22/12/2024

Coi chừng ‘tiền mất tật mang’ khi tin dùng thuốc đặc trị tự phong trên mạng

Coi chừng ‘tiền mất tật mang’ khi tin dùng thuốc đặc trị tự phong trên mạng

Giá thành thấp, cam kết trị dứt bệnh trong thời gian ngắn của các loại thuốc đặc trị tự phong được quảng cáo trên mạng khiến người bệnh ‘tiền mất tật mang’.

 

 

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc điều trị đái tháo đường. Thuốc có pha trộn hoạt chất phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường đã bị cấm lưu hành từ những năm 1970 do ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng toan máu, suy thận, nguy cơ tử vong cao.

 

Thuốc đặc trị “tự phong”

Với dòng lệnh “Thuốc trị ung thư”, Google trả về 28 triệu kết quả chỉ trong 0,29 giây. Trong đó, kết quả hiển thị đầu tiên là những trang web quảng cáo thổi phồng chức năng của sản phẩm hỗ trợ thành thuốc đặc trị như “Chữa ung thư di căn”, “Liệu pháp miễn dịch tự thân”…

Coi chừng 'tiền mất tật mang' khi tin dùng thuốc đặc trị tự phong trên mạng - ảnh 1
Cam kết trị dứt điểm bệnh tiểu đường từ một quảng cáo trên mạng xã hội Facebook   CHỤP MÀN HÌNH

Khi vào một trang web cụ thể, đối tượng không chỉ nêu bật chức năng của thuốc như “Hiệu quả ngay sau một liệu trình”, mà để tăng lòng tin của người bệnh, họ lồng ghép hình ảnh, thông tin của thuốc vào các phóng sự, bản tin của cơ quan báo chí.

Tại trang chủ của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế (https://vfa.gov.vn/), không khó bắt gặp những loại thuốc, thực phẩm chức năng bị “điểm mặt” vì vi phạm quy định về quảng cáo. Và đó là những sản phẩm hiện thị đầu tiên khi tìm kiếm ở Google.

Coi chừng 'tiền mất tật mang' khi tin dùng thuốc đặc trị tự phong trên mạng - ảnh 2
Cục An toàn thực phẩm “điểm mặt” cụ thể các sản phẩm chức năng thổi phồng công dụng thành thuốc    CHỤP MÀN HÌNH

Còn tại YouTube, quảng cáo thuốc gia truyền “3 đời” đã được “dẹp yên”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận được rất nhiều quảng cáo về thuốc đông y, thuốc “dân gian truyền miệng” từ những người không có chuyên môn về lĩnh vực y tế.

Tại đây, những trang web liên kết từ YouTube để chuyển sang trang bán hàng cũng hiển thị đầu tiên với chức năng trị dứt bệnh hút mắt người xem. Tương tự, tại trang Facebook, TikTok cũng không khó tìm thấy những quảng cáo thổi phồng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, lao phổi… đến từ bác sĩ hay lương y “tự phong”.

Giá thành thấp, nhanh chóng cải thiện bệnh trong 5 – 7 ngày, đa dụng… khiến tâm lý người bệnh dễ bị tác động và tin dùng.

 

Nên dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ

Theo thông tư 13/2009/TT-BYT về hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc quy định, quảng cáo thuốc không được phép đưa vào các thông tin về chỉ định điều trị như điều trị bệnh lao, bệnh phong; điều trị bệnh lây qua đường tình dục; điều trị chứng mất ngủ kinh niên; các chỉ định mang tính kích dục; điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác tương tự.

ThS-DS Vũ Thị Thanh Tuyền, khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng, người dân cần cảnh giác với các quảng cáo rầm rộ về thuốc đặc trị, cam kết chữa khỏi những bệnh trên, nhận biết quảng cáo mang những nội dung trái với quy định, nhiều khả năng là chưa được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, việc mua thuốc trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và theo dõi. Nguồn gốc và hiệu quả của các thuốc này là không rõ ràng và chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm định nào.

“Khi mắc bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tư vấn điều trị và sử dụng thuốc một cách khoa học theo đúng phác đồ của bác sĩ, dược sĩ, không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu tổn hại sức khỏe do thuốc khi người bệnh đã sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian dài”, ThS-DS Vũ Thị Thanh Tuyền chia sẻ thêm.

 

THANH DUNG

TNO