23/12/2024

Sách giáo khoa sẽ giảm giá nếu khống chế ‘phí phát hành’?

Sách giáo khoa sẽ giảm giá nếu khống chế ‘phí phát hành’?

Hội thảo về chủ trương xã hội hoá biên soạn và phát hành sách giáo khoa do Hội Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 26-10 đã mổ xẻ những vấn đề còn hạn chế đối với sách giáo khoa mới và kiến nghị giải pháp khắc phục.

 

 

 

Sách giáo khoa sẽ giảm giá nếu khống chế ‘phí phát hành’? - Ảnh 1.

PGS.TS Đào Thái Lai (đứng) trao đổi tại hội thảo “Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông sau một thời gian thực hiện: Thực trạng và kiến nghị” – Ảnh: VĨNH HÀ

PGS.TS Trần Kiều, chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, cho biết theo kế hoạch tới năm 2023, việc biên soạn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất.

Thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa với sự tham gia của nhiều đơn vị biên soạn, xuất bản cần phải được đánh giá về thực trạng, xem xét cần có sự điều chỉnh gì về chủ trương và giải pháp thực hiện.

Theo các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Trong khi chờ điều đó, cần có tiếng nói phản biện từ các nhà khoa học, nhà giáo dục.

 

Nên hay không có “bộ sách của Nhà nước”?

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, sách giáo khoa được nhà nước đầu tư xuất bản, ở Thụy Sĩ do chính quyền vùng.

Những quốc gia cho phép nhà xuất bản thương mại xuất bản sách giáo khoa đều phải tuân thủ các quy định của Nhà nước. Cụ thể là nội dung, hình thức, chất lượng, giá…

Ngoài những quốc gia cấp sách giáo khoa miễn phí cho học sinh các cấp, trường hợp phụ huynh phải mua sách cũng được bảo vệ quyền lợi bởi các quy định chặt chẽ.

Ông Vinh băn khoăn về chủ trương trích ngân sách 3.500 tỉ đồng mua sách cho học sinh mượn, và cho rằng có thể tiết kiệm hàng ngàn tỉ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách có chất lượng tiêu chuẩn. Bộ sách do bộ nắm bản quyền có thể được đấu thầu để chọn đơn vị xuất bản nhằm đảm bảo khách quan. Sách sẽ được cấp miễn phí cho học sinh nghèo và đưa vào tủ sách dùng chung.

Như vậy thay vì bỏ ra 3.500 tỉ mua sách của nhiều đơn vị, có thể tiết kiệm hơn nếu có bộ sách của Nhà nước sử dụng vào mục đích trên.

Vẫn khuyến khích xã hội hóa, nhưng cần có bộ sách chuẩn, Nhà nước cấp kinh phí cũng là ý kiến của một số chuyên gia, nhà giáo. Tuy nhiên về vấn đề này, PGS.TS Trần Kiều lại cho rằng không nên quan niệm có “bộ sách chuẩn”, bộ sách xã hội hóa, mà các bộ sách được phê duyệt công bằng như nhau.

“Nếu có bộ sách chuẩn rồi thì sách xã hội hóa ai mua nữa”, ông Trần Kiều đặt lại vấn đề.

Trước đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1 – 12 đảm bảo học sinh không thiếu sách học được quy định trong nghị quyết 88/2014/QH13. Nhưng bộ không triển khai được vì nhiều lý do, trong đó có lý do không có đủ nhân lực cho việc này.

 

Giảm giá sách nếu triệt tiêu được việc chi tiền cho các khâu trung gian

Sách giáo khoa mới giá quá cao là một trong những hệ lụy của việc xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản. Trong khi với việc cung ứng sách như hiện nay, một bộ phận học sinh nghèo sẽ gặp khó khăn.

PGS.TS Đào Thái Lai (Hội Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho rằng vẫn có thể giảm giá sách giáo khoa được nếu Nhà nước quản lý.

“Thực tế hiện nay chi phí phát hành cao hơn mức 15% giá bìa, cần phải có quy định về mức chi phí này. Ngoài ra, Nhà nước phải giám sát toàn bộ quá trình chi phí viết, biên tập, in ấn phát hành, từ tiền chi tác giả, tiền giấy, tiền in…”, ông Đào Thái Lai nêu quan điểm.

Ông cũng nhấn mạnh đến việc phải minh bạch hóa chi phí thị trường, trong đó cần có giải pháp để triệt tiêu chi phí cho các khâu trung gian được các đơn vị xuất bản chi để mở rộng thị trường, giống như sai phạm của Việt Á. Nếu không làm được thì giá sách sẽ khó giảm, gánh nặng sẽ rơi vào người dân phải chịu.

Cùng với việc trên, ông Đào Thái Lai cho rằng cần phải quy định cụ thể về yêu cầu giữ gìn và sử dụng sách nhiều năm.

“Ở Pháp quy định thời hạn sử dụng một cuốn sách khoảng 3 – 4 năm và có các quy định để đảm bảo cho việc này. Đầu các cuốn sách đều được ghi chú sách sử dụng trong nhiều năm và có đính một bảng để những học sinh sử dụng sách điền tên, năm học mình sử dụng sách”, ông Lai nêu kinh nghiệm quốc tế và cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch cho việc này.

Từ thực tế triển khai ở Việt Nam ba năm qua, ông Lai cũng đề nghị có giải pháp để cung cấp sách giáo khoa mới đúng thời điểm, cấp sách kịp thời khi học sinh bị mất sách, hay chuyển trường. Đồng thời cấp đủ các bộ sách cho giáo viên tham khảo. Tiến tới xây dựng bộ sách giáo khoa điện tử cung cấp miễn phí trên mạng giúp học sinh tự học.

 

Nên thay đổi quan điểm sử dụng sách giáo khoa

Tại hội thảo trên, các chuyên gia cũng phân tích những điểm bất cập trong quy trình, chất lượng đội ngũ tác giả dẫn tới các hạn chế của sách giáo khoa xã hội hóa được dư luận đề cập trong các năm qua.

Nhưng theo các chuyên gia, trong các nhà trường phổ thông, quan niệm sử dụng sách giáo khoa chưa thay đổi theo hướng xem sách giáo khoa chỉ là một tài liệu học tập mà vẫn coi sách giáo khoa là chương trình, là nội dung bắt buộc phải dạy học.

Điều này là áp lực lớn cho việc biên soạn sách giáo khoa khi sách có “sạn” hoặc cần phải cập nhật, hoàn thiện qua các năm sử dụng.

GS.TS Nguyễn Hữu Châu (ĐHQGHN) chia sẻ ở nhiều quốc gia, học sinh dù bắt buộc phải có sách giáo khoa, nhưng trong giờ học có thể giáo viên sẽ sử dụng tài liệu giảng dạy khác mà không yêu cầu học sinh phải dùng sách giáo khoa.

VĨNH HÀ
TTO