và rắn lục đuôi đỏ.

 

Rắn bò vào nhà cắn trẻ, chữa ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh: BVCC

Miền Tây đang vào mùa nước nổi, nước ngập, rắn bị mất hang trú ngụ nên chúng di chuyển vào nhà hoặc các bờ đất cao ráo để ở. Những loại rắn này thường tấn công người khi bị phát hiện hoặc vô tình đạp lên chúng.

Bác sĩ Dương Thị Trúc – khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – cho biết thời gian gần đây bác sĩ đã cấp cứu nhiều trường hợp trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn, do chúng bò vào nhà ẩn trong mền, tủ đồ, quần áo, giỏ đồ chơi của trẻ, thường trẻ vô tình đụng trúng và bị cắn bất ngờ.

Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ cách phòng ngừa và sơ cứu rắn cắn, tránh những sai lầm khiến tình trạng của trẻ nặng thêm.

Thông thường, rắn độc thường được chia thành hai nhóm chính: Nhóm nọc độc gây rối loạn đông máu và xuất huyết (rắn lục đuôi đỏ).

Nhóm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở (rắn hổ mang).

Khi trẻ bị rắn cắn, chúng thường hốt hoảng la hét và khi người lớn đến, rắn có khi đã bỏ đi nên việc nhận diện dấu hiệu vết rắn cắn rất quan trọng, giúp cho việc sơ cứu kịp thời. 

Thông thường, với rắn có nọc gây rối loạn đông máu, tại chỗ vết cắn sẽ sưng đau, phù nề, chảy máu không cầm vết cắn; toàn thân trẻ có thể bầm máu ở da, ói máu, tiêu máu, xuất huyết não…

Đối với loại rắn độc tố thần kinh, tại chỗ vết cắn sẽ sưng phù nề, đau; toàn thân tê, mắt mờ, sụp mi, yếu liệt, ngừng thở.

Ngay khi phát hiện trẻ bị rắn cắn, cần sơ cứu đúng cách và đưa ngay trẻ đến bệnh viện gần nhất.

Đầu tiên người lớn nên trấn an trẻ, sau đó giữ bất động và đặt chỗ bị cắn thấp hơn tim (nhằm làm chậm hấp thu nọc rắn).

Rửa sạch vết cắn bằng nước sạch, tiến hành băng tay (chân) bị cắn từ vị trí vết cắn đến gốc tay (chân), băng chặt vừa phải (đút vừa một ngón tay). Sau đó nẹp cố định phần tay (chân) bị cắn. Chuẩn bị phương tiện chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Đặc biệt, đối với rắn cắn dân gian có nhiều “mẹo”, tuy nhiên không nên làm khi sơ cứu rắn cắn.

Trước đây, nhiều nơi hướng dẫn buộc garô nơi vết cắn để nhằm làm nọc độc chậm phát tán. Tuy nhiên, hiện nay khuyến cáo của các bác sĩ không nên buộc garô khi bị rắn cắn, có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt tay, chân tay vì garô quá chặt.

Các phương pháp như chích, lể, rạch, châm, hút nọc tại vùng vết cắn cũng tuyệt đối không nên làm khi bị rắn cắn, vì làm tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, dẫn đến nhiễm trùng nặng thêm. Việc chườm đá (chườm lạnh), đắp thuốc, lá cây, bài thuốc dân gian… cũng tuyệt đối không được làm khi bị rắn cắn, vì dễ gây nhiễm trùng thêm.

Vào mùa nước nổi, chúng ta cần đề phòng rắn cắn; khi ra ngoài ruộng, vườn cần đi ủng, giày cao cổ và mặc quần dài. 

Đặc biệt khi ra ngoài vườn, nơi có nhiều cây, cỏ vào trời tối, đội thêm mũ rộng vành. Đối với khu vực vườn cây, cỏ um tùm, những nơi rắn thích cư trú như các đống gạch vụn, đống rác, tổ mối, nơi nuôi động vật… không để trẻ em chơi ở gần.

T.LŨY ghi
TTO