Bảo hiểm y tế rồi sách, đồng phục: Xin đừng bắt thầy cô phải thu tiền nữa!
Bảo hiểm y tế rồi sách, đồng phục: Xin đừng bắt thầy cô phải thu tiền nữa!
Bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng về bảo hiểm y tế hãy trả lại chuyên môn cho thầy cô giáo, đừng bắt nhà trường phải đi thu tiền của học sinh.
Xin đừng bắt thầy cô phải đi thu tiền bảo hiểm y tế, để rồi nảy sinh nhiều hệ lụy |
Và không ít ý kiến từ bạn đọc nêu một thực tế hiện nay, nhiều thầy cô rất đau khổ khi phải đi thu các khoản tiền từ bảo hiểm y tế tới sách vở, đồng phục… chưa kể vận động tiêm chủng vắc xin Covid-19, tuyên truyền luật an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy… Vậy thì thời gian nào cho công việc chuyên môn vì sức người có hạn?
Khổ vì chỉ tiêu 100%
Độc giả Mr nguyễn bình luận: “Bài viết nói lên nỗi khổ của nhà trường (hiệu trưởng, giáo viên). Cái gì giờ cũng giao cho trường. Địa phương tôi còn giao chỉ tiêu bảo hiểm xã hội tự nguyện cho giáo viên vận động nữa! Rồi phòng chống dịch Covid-19 nếu học sinh không tiêm vắc xin đủ nhà trường cũng chịu trách nhiệm… Rõ khổ”.
Bạn đọc Văn Phú nêu hiện tượng: “Đi họp mà trường không mua đủ 100% thì hiệu trưởng bị nói, khiển trách tại hội đồng… Trong khi nhà trường thu thì vất vả, cơ quan bảo hiểm thì đòi hỏi thông tin này thông tin kia, đòi nhà trường phải có chứng chỉ hành nghề y tế… Mà trường học phần lớn nhân viên y tế chỉ học trung cấp rồi vào trường làm luôn thì lấy đâu ra chứng chỉ, còn đi thuê lại bắt buộc người đó phải làm việc trên địa bàn xã… Trong khi việc đó không đáng phải bắt buộc chứng chỉ hành nghề. Vô cùng rắc rối và rối rắm, làm khó cho nhà trường”.
Còn bạn đọc Nguyen Vu cho hay: “Việc thu phải đạt chỉ tiêu 100% bảo hiểm y tế nếu không đạt thì giáo viên bị trừ điểm thi đua, vì có một số trường hợp phải bỏ tiền lương ít ỏi của mình để thực hiện đủ chỉ tiêu 100%… Cuối cùng giáo viên phải thu dần dần như góp vậy, khổ trăm bề”.
Hãy trả lại chuyên môn cho thầy cô giáo
Bạn đọc mong muốn cơ quan quản lý bảo hiểm y tế không áp lực việc thu tiền bảo hiểm xuống các nhà trường TNO |
Đó là ý kiến của đông đảo độc giả. Bạn lamlieu0209 nói: “Cơ quan chức năng về bảo hiểm y tế hãy trả lại chuyên môn cho thầy cô giáo, rất nhiều thập niên cứ bắt nhà trường làm việc thay bảo hiểm dẫn đến phụ huynh hiểu nhầm là có chung chi %. Vì theo luật bảo hiểm y tế là bắt buộc nếu không mua chỉ thiệt cho học sinh khi điều trị thăm khám”.
Bạn Chinh Tran nêu thực trạng: “Nhà trường phải thu tiền bảo hiểm y tế, tiền bán sách, bán vở, tiền đồng phục… Mỗi giáo viên chủ nhiệm phải làm nhiệm vụ của nhân viên thu ngân cho các loại dịch vụ trong nhà trường. Đây là vấn nạn, là nguyên nhân làm mất vị thế của người thầy”.
Cùng quan điểm này, bạn Tiến Anh Nguyễn tâm tư: “Cái gì bây giờ cũng giao cho giáo viên, từ bảo hiểm đến hướng dẫn phụ huynh cài phần mềm, có lẽ giáo viên đang bị lạm dụng quá nhiều, không còn thời gian cho chuyên môn nữa, đề nghị các cấp lãnh đạo cần trả lại quyền lợi cho giáo viên”.
“Trong điều lệ trường phổ thông có mục nào quy định giáo viên phải thu tiền bảo hiểm không? Thiết nghĩ nên để việc của ai nấy làm, hãy trả thầy cô về đúng nhiệm vụ chính của mình nhằm giảm bớt áp lực cho thầy cô giáo”, đó là ý kiến của bạn đọc maihuuquyen77.
Bạn longnguyenmar đề xuất: “Hãy trả thầy cô về vị trí chuyên tâm dạy học, cứ áp cho họ những nhiệm vụ không liên quan như vậy là sai. Tại sao cơ quan bảo hiểm không cử đại diện tạm đặt tại trường, xuất hiện ở các đại hội cha mẹ học sinh trường để ban bố thông tin và hình thức thanh toán mua bảo hiểm y tế… Còn ủy nhiệm cho nhà trường thu thì nên có chi phí cho công tác này, để nhà trường thêm chi phí hỗ trợ đau ốm, khen thưởng…”.
Xin để các thầy cô chuyên tâm vào việc dạy dỗ học trò ĐÀO NGỌC THẠCH |
Thu hộ cũng được, nhưng đừng gây áp lực lên nhà trường!
Một số độc giả đồng tình với hình thức để nhà trường thu hộ bảo hiểm y tế cho học sinh, nhưng việc làm này là tự nguyện và không gây áp lực lên nhà trường. Nhờ vậy cũng tạo sự khách quan. Còn phụ huynh nào không mua thì phải làm cam kết.
Độc giả Năm Nguyễn chia sẻ ý kiến: “Ngành bảo hiểm nhờ nhà trường thu hộ cũng được, nhưng không được gây áp lực lên nhà trường. Còn nhà trường chỉ nên thông báo rộng rãi 1 lần và nhắc lại lần nữa. Nếu phụ huynh họ mua bảo hiểm cho con họ thì thôi, không ép. Nếu họ không mua mà đến khi con họ bị bệnh thì họ phải chịu mọi chi phí”.
Bạn đọc Trần Sơn phân tích: “Việc nhà trường thu chẳng qua là làm hộ cho bên bảo hiểm y tế, việc nhà trường thu mang tính đồng bộ và vì các cháu cùng học trong một trường nên dễ kiểm tra, kiểm soát không bỏ lọt tiêu chuẩn của các cháu, do vậy nên việc nhà trường thu hộ là rất hợp lý, không vì lợi nhuận”.
“Việc nhà trường thu nên giữ nguyên không làm xáo trộn, thuận lợi cho phụ huynh. Còn những phụ huynh không muốn đóng tiền bảo hiểm y tế học đường cho con em của mình thì phải làm cam kết nhằm để tránh tình trạng khi các cháu bị ốm đau không được bảo hiểm y tế chi trả rồi thắc mắc, kiện tụng nhà trường, nói rằng nhà trường không quan tâm. Hãy vì quyền lợi của con em mình mà phụ huynh tự giác thực hiện”, độc giả Trần Sơn chia sẻ.
Quá áp lực vì trăm thứ phải lo
Một hiệu trưởng đã nghỉ việc tại TP.HCM từng tâm sự với PV Thanh Niên rằng ngoài việc chuyên môn dạy học, chăm sóc học trò, mỗi ngày các thầy cô còn bao nhiêu thứ phải lo, áp lực trong công việc rất cao. Những công việc giấy tờ, sổ sách lấy rất nhiều thời gian. Từ phổ biến công tác phòng cháy chữa cháy, các kế hoạch chương trình tuyên truyền chấp hành luật an toàn giao thông, phòng chống HIV-AIDS, sổ sách giấy tờ công đoàn…
Còn một giáo viên sắp nghỉ hưu tại một quận ngoại thành TP.HCM buồn bã tâm sự rằng khi thầy cô ngoài việc dạy dỗ học trò lúc nào cũng phải kiêm thêm việc thu tiền, nhắc nhở đóng tiền, từ bảo hiểm y tế tới sách vở, quần áo… nó làm mất đi uy tín, vị thế của người thầy.
THUÝ HẰNG
TNO