22/01/2025

Chuối chứa kali cao và sự thật của lời đồn đại ‘ăn chuối nhiễm phóng xạ’

Chuối chứa kali cao và sự thật của lời đồn đại ‘ăn chuối nhiễm phóng xạ’

Chuối là một ví dụ phổ biến về nguồn phóng xạ tự nhiên. Chúng chứa hàm lượng kali cao và đây là chất phóng xạ.

 

 

 

Chuối chứa kali cao và sự thật của lời đồn đại ăn chuối nhiễm phóng xạ - Ảnh 1.

Chuối chứa hàm lượng kali cao và đây là chất mang tính phóng xạ – Ảnh: AFP

Phóng xạ là năng lượng truyền từ điểm này đến điểm khác, dưới dạng sóng hoặc hạt. Chúng ta tiếp xúc với phóng xạ từ các nguồn tự nhiên và nhân tạo khác nhau hằng ngày.

Phóng xạ vũ trụ có từ Mặt trời và không gian bên ngoài, phóng xạ từ đá và đất, cũng như phóng xạ trong không khí và trong thức ăn và nước uống của chúng ta. Tất cả đều là nguồn phóng xạ tự nhiên.

Chuối là một ví dụ phổ biến về nguồn phóng xạ tự nhiên. Chúng chứa hàm lượng kali cao và đây là chất phóng xạ.

Tuy nhiên, bạn không cần phải ngừng ăn chuối, bởi loại trái cây này lượng phóng xạ cực kỳ nhỏ, và ít hơn nhiều so với phóng xạ nền tự nhiên mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày.

Các nguồn phóng xạ nhân tạo bao gồm các phương pháp điều trị y tế như chụp X-quang, điện thoại di động và đường dây điện.

Có một quan niệm sai lầm phổ biến: các nguồn phóng xạ nhân tạo nguy hiểm hơn phóng xạ tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không đúng.

Không có tính chất vật lý nào làm cho phóng xạ nhân tạo khác hoặc gây hại hơn phóng xạ tự nhiên. Các tác động có hại liên quan đến liều lượng, chứ không liên quan đến việc tiếp xúc đến từ đâu.

Tùy thuộc vào mức năng lượng, phóng xạ có thể được phân thành hai loại.

Phóng xạ ion hóa có đủ năng lượng để loại bỏ một điện tử khỏi nguyên tử, có thể làm thay đổi thành phần hóa học của vật liệu. Ví dụ về phóng xạ ion hóa bao gồm tia X và radon (một loại khí phóng xạ được tìm thấy trong đá và đất).

Phóng xạ không ion hóa có ít năng lượng hơn nhưng vẫn có thể kích thích các phân tử và nguyên tử, khiến chúng dao động nhanh hơn. Các nguồn phóng xạ không ion hóa phổ biến bao gồm điện thoại di động, đường dây điện và tia cực tím (UV) từ Mặt trời.

Phóng xạ không phải lúc nào cũng nguy hiểm – nó phụ thuộc vào loại, độ mạnh và thời gian con người tiếp xúc với nó.

Theo nguyên tắc chung, mức năng lượng của phóng xạ càng cao thì càng có nhiều khả năng gây hại. Ví dụ, tiếp xúc quá mức với phóng xạ ion hóa như khí radon sản sinh tự nhiên, có thể làm hỏng các mô và ADN của con người.

Phóng xạ trong y học hiện đại bao gồm hình ảnh y tế sử dụng các kỹ thuật phóng xạ ion hóa – như chụp X-quang và chụp CT, cũng như các kỹ thuật bức xạ không ion hóa – như siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu sử dụng đúng liều lượng sẽ không nguy hiểm.

Phóng xạ cũng có thể giúp điều trị một số tình trạng bệnh nhất định: nó có thể tiêu diệt mô ung thư, thu nhỏ khối u hoặc thậm chí được sử dụng để giảm đau.

Vậy, cơ thể chúng ta có phóng xạ không? Câu trả lời là có, giống như mọi thứ xung quanh, chúng ta cũng có một chút phóng xạ. Nhưng cơ thể con người có thể xử lý một lượng nhỏ bức xạ và không gây nguy hiểm.

GIA MINH
TTO