Vì sao ăn hàu tốt cho ‘chuyện ấy’?
Vì sao ăn hàu tốt cho ‘chuyện ấy’?
Hàu sữa được nhiều người cho rằng là “trợ thủ đắc lực” hỗ trợ trong chuyện “chăn gối” của nam giới. Các bác sĩ cho rằng điều này là đúng, nhưng không phải ăn nhiều cùng một lúc là tốt, thậm chí có thể gây ngộ độc.
Thắc mắc trong con hàu chứa gì, có thực sự tăng cường chức năng sinh lý, ăn liều lượng như thế nào là hợp lý… được nhiều nam giới quan tâm? Ngoài hàu, còn thực phẩm nào cũng hỗ trợ nam giới trong “chuyện ấy”?
Hỗ trợ tổng hợp hormon sinh dục testosterone, sinh tinh trùng…
Bác sĩ Trần Quốc Cường – giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho biết hàu là thực phẩm chứa nhiều kẽm nên được biết đến như một thực phẩm hỗ trợ phái nam trong chuyện “chăn gối”, do có liên quan đến việc hỗ trợ quá trình tổng hợp hormon sinh dục testosterone và sinh tinh trùng.
Trong 100 gam hàu chứa trung bình 13mg kẽm. Nhu cầu kẽm của người trưởng thành là khoảng 10mg mỗi ngày.
Cùng ý kiến này, bác sĩ Phan Chí Thành – chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) – cũng cho biết lượng kẽm có trong hàu cao gấp 6-10 lần các thực phẩm thông thường.
Trong khi đó, kẽm giúp điều tiết hormone nam, tăng cường testosterone ở nam giới. Bên cạnh đó, hàu cũng có vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh trùng. Khi lượng testosterone tăng lên giúp nam giới sản xuất tinh trùng tốt hơn. Đồng thời, chúng giúp cho việc di chuyển của tinh trùng tốt hơn rất nhiều.
Ngoài ra, kẽm tạo ra các biểu mô niêm mạc của hệ thống ống sinh tinh được nuôi dưỡng giàu dinh dưỡng. Tinh trùng được biệt hóa, chuyển hóa thành tinh trùng trưởng thành, giúp khả năng sinh sản, thụ tinh tốt hơn.
Kẽm cũng giúp chống oxy hóa. Trong những nguyên nhân gây hiếm muộn và bất thường ở tinh trùng là do cơ thể sản xuất ra nhiều chất oxy hóa. Hệ thống sinh sản của nam giới, đặc biệt là hệ thống ống dẫn tinh rất nhiều chất oxy hóa.
“Kẽm như một chất trung gian, trung hòa các chất oxy hóa, giúp cho tinh trùng ít bị bất thường hơn, nâng cao chất lượng tinh trùng và khả năng di chuyển của tinh trùng tốt hơn”, bác sĩ Thành thông tin.
Có phải ăn càng nhiều càng tốt?
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Cường cho hay kẽm không có chỗ dự trữ trong cơ thể nên việc nạp thừa sẽ bị đào thải, và việc nạp vào phải thường xuyên. Do đó việc ăn quá nhiều trong cùng một lúc cũng không phải là giải pháp tốt, mà tốt nhất là ăn thường xuyên thực phẩm giàu kẽm.
Ngưỡng dung nạp kẽm tối đa với người trưởng thành là 40mg mỗi ngày, nên nếu sử dụng quá liều này cũng có thể gây ngộ độc (đặc biệt là sử dụng từ thuốc có chứa kẽm).
Kẽm không chỉ có nhiều trong hàu, bác sĩ Thành cho biết chúng còn có rất nhiều trong các loại hải sản, các loại rau củ, đặc biệt là các loại nấm. Vì vậy, không nhất thiết phải ăn thật nhiều hàu để cải thiện chuyện “chăn gối”, mà nên bổ sung thêm các loại thực phẩm khác như rau củ, nấm, các loại thịt đỏ.
Trước thực tế nhiều người cho rằng ăn hàu sẽ giúp sinh con trai. Theo bác sĩ Thành, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc ăn hàu có thể giúp các cặp vợ chồng sinh con trai.
“Ăn hàu chỉ giúp tăng cường lượng tinh trùng, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng chất lượng hơn, giúp dễ “đậu thai” hơn”, bác sĩ Thành cho hay.
Bác sĩ Trần Quốc Cường cho biết thêm, kẽm là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể. Ngoài vai trò đối với chức năng sinh sản ở phái nam như đã nói trên, kẽm còn biết đến như vi chất quan trọng trong tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch, phát triển chiều cao ở trẻ em, tốt cho đường tiêu hóa và tốt cho da.
Kẽm là đồng nhân tố của rất nhiều enzym tham gia nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể. Ngoài hàu thì kẽm còn có nhiều trong thịt heo, thịt bò, vừng (mè), mộc nhĩ, hạt điều, đậu nành, lòng đỏ trứng gà…
Tỉ lệ thiếu kẽm nói chung trên thế giới vào khoảng 17%. Ở nước ta chưa có nghiên cứu về tỉ lệ thiếu kẽm ở nam giới, nhưng theo Tổng điều tra dinh dưỡng Việt Nam 2020, tỉ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai lần lượt là 58%, 6,6% và 63,5%.