“Đáp án” khác về địa danh Thủ Đức
“Đáp án” khác về địa danh Thủ Đức
Từ nhiều năm qua, người ta giải thích địa danh Thủ Đức (TP.HCM) dựa vào tập tài liệu đánh máy của ông Nguyễn Văn Nhạn, tục gọi là Xã Nhạn, cung cấp.
Theo đó, “Thủ Đức” là tên hiệu của ông Tạ Dương Minh (còn có tên gọi khác là Tạ Huy), một bậc tiền hiền có công khai hoang lập ấp vùng đất Linh Chiểu ngày xưa.
Ông Tạ Dương Minh cũng là người lập ngôi chợ để dân chúng địa phương buôn bán, giúp cho cuộc sống khá giả. Nhớ ơn ông, người ta đã gọi tên ngôi chợ là Thủ Đức vì đây là tên hiệu của ông. Ngoài ra, từ lâu, bà con tiểu thương ở đây cũng đã xây dựng một ngôi nhà để thờ phụng ông gần chợ Thủ Đức. Ngôi nhà này hiện tọa lạc ở số 9 đường Hồ Văn Tư, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, được trùng tu lần gần đây nhất là năm 1930, nội thất có đầy đủ đồ thờ phụng như: khám thờ, hoành phi, liễn đối… giống như một ngôi đình làng thu nhỏ.
Nấm mộ cổ tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức có hình con trâu nằm ngủ HỒ TƯỜNG |
Tuy nhiên, từ năm 1984, ngôi nhà thờ ông Tạ Dương Minh đã được sử dụng làm trường mẫu giáo và sau đó là mái ấm tình thương cho trẻ mồ côi, khiến cho khám thờ ông trong ngôi nhà thờ này đã phải chuyển về đặt trong chính điện của Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình thần Linh Đông, ở số 40/1A, đường Chương Dương, P.Linh Chiểu cho tới ngày nay. Hiện giờ, nhà trẻ và mái ấm tình thương đã ngừng hoạt động. Ngôi nhà thờ ông Tạ Dương Minh bỏ trống. Phía sân trước ngôi nhà được tổ chức làm điểm giữ xe cho những người đi chợ Thủ Đức. Tổ quản lý trật tự đô thị, trực thuộc UBND P.Trường Thọ được giao trách nhiệm quản lý ngôi nhà này.
Cách đình Linh Đông không xa là mộ của ông Tạ Dương Minh, tọa lạc trước nhà số 19/1, đường 10, KP.4, P.Linh Chiểu. Ngôi mộ có tổng diện tích xây dựng 108 m2, gồm hai vòng tường bao xung quanh, mặt tiền là một bức bình phong đối xứng với một bức bình phong khác mặt sau và ở giữa là ngôi mộ của ông Tạ Dương Minh. Ngôi mộ được xây dựng bằng vật liệu đá ong và gạch, bên ngoài trát lớp hợp chất hồ cổ xưa. Mộ do hương chức thôn Linh Chiểu Đông lập bia mộ vào ngày tốt tháng 2 năm Canh Dần, tức năm 1890, cách nay hơn 130 năm.
Ngôi mộ cổ đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật của TP.HCM nhưng trước và sau khi trùng tu vẫn được ít người biết đến QUỲNH TRÂN |
Đối sánh chữ nghĩa trên bia mộ và bài vị
Để có được thông tin về ông Tạ Dương Minh mà theo tương truyền rằng ông còn có một tên gọi khác là Tạ Huy, chúng ta sẽ lần lượt phân tích các chữ Hán hiện còn khá rõ trên ngôi mộ và trên bài vị của ông.
Nội dung các chữ Hán khắc trên bia mộ của ông Tạ Dương Minh chi tiết như sau:
a) Giữa bia là dòng chữ: 大南靈沼東村前贒諱煇號守德謝府君之墓; phiên âm: Đại Nam, Linh Chiểu đông thôn, Tiền hiền húy Huy, hiệu Thủ Đức, Tạ phủ quân chi mộ. Dịch nghĩa: Mộ của Ông lớn họ Tạ, hiệu Thủ Đức, húy Huy, Tiền hiền thôn Linh Chiểu đông, nước Đại Nam.
b) Dòng chữ bên phải trên bia: 卒於陸月十九日; phiên âm: Tốt ư lục nguyệt thập cửu nhật. Dịch nghĩa: Mất vào ngày 19 tháng sáu (giống ngày sinh).
c) Dòng chữ bên trái trên bia: 庚寅年二月吉日本村鄉職造; phiên âm: Canh Dần niên nhị nguyệt cát nhật bổn thôn hương chức tạo. Dịch nghĩa: Hương chức thôn nhà làm vào ngày lành tháng hai năm Canh Dần (1890).
Nội dung các chữ Hán chạm khắc trên khám thờ của ông Tạ Dương Minh (hiện đặt ở chính điện đình Linh Đông):
a) Tấm biển của khám thờ: 謝揚明祠堂; phiên âm: Tạ Dương Minh từ đường. Dịch nghĩa: Khám thờ thờ ông Tạ Dương Minh.
b) Trán của khám thờ: 壬申年仲秋造; phiên âm: Nhâm Thân niên trọng thu tạo. Dịch nghĩa: Làm giữa mùa thu năm Nhâm Thân (có thể là năm 1932 – sau 2 năm trùng tu ngôi nhà thờ ông Tạ Dương Minh).
c) Bên trong khám thờ:
– Chính giữa: 前贒; phiên âm: Tiền hiền. Dịch nghĩa: bậc có công khai hoang lập ấp.
– Phía bên phải: 姓謝號首德諱煇; phiên âm: Tánh Tạ hiệu Thủ Đức húy Huy. Dịch nghĩa: Họ Tạ hiệu Thủ Đức húy Huy.
– Phía bên trái: 陸月拾玖日正誕; phiên âm: Lục nguyệt thập cửu nhật chánh đản. Dịch nghĩa: Ngày sanh: 19 tháng sáu (giống ngày mất).
d) Cặp liễn đối hai bên trái phải của khám thờ:
Nguyên văn: 前立鴻基同一守贒傳徽望并三灵
Phiên âm: Tiền lập hồng cơ đồng nhất Thủ
Hiền truyền Huy vọng tịnh tam Linh
Dịch nghĩa: Tiền lập nền to cùng một Thủ
Hiền truyền Huy vọng khắp tam Linh
Ta có thể thấy chữ “Thủ” trên bia mộ là 守 ; trong khi đó, chữ “Thủ” trên bài vị là 首. “Thủ” 守 là đơn vị hành chánh vùng ven, nơi đó có chợ, có đồn, có dân. Còn chữ “thủ” 首 là đứng đầu. Rõ ràng thật là khó mà giải thích cho trôi chảy trường hợp sử dụng 2 chữ “Thủ” khác nhau, nhưng đồng thời 2 chữ “Thủ” lại là một tên hiệu của cùng một người! Tóm lại, chúng tôi không cho rằng Thủ Đức là tên hiệu của ông Tạ Dương Minh.
Các kiến trúc trụ, tường xưa của mộ cổ hầu như nguyên vẹn HỒ TƯỜNG |
Đáp án khác về ý nghĩa địa danh “Thủ Đức”
Có tài liệu cho rằng trước khi ông Tạ Dương Minh đến, nơi này có vị quan trấn thủ tên Đức (không rõ họ) lo việc trấn thủ vùng đất mới, chăm lo bảo vệ cuộc sống cho bà con lưu dân. Khi ông Tạ Dương Minh đến đây lập chợ thì quan trấn thủ tên Đức đã qua đời nên ông Tạ Dương Minh đã đặt tên chợ là Thủ Đức để tỏ lòng tôn kính và biết ơn.
Bên cạnh đó, trong hai năm 2010 và 2011, khi đi nghiên cứu điền dã ở vùng Dĩ An (nay là TP.Dĩ An, Bình Dương), bản thân chúng tôi đã được nhiều bậc cao niên ở vùng đất Dĩ An giải thích về địa danh “Thủ Đức” khá lý thú!
Các vị ấy bảo rằng thuở xưa, khi từ miền Trung vào khai hoang lập ấp vùng đất ở miệt này, các bậc tiền bối đã đặt tên 2 vùng đất kế cận, một bên mang tên là “Thủ Đức” 守德 và một bên mang tên là “Dĩ An” 已安, để nhắc nhở con cháu đời sau hãy luôn nhớ gìn giữ Đức Độ thì sẽ luôn được Bình An! Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi vì trước thời thuộc Pháp, cả Thủ Đức và Dĩ An đều là 2 quận của tỉnh Biên Hòa. Sau khi thống nhất đất nước thì Thủ Đức được nhập về TP.HCM, còn Dĩ An lại nhập về Bình Dương.
Quan điểm của chúng tôi cho rằng ông Tạ Dương Minh chỉ là người có công lập chợ Thủ Đức. Việc này thể hiện qua cặp câu đối khắc ở khám thờ của ông.
Ngày 29.7.2022, UBND TP.Thủ Đức đã công bố biểu trưng của thành phố. “Biểu trưng của TP.Thủ Đức giúp người dân, thế hệ trẻ nêu cao ý thức, giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa”. Thể hiện tinh thần này không gì bằng việc hoàn trả đúng chức năng của ngôi nhà thờ ông Tạ Dương Minh, với khám thờ của ông và đồ thờ đầy đủ như thuở ban đầu. Từ đó, bà con tiểu thương chợ Thủ Đức, người dân địa phương và cả khách du lịch thắp nén tâm hương, tưởng nhớ đến công ơn của ông.
HỒ TƯỜNG – CAO VĨNH
TNO