18/11/2024

Tìm ra ‘cư dân’ cổ đại giấu mặt trong lòng sao Hoả ?

Tìm ra ‘cư dân’ cổ đại giấu mặt trong lòng sao Hoả?

Vi khuẩn cổ đại có thể đang ngủ say bên dưới bề mặt sao Hỏa, nơi nhiều trăm triệu năm qua chúng tiếp tục được che chắn an toàn trước bức xạ độc hại từ vũ trụ.

 

 

 

Tìm ra 'cư dân' cổ đại giấu mặt trong lòng sao Hỏa? - ảnh 1
Deinococcus radioduran có bề ngoài giống quả bí ngô đỏ  ASTROBIOLOGY

Trong khi chưa có chứng cứ về sự sống được tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa, các nhà nghiên cứu tiến hành mô phỏng các điều kiện của hành tinh đỏ trong phòng thí nghiệm để quan sát liệu vi khuẩn có thể sống sót trong khoảng 280 triệu năm nếu được bảo vệ trong lòng đất hay không.

Kết quả thu được cho thấy nếu sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa, nhiều khả năng chúng vẫn còn nằm bên dưới lòng đất. Đây có thể địa điểm thám hiểm tiềm năng cho các sứ mệnh tương lai của con người.

 

Thế giới băng giá và độc hại

Trong khi sao Hỏa nhiều khả năng là môi trường thích hợp cho sự sống trong vài tỉ năm trước, bao gồm các điều kiện khí quyển và nước trên bề mặt, giờ đây bề mặt hành tinh đỏ là một sa mạc băng giá.

Những khu vực nằm dọc vĩ độ trung bình của hành tinh có nhiệt độ khoảng -62 độ C. Không dừng lại ở đó, khí quyển quá mỏng manh dẫn đến bức xạ độc hại đến từ vũ trụ liên tục dội xuống bề mặt sao Hỏa.

Đồng tác giả Brian Hoffman của Đại học Tây Bắc Mỹ cho hay hiện không có nước chảy trên bề mặt sao Hỏa, và khí quyển hành tinh cũng không có nước đáng kể, vì thế các tế bào và bào tử đều khô.

Thông qua các thí nghiệm, đội ngũ chuyên gia xác định được giới hạn cho sự tồn tại của vi khuẩn khi bị phơi nhiễm trước bức xạ ion hóa như trong trường hợp sao Hỏa.

Kế đến, họ đưa 6 dạng vi khuẩn và nấm của trái đất vào môi trường sao Hỏa giả định trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình quan sát, nhóm chuyên gia tìm được vi khuẩn vô cùng phù hợp cho môi trường trên sao Hỏa, gọi là Deinococcus radioduran (biệt danh Vi khuẩn Conan).

 

Ứng viên tiềm năng

Deinococcus radioduran có thể sống sót trong các điều kiện vô cùng khắc nghiệt, như khử nước, axít và nhiệt độ lạnh giá. Vi khuẩn này là một trong những sinh vật chịu đựng bền bỉ nhất trước bức xạ mà khoa học có thể tìm thấy.

Cuộc nghiên cứu trước đó cho thấy vi khuẩn có thể sống sót 1,2 triệu năm bên dưới bề mặt sao Hỏa trong điều kiện bức xạ từ vũ trụ và môi trường khô, băng giá.

Báo cáo mới của Đại học Tây Bắc xác định được khi Vi khuẩn Conan trong tình trạng khô cứng, bị đóng băng và bị chôn vùi sâu bên dưới bề mặt sao Hỏa, chúng có thể sống sót trước mức độc bức xạ lên đến 140.000 đơn vị, tức cao gấp 28.000 lần so với hàm lượng có thể gây tử vong cho con người khi phơi nhiễm.

Vi khuẩn này có thể sống đến 1,5 triệu năm ở vị trí cách bề mặt sao Hỏa khoảng 10 cm, và thời gian này tăng lên 280 triệu năm nếu chúng nằm ở độ sâu 10 m.

Báo cáo được đăng trên chuyên san Astrobiology.

 

HẠO NHIÊN

TNO