22/01/2025

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp trễ vì tiếng Anh

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp trễ vì tiếng Anh

Trong các đợt xét tốt nghiệp gần đây, tỷ lệ sinh viên chưa thể tốt nghiệp do nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh tại nhiều trường lên tới 30 – 40%. Có nhiều sinh viên 6, 7 năm mới được nhận bằng vì nguyên nhân này.

 

 

Không dễ để đạt chuẩn

Nguyễn Đức Huy, học ngành cơ điện tử hệ chất lượng cao tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, vừa mới được nhận bằng sau 6 năm học vì nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh nên phải mất 2 năm để “trả nợ”.

Huy cho biết: “Em nghĩ đây là khó khăn chung của sinh viên (SV) ngành kỹ thuật khi chuẩn đầu ra của hệ chất lượng cao học bằng tiếng Anh là IELTS 6.0. Hầu hết các tín chỉ của ngành kỹ thuật tập trung vào chuyên ngành và rất ít các môn phát triển tiếng Anh, dẫn đến việc sau khi hoàn thành chương trình học, tụi em phải tốn thêm khá nhiều thời gian để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của trường”.

Huy vừa đi làm vừa học thêm tiếng Anh nên phải mất 2 năm mới đủ tự tin đi thi vào tháng 6 vừa qua và đạt IELTS 6.5. “Nhưng đáng nói là chi phí thi khá cao. Lúc em thi phải nộp 4,6 triệu đồng, hiện lên tới 4,9 triệu. Mức giá này em nghĩ sẽ gây khó khăn cho nhiều SV”.

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp trễ vì tiếng Anh - ảnh 1
 Một lớp luyện thi IELTS tại TP.HCM TRẦN MINH QUANG

Trong khi đó, Ngô Thế Dũng, SV ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, đã hơn 5 năm qua vẫn chưa thể tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ B2 (tương đương TOEIC 600 hoặc IELTS 5.5) để đạt chuẩn đầu ra. “Em cứ nghĩ để năm cuối tập trung ôn thi chứng chỉ này, nhưng cuối cùng không kịp. Thêm nữa, em cảm thấy quá khó để đạt B2 hay IELTS 5.5. Hiện em vừa đi làm vừa đi luyện IELTS nhưng chưa biết khi nào mới đủ tự tin để thi”, Dũng lo lắng.

Còn Ngô Lan Anh, SV Trường ĐH Tài chính – Marketing, đang rất sốt ruột vì kỳ thi IELTS vừa bị hoãn khiến bạn chưa biết khi nào mới được thi. Lan Anh cho biết: “Em đã quá hạn gần 2 năm chưa được nhận bằng. Thời gian vừa rồi em tập trung luyện thi để cố gắng trong tháng 11 có chứng chỉ nộp về trường vì công ty em làm yêu cầu bổ sung bằng tốt nghiệp, thế nhưng giờ lại phải chờ”.

Chủ quan, thiếu chủ động trong kế hoạch học tập

Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin: “Trong đợt tốt nghiệp tháng 8 của trường mới đây, có 3.848 tân cử nhân, kỹ sư thì chỉ có 1.171 bạn tốt nghiệp đúng tiến độ. Hơn 2.600 bạn còn lại là tốt nghiệp trễ do nợ môn, nợ điểm rèn luyện và đặc biệt là nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh. Lý do nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh là vì nhiều bạn tập trung học các môn chuyên ngành nên không đầu tư thời gian và chủ quan khi cho rằng để học sau cũng được”.

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp trễ vì tiếng Anh - ảnh 2
Một lớp luyện thi IELTS. Đây là một trong những chứng chỉ ngoại ngữ các trường đại học yêu cầu về chuẩn đầu ra MINH TRÍ

Tại Trường ĐH Tài chính – Marketing, hằng năm có khoảng 20% SV nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh. Trong khi đó, có từ 20 – 30% SV Trường ĐH Đà Lạt nợ chuẩn này. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho hay: “Chuẩn đầu ra tiếng Anh độc lập với chương trình học tiếng Anh của trường, nhiều em không biết cứ tưởng hoàn thành chương trình là đạt chuẩn mà không nghĩ phải học tiếng Anh để thi lấy chứng chỉ riêng. Nhiều em phải kéo dài tới 5, 6, thậm chí 7 năm mới được nhận bằng”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nhìn nhận trong số 40% SV tốt nghiệp trễ gần đây thì chủ yếu là nợ chứng chỉ tiếng Anh B1. Tiến sĩ Hạ đánh giá: “Đối với nhiều em, tiếng Anh là một rào cản lớn do ngoại ngữ đầu vào đã yếu, lại vừa học vừa làm thêm, không tập trung sắp xếp thời gian khoa học đồng thời chưa thực sự cố gắng”.

Là một giảng viên tiếng Anh, thạc sĩ Châu Thế Hữu, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, cho rằng chủ yếu SV nợ chuẩn là vì có xuất phát điểm tiếng Anh tương đối thấp, lại không lên kế hoạch trước để ôn thi. Thạc sĩ Hữu cho rằng SV cần học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, tham khảo ý kiến thầy cô và lên kế hoạch cho việc học của mình. Thường SV nên thi chứng chỉ vào cuối năm thứ 3, hoặc 2 học kỳ trước khi tốt nghiệp để đảm bảo có thời gian trau dồi chuyên môn.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh của Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ việc học tiếng Anh cũng là nỗi “ám ảnh” của khá nhiều SV nên dẫn tới thái độ học tập đối phó.

“Ngoài ra, đa số các em nghĩ rằng chứng chỉ tiếng Anh chỉ có giá trị 2 năm nên chờ đến năm 3, 4 mới bắt đầu học. Tuy nhiên, việc thi cử còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên khi thi rất khó để đảm bảo đạt được điểm mong muốn trong lần thi đầu tiên nếu không ôn luyện kỹ. Chi phí thi cũng là một rào cản khá lớn cho SV chưa có điều kiện. SV cần tự đánh giá đúng năng lực của bản thân để có lộ trình phù hợp cũng như sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý để nếu có rơi vào tình huống như kỳ thi tạm hoãn như IELTS mới đây thì vẫn còn đủ thời gian để đạt kế hoạch”, thạc sĩ Nguyễn Minh Trí khuyên.

 

Trường đưa ra giải pháp

Nhận thấy việc nợ chuẩn đầu ra này gây ảnh hưởng lớn đến SV trong quá trình tốt nghiệp và khi đi tuyển dụng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã đưa ra giải pháp kiểm soát từ năm 2. Nếu hết năm 2 mà SV không đạt A2 thì không được học tiếp năm 3, phải tạm dừng học cho đến khi đạt.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại đưa ra lộ trình trong 5 học kỳ đầu SV phải đạt 12 tín chỉ tiếng Anh, có thể học tại trung tâm phát triển ngôn ngữ của trường hoặc ở các trung tâm bên ngoài.

 

MỸ QUYÊN

TNO