23/01/2025

Phải làm gì khi nghi ngờ bị dị ứng thuốc?

Phải làm gì khi nghi ngờ bị dị ứng thuốc?

Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng với cơ thể. Các triệu chứng dị ứng thuốc có thể khác nhau tùy người. Có những triệu chứng nhẹ nhưng cũng có triệu chứng nặng đe dọa tính mạng.

 

 

 

 

Cần phân biệt rõ rằng dị ứng thuốc khác với tác dụng phụ của thuốc. Tác dụng phụ thường sẽ được liệt kê trong hướng dẫn sử dụng. Trong khi đó, dị ứng thuốc là do hệ miễn dịch phản ứng với thuốc, theo chuyên trang y tế Medline Plus (Mỹ).

Phải làm gì khi nghi ngờ bị dị ứng thuốc? - ảnh 1
Khi nghi ngờ dị ứng thuốc, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ  SHUTTERSTOCK

Điều này là do hệ miễn dịch nhầm thuốc với vi khuẩn, virus gây bệnh. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ tự động tạo kháng thể để tấn công thuốc. Kháng thể là các protein có khả năng liên kết với thuốc và đào thải chúng khỏi cơ thể. Đồng thời, các tế bào bạch cầu sẽ giải phóng histamine, dẫn đến triệu chứng ngứa da.

Ngoài ngứa, dị ứng thuốc còn xuất hiện các triệu chứng thường gặp khác như chảy nước mũi, thở khò khè, da phát ban, sưng tấy, sốt. Trong một số trường hợp, dị ứng thuốc có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là sốc phản vệ. Sốc phản vệ thường xảy ra chỉ vài phút sau khi uống, kèm theo nhịp tim nhanh, khó thở hay bất tỉnh.

Nhiều trường hợp bị dị ứng thuốc chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Điều nguy hiểm là người bệnh không biết họ đang bị dị ứng và vẫn tiếp tục uống thuốc. Kết quả có thể khiến mức độ nghiêm trọng của dị ứng ngày càng tăng.

 

Khi nghi ngờ mình bị dị ứng thuốc, điều đầu tiên cần làm là phải thông báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu các triệu chứng dị ứng là nghiêm trọng thì cần đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Thông thường, bác sĩ điều trị dị ứng thuốc sẽ yêu cầu bệnh nhân ngừng dùng loại thuốc đó, đồng thời điều trị các triệu chứng dị ứng. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị dị ứng là thuốc kháng histamine, corticosteroid và thuốc giãn phế quản.

Thuốc kháng histamine hoạt động bằng cách hạn chế khả năng tiết ra histamine của hệ miễn dịch. Bác sĩ có thể kê thuốc dưới dạng viên, nhỏ mắt, kem thoa hay xịt.

Corticosteroid cũng hoạt động tương tự như thuốc kháng histamine, có thể được kê dưới dạng lỏng, tiêm hoặc phun sương. Trong trường hợp bệnh nhân bị ho hay thở khò khè thì bác sĩ có thể dùng thuốc giãn phế quản.

Dù mọi loại thuốc đều có thể gây dị ứng nhưng một số loại sẽ có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như thuốc hóa trị, thuốc điều trị HIV, insulin hay một số loại kháng sinh như amoxicillin, theo Medline Plus.

 

NGỌC QUÝ

TNO