27/12/2024

Khảo sát để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non 3 – 4 tuổi

Khảo sát để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non 3 – 4 tuổi

Sở GD-ĐT TP.HCM đang rà soát, cập nhật số liệu, tỷ lệ trẻ 3 – 4 tuổi đến trường ở các quận, huyện trong toàn TP.

 

 

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đang tiến hành rà soát, cập nhật số liệu, tỷ lệ trẻ 3 – 4 tuổi đến trường ở các quận huyện để báo cáo Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT.

Trước đó Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cũng làm việc tại nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM để tiến hành khảo sát tình hình trường lớp, cơ sở vật chất, tỷ lệ trẻ em 3 – 4 tuổi đến trường tại một số quận, huyện, trước khi có báo cáo chính thức, để quyết định về địa phương sẽ phổ cập giáo dục mầm non độ tuổi 3 – 4 tuổi trong thời gian tới.

Khảo sát để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non 3 - 4 tuổi - ảnh 1
Hoạt động của cô và trò tại Trường mầm non Thành phố, Q.3, TP.HCM    THÚY HẰNG

TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 312 phường, xã từ năm 2014. Năm 2021, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,8%.

Toàn TP hiện có 1.309 trường mầm non, trong đó 465 trường công lập và 844 ngoài công lập; bên cạnh đó TP có 1.580 nhóm lớp, lớp độc lập tư thục và 228 nhóm trẻ.

Trong thời gian qua, TP.HCM triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chuyên đề này, giai đoạn 2021 – 2025. Những mục tiêu chính của chuyên đề là tạo môi trường thân thiện cho trẻ, thông qua nhiều hoạt động giáo dục để kích thích sự chủ động, sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ.

Trường mầm non được đầu tư cơ sở vật chất, thiết kế trường lớp phù hợp, với phương châm lấy trẻ làm trung tâm, các hoạt động giáo dục sẽ tăng cường tính chủ động, tích cực của trẻ thông qua các cách “học mà chơi, chơi mà học”. Thông qua các bài học trên lớp, trẻ được tiếp cận, trải nghiệm, xử lý các tình huống trong đời sống hằng ngày.

Bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay khi đẩy mạnh chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, với phương pháp giáo dục mới đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của giáo viên. Các giáo viên được sáng tạo, phát huy năng lực trong tổ chức hoạt động dạy học, người quản lý ở các trường mầm non sẽ cùng dự giờ với các lớp, từ đó quan sát, góp ý, xây dựng để các giáo viên hoàn thiện giáo án, mang đến những giờ học thú vị cho các bé.

 

THUÝ HẰNG

TNO