Thuyên tắc huyết khối ở người bệnh ung thư: Làm gì để giảm bớt gánh nặng?
Thuyên tắc huyết khối ở người bệnh ung thư: Làm gì để giảm bớt gánh nặng?
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) là một biến chứng cấp tính vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh ung thư. Tình trạng TTHKTM trên nền ung thư có tỷ lệ tái phát cao, làm giảm tiên lượng sống.
Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) đã tiếp nhận trường hợp ca bệnh C.T.Đ (62 tuổi, ngụ tại Tân Phú).
Ông Đ. được chẩn đoán ung thư đại trực tràng cách đây 4 tháng, hiện đang dùng thuốc kháng đông để điều trị dự phòng TTHKTM.
Một tuần trước ngày nhập viện, ông Đ. cảm thấy đau nhức, tê chân trái liên tục. Suy nghĩ do ít vận động nên chân bị tê, ông Đ. cố nén cơn khó chịu. Sáng cùng ngày, cơn đau nhiều hơn đi kèm sưng và có biểu hiện lộ rõ tĩnh mạch dưới đầu gối chân trái, ông Đ. được gia đình đưa nhập viện.
Tại Phòng khám khoa Ung thư, BV ĐHYD TP,HCM, người bệnh được chẩn đoán bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch chậu – đùi chân trái sau cuộc hội chẩn của các bác sĩ. Người bệnh được lưu lại bệnh viện để tiếp tục điều trị và theo dõi.
Nguy cơ, mức độ nguy hiểm của TTHKTM trên người bệnh ung thư
BSCKII Lâm Quốc Trung, Phó trưởng khoa Hóa trị ung thư, BV ĐHYD TP.HCM, cho biết có khoảng 20% người bệnh ung thư xuất hiện TTHKTM. Tình trạng TTHKTM trên người bệnh ung thư có thể xảy ra trong suốt quá trình phát triển của bệnh. Giai đoạn người bệnh bắt đầu điều trị nội trú và ung thư giai đoạn cuối là hai thời điểm tỷ lệ mắc TTHKTM đạt mức cao nhất.
Các yếu tố nguy cơ gây TTHKTM trên người bệnh ung thư được chia thành 4 nhóm chính, bao gồm: Nhóm yếu tố liên quan đến khối u (vị trí ung thư nguyên phát, giai đoạn, mô học, mức độ biệt hóa của khối u, thời điểm chẩn đoán); Nhóm yếu tố liên quan đến điều trị (phẫu thuật lớn, nhập viện, biện pháp điều trị ung thư được áp dụng, truyền máu, catheter tĩnh mạch trung tâm); Nhóm yếu tố liên quan đến người bệnh (tuổi, giới tính, BMI, di truyền, bệnh đồng mắc, tiền căn TTHKTM, giãn tĩnh mạch); Nhóm dấu ấn sinh học (Số lượng tiểu cầu, bạch cầu…).
BSCKII. Lâm Quốc Trung khám cho cho người bệnh BVCC |
Ngoài các nhóm yếu tố nêu trên, bản thân bệnh lý ung thư cũng được đánh giá là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ TTHKTM. Theo đó, người bệnh mắc các loại ung thư như huyết học, phổi, tiêu hóa, ung thư tuyến tụy, não, đa u tủy, u lympho có nguy cơ TTHKTM cao hơn so với các loại ung thư ở những vị trí khác.
Huyết khối do ung thư góp phần làm giảm tiên lượng sống so với thông thường. Người bệnh ung thư đi kèm TTHKTM nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thuyên tắc phổi và có thể tử vong ngay lập tức.
Chiến lược điều trị và phòng ngừa tái phát TTHKTM trên người bệnh ung thư
Theo TS.BS Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, BV ĐHYD TP.HCM, không phải tất cả người bệnh ung thư ngoại trú đều cần dự phòng TTHKTM. Chiến lược này chỉ cần thực hiện trên những người bệnh thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Dự phòng ngay từ sớm là cách giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật nhất có thể đối với người bệnh ung thư có TTHKTM.
Mức độ TTHKTM trên người bệnh ung thư được xác định thông qua bảng điểm PADUA. Nếu tổng điểm đánh giá cao hơn hoặc bằng 4 (PPS ≥ 4), đồng nghĩa người bệnh có nguy cơ TTHKTM cao, cần được điều trị dự phòng. Đối với người bệnh ung thư thực hiện hóa trị, nguy cơ được đánh giá dựa theo thang điểm Khorana. Nếu tổng điểm đánh giá cao hơn hoặc bằng 3 (PPS ≥ 3) người bệnh sẽ được chỉ định điều trị dự phòng.
Sử dụng thuốc kháng đông là cách dự phòng TTHKTM trên người bệnh ung thư tối ưu hiện nay. Có 2 hình thức sử dụng thuốc kháng đông phổ biến ở người bệnh ung thư là thuốc dạng tiêm và thuốc dạng uống. Thực tế cho thấy, thuốc kháng đông dạng tiêm mang đến nhiều thách thức trong việc sử dụng (phải tiêm thuốc tại nhà, giảm tiểu cầu, bầm tím trên da, giảm hiệu quả trong những lần chích tiếp theo…). Sự ra đời của các loại thuốc kháng đông dạng uống thế hệ mới (NOACs) không chỉ hiệu quả mà còn đảm bảo an toàn trên người bệnh ung thư có TTHKTM. Phần lớn quá trình điều trị dự phòng TTHKTM trên người bệnh ung thư sẽ kéo dài trong 3 – 6 tháng hoặc trên 6 tháng đối với những trường hợp đặc biệt.
Hiểu được mức độ nguy hiểm và sự cấp thiết việc dự phòng, BV ĐHYD TPHCM đã triển khai ngay từ sớm các chiến lược dự phòng TTHKTM trên người bệnh ung thư đang điều trị nội trú và ngoại trú. Đồng thời, phát huy thế mạnh đa chuyên khoa, bệnh viện đã thành lập đơn vị phản ứng nhanh trong chẩn đoán và điều trị thuyên tắc phổi với sự phối hợp của bác sĩ các chuyên khoa liên quan. Không chỉ cùng nhau hội chẩn để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp, đội phản ứng nhanh còn giúp giải quyết kịp thời các biến chứng của TTHKTM, đặc biệt là thuyên tắc phổi gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Bệnh viện cũng chú trọng việc trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị nhằm phục vụ, hỗ trợ kịp thời cho công tác chẩn đoán, thăm khám, điều trị và dự phòng TTHKTM cho người bệnh.
N.P
TNO