22/01/2025

Vì sao bé 6 tuổi đã mắc bệnh lây qua đường tình dục?

Vì sao bé 6 tuổi đã mắc bệnh lây qua đường tình dục?

Nhiều người nghĩ rằng chỉ người lớn có quan hệ tình dục không an toàn mới mắc các bệnh lây qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai…

 

 

 

 

Vì sao bé 6 tuổi đã mắc bệnh lây qua đường tình dục? - Ảnh 1.

Trẻ điều trị sùi mào gà tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – Ảnh: BVCC

Trẻ mắc sùi mào gà, nếu được điều trị tốt sẽ ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như quan hệ tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh dễ tái phát, thậm chí có thể tiến triển thành ung thư và mất khả năng sinh sản.

PGS.TS Nguyễn Quang (giám đốc Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Vì vậy trường hợp bé 6 tuổi (trú tại Thanh Hóa) suýt phải cắt bỏ dương vật vì mắc sùi mào gà thể nặng đã gây bất ngờ.

Vì sao trẻ em lại mắc bệnh lây qua đường tình dục, đâu là nguyên nhân và cách phòng tránh như thế nào?

 

Trẻ 6 tuổi mắc sùi mào gà nặng

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh – Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho trường hợp cháu bé đang học lớp 1 phát hiện sùi ở dương vật. Trẻ phát hiện bệnh cách đây 4 tháng và không rõ nguồn lây nhiễm.

“Trẻ đã đốt sùi một lần ở địa phương nhưng không có kết quả. Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám, thương tổn sùi mào gà đã lan tỏa khắp quy đầu dương vật và lỗ tiểu, khiến cháu đi tiểu khó khăn. Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ khối sùi dương vật, tạo hình niệu đạo, tạo hình quy đầu dương vật”, bác sĩ Khánh thông tin.

Theo bác sĩ Khánh, các bệnh lây qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai, lậu… chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Nhưng bên cạnh đó, nếu tiếp xúc với nguồn bệnh qua bề mặt da cũng có thể lây bệnh. 

Ngoài người trưởng thành mắc các bệnh lý này, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh lây qua đường tình dục do tiếp xúc nguồn bệnh.

 

Dễ lây nếu không chú ý

Theo bác sĩ Khánh, ở trẻ em, khi chưa có tình huống quan hệ tình dục thì chủ yếu lây bệnh là do tiếp xúc với nguồn bệnh. Những tình huống có thể kể đến như người chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp với trẻ bị bệnh. Lây nhiễm khi sử dụng chung những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như khăn, đồ lót, dụng cụ cắt móng tay… của người nhiễm bệnh.

“Thậm chí bệnh sùi mào gà cũng có thể lây truyền qua tay cầm nắm cửa, bồn cầu vệ sinh. Với trẻ nam, khi tiểu tiện thường dùng tay để cầm bộ phận sinh dục. Nếu tay cầm nắm cửa hay các vật dụng tiếp xúc có mầm bệnh, rất dễ vi rút sẽ bám vào tay trẻ. Khi trẻ dùng tay cầm bộ phận sinh dục có thể tiếp xúc với vi rút và gây bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên loại trừ khả năng trẻ bị lạm dụng tình dục. Đây cũng là con đường chủ yếu gây nên bệnh sùi mào gà, cụ thể là khi tiếp xúc trực tiếp với những bộ phận sinh dục mang vi rút HPV như dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của người bệnh. 

Ngoài ra, các bệnh lây qua đường tình dục như sùi mào gà còn có thể lây truyền trong quá trình sinh đẻ khi người mẹ bị nhiễm vi rút HPV”, bác sĩ Khánh cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang – giám đốc Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thương tổn do HPV ở lứa tuổi nhỏ có khả năng tiến triển nhanh do sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, việc chăm sóc vệ sinh bao quy đầu cho trẻ kém sẽ dẫn đến dễ bị bội nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nhau. 

Với thương tổn do HPV hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị có tỉ lệ tái phát với mọi phương pháp điều trị.

“Với trẻ mắc sùi mào gà, nếu được điều trị tốt sẽ ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như quan hệ tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh dễ tái phát, thậm chí có thể tiến triển thành ung thư và mất khả năng sinh sản”, ông Quang cho hay.

 

Làm sao để phòng tránh bệnh cho trẻ?

Theo bác sĩ Khánh, việc phòng tránh các bệnh như sùi mào gà, giang mai… cho trẻ chủ yếu là ngăn chặn các nguồn lây nhiễm. “Các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh có thể loại bỏ bằng cách khử khuẩn. Vì vậy, khi cha mẹ, người thân từ bên ngoài về cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ. Bởi có thể trên tay người thân có tiếp xúc với mầm bệnh và có thể lây nhiễm cho trẻ.

Đồng thời, không sử dụng chung các vật dụng như khăn tắm, quần áo. Cha mẹ cũng cần giáo dục cho trẻ cách tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân, tự vệ sinh bộ phận sinh dục. Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh nơi công cộng thì hạn chế tiếp xúc với những vật dụng có nguy cơ lây nhiễm.

Đặc biệt, cần giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm, không để người lạ động chạm vào bộ phận sinh dục, hậu môn. Nếu trẻ có tình trạng lạm dụng tình dục, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra để phòng tránh các bệnh có thể lây qua đường tình dục”, bác sĩ Khánh khuyến cáo.

Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy những triệu chứng bất thường ở bộ phận sinh dục của trẻ như xuất hiện nốt sùi nhỏ màu xám, đổi màu, tiết dịch vùng niệu đạo, ngứa, mẩn đỏ, đau nhức, khó tiểu cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

DƯƠNG LIỄU
TTO