Phim trường Việt khi nào hết ‘ăn xổi ở thì’?
Phim trường Việt khi nào hết ‘ăn xổi ở thì’?
Một cảnh người làm mang cơm từ gian bếp lên nhà giữa trong bộ phim xưa, nhưng phải quay ở hai tỉnh: nhà giữa – nhà cổ ở Cần Thơ (không có gian bếp để quay), còn gian bếp ở Tây Ninh (hợp chất phim xưa nhưng nhà chính lại không chuẩn cổ).
Chỉ câu chuyện này cũng đủ phản ảnh thực trạng phim trường nước ta hiện nay.
“Nói hoài nói mãi” vẫn chưa hết khổ
Sắp phát sóng trên VTV1 là phim Mẹ rơm của đạo diễn – NSƯT Nguyễn Phương Điền, với bối cảnh quay chính tại Phan Rang (Ninh Thuận). Hôm ra mắt, đoàn phim cho biết có những ngày chuẩn bị sẵn sàng rồi lại phải chờ hết mưa, cả đoàn cứ ngồi chơi cả ngày, có khi đến trưa hôm sau. Ông cho rằng nếu có phim trường tiến độ sẽ rút xuống còn một nửa, kinh phí cũng giảm đi nhiều, mạch cảm xúc của diễn viên sẽ tốt hơn, hiệu ứng về hình ảnh cũng đẹp hơn.
Mới đây, nhà sản xuất Đỗ Quang Minh (Minh Đô) cho biết ông đã bàn giao công trình xây dựng tạm làm bối cảnh phim Giấc mơ của mẹ (trên phần đất do nhà nước quản lý, thuộc H.Nhà Bè, TP.HCM mà địa phương cho phép ông Minh tạm sử dụng để làm phim trường) cho địa phương, sau khi phim đóng máy.
Phần lớn bối cảnh phim Giấc mơ của mẹ quay tại phim trường của nhà sản xuất Đỗ Quang Minh VIEON |
Xem Giấc mơ của mẹ (đang phát trên HTV2, VieON) sẽ thấy phần lớn bối cảnh được quay ở phim trường của nhà sản xuất Đỗ Quang Minh. Đó là một khu phố nằm trên con dốc, bên cạnh là bờ sông; những ngôi nhà, hàng quán được dựng lên trông rất xinh xắn, thanh bình. Cũng vì sự thơ mộng của nó, trong quá trình quay phim gần 2 năm qua, nhiều góc “sống ảo” ở khu phố này đã được ê kíp đoàn phim đăng tải. Ông Minh cho biết toàn bộ bối cảnh được tặng cho địa phương, có thể làm khu sinh hoạt cộng đồng, cho trẻ em chơi, hoặc tết thì làm vườn hoa cho bà con tham quan…
Theo nhà sản xuất Đỗ Quang Minh: “Tiền bối cảnh phân bổ cho phim không đủ để tôi đầu tư phim trường này. Nhưng tôi làm vì nhiều lý do: mình làm sản xuất, có sẵn nền tảng – thiên nhiên, tôi có đam mê việc trồng cây cảnh, chăm sóc vườn tược cũng như tạo môi trường cho con cái có thêm kỹ năng sống. Có “cát xê tinh thần” cộng thêm như vậy tôi mới làm được. Chứ nếu là bài toán kinh doanh thì không ai muốn đầu tư”. Quả thật, như nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi (Giám đốc điều hành phim trường CineV, TP.Thủ Đức) thừa nhận: “Nếu làm phim trường chỉ để cho thuê không thì vẫn lỗ, trừ khi kết hợp phục vụ giải trí, du lịch”.
Ông Đỗ Quang Minh cũng cho rằng: “Nhìn lại nền điện ảnh – truyền hình VN, riêng về phim trường, có thể nói là ăn xổi ở thì nhất. Chưa kể, thật lãng phí khi các bối cảnh dựng cho phim nào xong đến lúc đóng máy cũng bị bỏ đi, cũng vì thiếu phim trường. Tư nhân không có đủ đất để làm, nhà nước thì… chuyện phim trường còn dài lắm, vượt tầm… lo lắng của mình”.
Sitcom Bếp trưởng tới quay tại CineV Studio NGUYỄN DUY BẢO |
Trông chờ tư nhân ?
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền trăn trở: “Thực trạng phim trường từng được đặt ra không ít lần trong các hội thảo, tọa đàm liên quan. Nhưng ai sẽ làm? HTV đã có phim trường ở Củ Chi nhưng lâu nay gần như hoang phế. Cũng có một số phim trường – dạng studio đặt vấn đề để làm lại, nhưng chúng ta thường vấp phải câu chuyện khá nan giải: làm phim trường thì phải tính đến chiều dài, chiều sâu, hiệu suất ra sao…”.
Nhà sản xuất Nguyễn Minh (Giám đốc Công ty Kịch Bản Việt) cho biết hiện ở TP.HCM, các đoàn phim thường nhắm đến các khu bối cảnh: Khu đô thị Vạn Phúc (TP.Thủ Đức), một số biệt thự ở P.An Phú Đông (Q.12), khu biệt thự ven sông Bình Lợi (Q.Bình Thạnh), cụm cảnh thôn dã đồng quê (Q.9) hay các phim trường: Stylist Media (Q.12), CineV hoặc như nghệ sĩ Hoàng Mập tự đầu tư bối cảnh làm phim của mình… Dù vậy, như các nhà làm phim nhìn nhận, những phim trường dạng này chủ yếu đáp ứng cho sitcom hay bối cảnh nội của phim truyền hình.
Thực tế, như ông Nguyễn Minh nói, “lâu nay, ta có chủ trương nhưng dường như thiếu chính sách cụ thể để có hướng thực hiện; ta chú trọng quy hoạch phát triển chất lượng phim Việt mà lại chưa quan tâm công tác đào tạo, công nghệ sản xuất hay phim trường… Nói cách khác, những yếu tố liên quan để tạo nên một bộ phim hay chưa được giải quyết. Và câu chuyện phim trường gần như mạnh ai nấy tự vận hành theo khả năng”.
Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh cho hay ông đang xúc tiến dự án phim trường với tỉnh Đắk Nông nhằm chuẩn bị cho sê ri Vương quốc tuổi thơ và Bình Thuận (đã khảo sát với tư cách cá nhân). “Đắk Nông có Công viên địa chất toàn cầu, Bình Thuận có khu rừng phòng hộ, thuận lợi khi dựa vào thiên nhiên. Nếu được giao đất, khi làm phim trường, quan điểm của tôi là “khai thác dưới tán lá”, không đụng chạm gì đến môi trường thiên nhiên”, ông Minh nói. Theo ông, “kế hoạch là vậy nhưng kết quả ra sao còn phụ thuộc vào chủ trương của tỉnh. Cá nhân mình, tôi nghĩ đơn giản nếu thực hiện được, phim trường thành hình, về giới làm phim sau mỗi bộ phim có cơ sở vật chất hạ tầng cơ bản để các đoàn khác đến tái tạo – sử dụng, giảm chi phí; với chính quyền địa phương, có thể tận dụng để khai thác du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân; còn người thích du lịch hoang dã một chút có thể cắm trại tại đây hay check-in bối cảnh trong phim mà mình yêu thích”.
NGUYÊN VĂN
TNO