22/01/2025

Bệnh giời leo có tái phát không?

Bệnh giời leo có tái phát không?

Bệnh Zona thần kinh có tên gọi khác là giời leo, đặc trưng với vết phồng rộp trên da, kèm theo cảm giác ngứa, tê và đau dữ dội. Virus gây giời leo cũng gây thủy đậu. Trên thực tế, giời leo có thể tái phát nhiều lần.

 

 

Virus Varicella-zoster là tác nhân gây thủy đậu và giời leo. Sau khi một người bị thủy đậu, virus gây bệnh sẽ bám xung quanh dây thần kinh và ở trạng thái không hoạt động, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Bệnh giời leo có tái phát không? - ảnh 1
Bệnh Zona thần kinh có thể tái phát nhiều lần trong đời, đặc biệt là nhóm có hệ miễn dịch yếu   SHUTTERSTOCK

Hệ miễn dịch khỏe mạnh đủ sức khống chế virus Varicella-zoster. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus tái kích hoạt và tấn công cơ thể, gây ra bệnh Zona thần kinh.

Hiện tại, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân vì sao virus lại tái hoạt động. Các chuyên gia cho rằng một số yếu tố như tuổi tác, hệ miễn dịch suy yếu có thể góp phần gia tăng nguy cơ này.

Hầu hết mọi người sẽ chỉ mắc bệnh Zona một lần trong đời. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể mắc nhiều lần.

Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Mayo Clinic Proceedings đã phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 1.660 người. Tất cả họ đều từ 22 tuổi trở lên và từng mắc bệnh Zona thần kinh.

Các nhà nghiên cứu phát hiện trong vòng 12 năm sau lần mắc bệnh đầu tiên thì tỷ lệ tái phát là 6,2 %. Khoảng cách giữa 2 lần tái phát bệnh dao động từ 96 ngày đến khoảng 10 năm.

Nghiên cứu cũng xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát Zona thần kinh là khả năng miễn dịch yếu, lúc nhiễm bệnh lần đầu đã trên 50 tuổi. Mức độ kéo dài cơn đau cũng tác động đến nguy cơ tái phát. Cụ thể, những người mà cơn đau kéo dài trên 30 ngày sẽ đối diện nguy cơ tái phát cao hơn.

Các chuyên gia cũng lưu ý lần tái phát sau thường sẽ xuất hiện ở vùng da khác với lần nhiễm trước đó. Vì không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ tái phát Zona thần kinh nên tiêm vắc xin Shingrix phòng bệnh là cách tốt nhất.

Tỷ lệ phòng bệnh của vắc xin Shingrix là từ 90 đến 97%. Nhóm trên 50 tuổi sẽ được khuyến cáo dùng loại vắc xin này. Tuy nhiên, những người trẻ hơn gặp vấn đề về miễn dịch cũng có thể là nhóm cần được tiêm, theo Healthline.

 

NGỌC QUÝ

TNO