21/12/2024

Trò chơi xưa của trẻ em ở Bắc kỳ

Trò chơi xưa của trẻ em ở Bắc kỳ

Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ (nguyên tác: Activités de la société enfantine annamite du Tonkin ) của tác giả Ngô Quý Sơn, công bố lần đầu bằng tiếng Pháp trên Bulletin de l’Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme (Tập san của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương, năm 1943), vừa được Nhã Nam và NXB Thế giới giới thiệu đến độc giả.

 

 

 

Năm 1944, phần nội dung này được Đắc Lộ thư xã (Edition Alexandre de Rhodes) in thành sách, Ngô Thúc Dung – cựu sinh viên khóa 6 (1930 – 1935) ngành hội họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vẽ bìa và minh họa. Theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Long (trong Vài nét về Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương (1937-1944), Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương được thành lập năm 1937, gồm: Thành viên sáng lập, Thành viên danh dự, Thành viên thông tấn và Thành viên thực thụ… Trong đó, ông Ngô Quý Sơn là Thành viên thực thụ của Viện, cùng với những học giả người Việt uy tín khác như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Thiệu Lâu, Ngô Đình Nhu, Tôn Thất Tùng…

 

Hệ thống các trò chơi xưa ở Bắc Kỳ

PGS-TS Nguyễn Phương Ngọc, trong À l’origine de l’anthropologie Au Vietnam – Recherche sur les auteurs de la première moitié du XXe siècle (Nguồn gốc nhân học ở VN – Nghiên cứu các tác giả nửa đầu thế kỷ 20), cho biết ông Ngô Quý Sơn từng công bố trên Tập san của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương một số nghiên cứu: Les interdits au Tonkin (Những điều cấm ở Bắc kỳ), 1940; Contribution à la démonologie annamite. Les thần trùng (chen tch’ong) (Tìm hiểu về quỷ thần của người An Nam: Thần trùng), 1941; Activités de la société enfantine annamite du Tonkin (Hoạt động của trẻ em An Nam ở Bắc kỳ), 1943…

Trò chơi xưa của trẻ em ở Bắc kỳ - ảnh 1
Các trò xưa được các em rất ưa thích: Rồng rắn, Đáo lỗ, Chơi diều  MINH HỌA CỦA NGÔ THÚC DUNG

Như nội dung của nhan đề, trong cuốn sách này ông Ngô Quý Sơn đã tập trung khảo tả các hoạt động của trẻ em người Việt ở Bắc kỳ, công việc mà ông cho là trước đó chưa có tác phẩm nào khai thác, và hướng đến phục vụ nhóm độc giả biết tiếng Pháp.

Tác giả Ngô Quý Sơn đưa ra một hệ thống về các trò chơi (cả dễ dàng và phức tạp cần đến sự trợ giúp của người lớn) của trẻ em ở Bắc kỳ: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, Các trò chơi dùng que, Các trò chơi dùng sỏi, Đánh đáo, Chơi diều, Các trò chơi may rủi và tìm kiếm, Các trò giải trí khác, Các trò ma thuật, Các trò chơi dùng lời nói, Các trò ức hiếp giễu nhại, Các bài đồng dao. Qua đó, rất nhiều trò chơi được ông tập hợp như: Rồng rắn, Nu na nu nống, Hú tim, Giã gạo, Mít mật mít dai, Đánh chuyền, Ô quan, Thả mồi đớp bóng, Bơi lội, Chơi diều, Đánh đu, Đánh đinh, Đáo lỗ, Dung dăng dung dẻ, Hò khoan, Chọi cỏ, Chồng đống chồng đe, Đánh cần, Đánh lú… Tác giả không đi sâu vào nghiên cứu lịch sử trò chơi, mà chỉ tập trung khảo tả về cấu trúc đầu và cuối của trò chơi, qua đó cung cấp cho độc giả ít nhất “một tư liệu đưa lại ý niệm tương đối về các hoạt động của trẻ em” ở Bắc kỳ.

Những trò chơi ngây thơ được trẻ em Bắc kỳ ưa chuộng được nhắc đến trong nghiên cứu này chủ yếu tập trung ở làng quê, nơi thôn dã; trẻ em thành phố cũng có nhưng tương đối hiếm hoi và “thường chỉ diễn ra trong những hẻm nhỏ hay ngõ cụt”. Để mang đến cho độc giả một tuyển tập trò chơi trẻ em mang tính dân tộc học, ông Ngô Quý Sơn đã đi điền dã, thu thập tài liệu ở một số làng ở Bắc kỳ vào các năm 1940 – 1941, đa phần ở các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây. Thông tin về những trò chơi ở địa phương khác như Bắc Kạn, Khuôn Sơn (Tuyên Quang), Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình được cung cấp thông qua những người đưa tin là người bản địa, dân gốc tại đó, đang tạm trú tại Hà Nội lúc bấy giờ.

Trò chơi xưa của trẻ em ở Bắc kỳ - ảnh 2
Bìa cuốn sách Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ  QUANG DIỆU

Ký ức xưa của người việt

Mỗi trò chơi được ông Ngô Quý Sơn nhắc đến trong nguyên tác theo tên gọi tiếng Việt và tiếng Pháp (ví dụ: Rồng rắn (Dragon-serpent), (Luttes), Giã gạo (Décortiquer le riz)…), cuối mỗi trò chơi ông liệt kê thêm giới tính phù hợp của trẻ em chơi, mùa thích hợp để chơi, địa phương diễn ra. Với trò chơi được nhiều làng xã đồng tình chấp thuận trở thành trò chơi điển hình, thay vì liệt kê tên hơn 100 ngôi làng, tác giả sẽ ghi chú là “phổ biến”. Ví dụ, cuối trò chơi Thuyền tam bản, tác giả ghi chú “Trẻ trai, trẻ gái. Những ngày mưa. Sơn Tây”; cuối trò chơi Ô quan, tác giả ghi chú “Trẻ trai, trẻ gái. Chơi chung hoặc chơi riêng. Quanh năm. Phổ biến”; cuối trò chơi Hò khoan, tác giả ghi chú “Trẻ trai, trẻ gái. Chơi chung hoặc chơi riêng vào Tết Trung thu. Quanh năm. Phổ biến”…

Với quan niệm “các trò chơi của trẻ em xứng đáng được tìm hiểu không kém bất cứ biểu hiện xã hội nào khác của một dân tộc”, ông Ngô Quý Sơn đã viết Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ một cách cẩn trọng, mô tả tỉ mỉ về các trò chơi, bài vè, ngạn ngữ… Điều quan trọng là ông đã rất chịu khó cung cấp nhiều phiên bản khác nhau của một trò chơi theo đúng tinh thần dân tộc học. Ví dụ, trò Hú tim với bài đồng dao Chi chi chành chành/Cái đanh thổi lửa..., tác giả còn giới thiệu thêm một phiên bản khác ở Hà Đông; hoặc trò Đánh đu, ngoài phiên bản chơi vào mỗi dịp tết ở Sơn Tây và Bắc Ninh, tác giả cũng giới thiệu thêm phiên bản ở Khuôn Sơn với những sự khác biệt…

Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ là một tuyển tập, dù đã cố gắng tập hợp tư liệu nhưng những thiếu sót là điều khó tránh khỏi, điều này đã được học giả Nguyễn Văn Tố chỉ ra và bổ sung các trò Đấu dế, Đấu cá săn sắt… Ông Ngô Quý Sơn cũng nhìn thấy hạn chế của mình và cuốn sách, và coi đó “là cơ hội để thúc đẩy những nghiên cứu sâu hơn nữa tại tất cả các làng”.

Nghiên cứu của ông Ngô Quý Sơn được thực hiện vào thập niên 1940, giai đoạn cuối của thời kỳ Pháp thuộc, khi quá trình đô thị hóa, Tây hóa đã diễn ra một cách mạnh mẽ, đồng nghĩa với kết cấu làng xã trở nên lỏng lẻo hơn trước. Theo thời gian, cùng với những biến động xã hội và không gian văn hóa, các trò chơi ngày càng biến mất, bị lãng quên, hoặc bị cải biến, hoặc bị thay thế bởi các trò chơi du nhập từ bên ngoài… mà một số trò chơi được nhắc đến trong sách đã trở nên xa lạ với một bộ phận người Việt hiện nay hoặc ít được thực hành. Trong ý nghĩa đó, việc dịch và xuất bản cuốn sách Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ là một đóng góp thiết thực vào việc tìm hiểu văn hóa dân gian, phong tục cổ xưa, ký ức lịch sử… của người Việt.

 

NGUYỄN QUANG DIỆU – LÊ CÔNG SƠN

TNO