23/12/2024

Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ

Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ

Dù thống nhất việc thí điểm đấu giá biển số ô tô là cần thiết, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng còn nhiều vấn đề trong phương án mà Chính phủ trình chưa rõ, chưa phù hợp, có thể gây vướng mắc khi triển khai.

 

 

Hạn chế quyền tài sản của người trúng đấu giá

Ngày 26.10, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (gọi tắt là dự thảo).

Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ - ảnh 1
Nhiều ĐB cho rằng việc thống nhất một mức giá khởi điểm trong đấu giá biển số ô tô trên toàn quốc là cần thiết   VŨ PHƯỢNG

Về quyền của người trúng đấu giá, dự thảo dự kiến quy định, người trúng đấu giá được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với ô tô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Người trúng đấu giá cũng được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả tiền (trừ một số chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.

Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ - ảnh 2
Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ - ảnh 3
Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ - ảnh 4
Đa phần các xe mang biển số đẹp đều là xe sang, giá trị cao  NHẬT THỊNH – ĐỘC LẬP

Về nghĩa vụ, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trong 15 ngày kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Thực hiện đăng ký xe để gắn biển số trong thời hạn 12 tháng từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số. Quá thời hạn trên, cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá. Người trúng đấu giá cũng không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp biển số theo xe).

Dự thảo cũng quy định, người nhận chuyển nhượng, được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe được tiếp tục chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định. Tuy nhiên, không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Theo dự thảo, người trúng đấu giá chỉ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số gắn với xe chứ không được thực hiện các quyền này với riêng biển số đã trúng đấu giá. Người trúng đấu giá có quyền giữ lại biển số đã trúng đấu giá khi bán xe; còn người nhận chuyển nhượng, được cho tặng, thừa kế biển số theo xe cũng không có quyền này.

Việc hạn chế quyền của người trúng đấu giá và cả người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe được cơ quan trình dự thảo lý giải do đây là nội dung thí điểm, biển số ô tô trúng đấu giá vừa là tài sản cá nhân vừa là công cụ quản lý nhà nước. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng nhất trí với quan điểm này khi cho rằng “cần thiết phải hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá vì lý do quản lý nhà nước về an ninh trật tự; đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm”.

 

Lo ngại vướng mắc khi triển khai

Tuy vậy, thảo luận về vấn đề này, các ĐBQH cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ĐB cho rằng vẫn còn một số vấn đề chưa rõ ràng, có thể sẽ gây vướng khi triển khai.

Tại sao chỉ hoàn trả tiền cho người thừa kế mà lại không cho thừa kế biển số? Vì khi trúng đấu giá thì người ta đã có quyền sở hữu hợp pháp với biển số rồi. Cái này phải nghiên cứu thêm.

ĐB Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang)

ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho rằng dự thảo nghị quyết Chính phủ trình QH chưa xác định rõ quyền tài sản của người trúng đấu giá biển số xe như thế nào. “Chúng ta lo ngại có việc tận dụng việc trúng biển số đấu giá sau đó gắn vào xe và bán với giá cao, vậy có hạn chế số lượng một người có thể sở hữu bao nhiêu biển số đấu giá không?”, ĐB đoàn Hải Phòng nêu. Theo ĐB Tân, nếu không hạn chế, một số người có thể đấu giá hàng chục biển số đẹp, sau đó gắn vào xe và bán lại với giá cao. ĐB Tân cho rằng dự thảo cho phép được chuyển nhượng biển số gắn với xe thì chắc chắn việc chuyển nhượng này sẽ không minh bạch. Từ đó, ĐB Tân đề nghị không nên cho chuyển nhượng biển số gắn với xe mà khi người trúng đấu giá không có nhu cầu muốn chuyển nhượng thì tiếp tục đưa vào nguồn đấu giá sẽ minh bạch hơn, và nhà nước cũng quản lý được. “Việc chuyển nhượng thông qua đấu giá thì nhà nước cũng thu thuế được và khai thác tiếp được biển số đẹp như một tài sản”, ĐB Tân nói.

Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ - ảnh 5
Người dân đăng ký biển số ô tô tại Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM  NGỌC DƯƠNG

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) nhìn nhận việc cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký vào xe khác khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe sẽ gây phức tạp trong quản lý. Do đó bà Thủy đề xuất “biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện” khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế phương tiện đó. Khi nào hết vòng đời phương tiện thì biển số xe được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.

Ngược lại, theo Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn (đoàn Hòa Bình), thực tế có tình trạng trúng biển số đẹp lại đăng ký xe giá rẻ, người khác có xe sang, lại rất thích biển số này, nên cho tặng, hoặc bán lại biển số đó. Từ đó, ông Tuấn đề nghị dự thảo không nên giới hạn mà nên cho phép được bán biển số sau trúng đấu giá và nộp thuế bình thường, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thực tế đặt ra.

Với quy định trong trường hợp người trúng đấu giá chết nhưng chưa kịp đăng ký xe để gắn biển số thì biển sẽ được thu hồi và hoàn trả số tiền đấu giá cho người thừa kế, ĐB Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang), Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng An Giang, cho rằng trong 12 tháng, người trúng đấu giá có thể gặp nhiều rủi ro khác mà không thể đăng ký biển số gắn với xe như phá sản, vỡ nợ, ra nước ngoài định cư… “Vậy tại sao chỉ đặt ra tình huống là chết thôi?”, ĐB Chiến nêu và đề nghị cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Bên cạnh đó, ĐB Chiến cũng băn khoăn, quy định trong trường hợp người trúng đấu giá chết nói trên tiền hoàn lại sẽ được chuyển cho người thừa kế mà không cho thừa kế biển số. “Tại sao chỉ hoàn trả tiền cho người thừa kế mà lại không cho thừa kế biển số? Vì khi trúng đấu giá thì người ta đã có quyền sở hữu hợp pháp với biển số rồi. Cái này phải nghiên cứu thêm”, ĐB Chiến nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến: Bản chất việc đấu giá biển số xe là tạo ra thị trường, biến biển số thành tài sản có thể lên tới vài tỉ đồng. “Đã tạo ra thị trường mới thì phải quy định chặt chẽ vì dính tới chuyển nhượng, thừa kế, tài sản vợ chồng khi ly hôn. Tôi bỏ ra 5 tỉ đồng mua biển số, khi ly hôn thì thế nào?”, ĐB Nghĩa nói và cho rằng nếu thấy nghị quyết còn nhiều vấn đề thì có thể dừng lại nghiên cứu tiếp, “không nên gấp việc này”. Lý do, theo ông, “nếu đưa quá nhiều vào nghị quyết nhưng chưa chín, thì 3 tháng sau QH lại phải ngồi sửa lại nghị quyết”.

 

Để địa phương quyết định mức giá, thu ngân sách?

Về vấn đề giá, dự thảo nghị quyết đưa ra giá khởi điểm ở vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) là 40 triệu đồng và vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. Bước giá trong đấu giá dự kiến là 5 triệu đồng. Theo Bộ Công an, thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá. Trường hợp chỉ 1 người tham gia đấu giá sẽ được tính bằng giá khởi điểm cộng với ít nhất một bước giá. Tiền thu được từ đấu giá sẽ do Chính phủ quyết định, theo phương án đưa hết về ngân sách T.Ư.

Khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc. Do đó, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Báo cáo thêm vấn đề này, ĐB Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, cho biết ngay sau phiên họp Ủy ban Thường vụ QH vào đầu tháng 10, cơ quan trình dự thảo là Bộ Công an đã tiếp thu các ý kiến và dự kiến quy định một mức giá khởi điểm thống nhất trong cả nước là 40 triệu đồng, không phân vùng như trước. Về 2 mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng được đưa ra trong dự thảo ban đầu, ông Khánh lý giải cơ quan trình dựa trên mức thu lệ phí đăng ký ô tô ở Hà Nội, TP.HCM là 20 triệu đồng, còn ở các tỉnh khác là 10 triệu đồng, sau đó nhân đôi lên để đưa ra mức giá khởi điểm nói trên. Bên cạnh đó, theo ông Khánh, cơ quan trình cũng tính toán giá trung bình ô tô hiện nay khoảng 800 triệu đồng, do đó cũng tham mưu tính toán mức giá khởi điểm là khoảng 5% giá trị trung bình của xe.

Quá trình thảo luận, nhiều ĐB cho rằng việc thống nhất một mức giá khởi điểm trong toàn quốc là cần thiết. Tuy nhiên, theo ĐB Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang), hiện xe có nhu cầu gắn biển số đẹp thường có giá trị rất lớn, cao hơn mức trung bình 800 triệu đồng rất nhiều. “Nếu tính mức giá khởi điểm 5% mức giá trung bình 800 triệu như ĐB Khánh nói thì tôi thấy chưa có căn cứ”, ĐB Chiến nêu.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra quan điểm dự thảo chỉ nên quy định mức giá tối thiểu và giao lại cho HĐND cấp tỉnh quyết định, đồng thời tiền thu từ đấu giá biển số xe nên giao về cho địa phương. “Đấu giá tập trung thì tiền thu để đâu? Tất nhiên là ngân sách rồi, nhưng chưa rõ. Đúng ra cái này ngân sách địa phương phải được hưởng chứ không phải ngân sách T.Ư hay Bộ Công an. Tôi đề nghị làm rõ và tốt nhất là vẫn nên đưa về cho địa phương”, ông Thanh phân tích.

Đấu giá biển số ô tô: Nhiều quy định vẫn chưa rõ - ảnh 6

Theo ông Thanh, nếu để 2 mức 20 triệu đồng và 40 triệu đồng như dự thảo “sẽ loạn cào cào”, do đó cần phải giao cho HĐND các tỉnh quyết định. “Đừng chê tỉnh nghèo. Nhà nước nghèo chứ dân không nghèo. Ví dụ, Đắk Lắk nhà nước nghèo chứ dân không nghèo đâu, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng”, ông Thanh nói và nhắc lại quan điểm tiền thu được từ đấu giá đưa về ngân sách địa phương và để địa phương, HĐND thống nhất mức giá tối thiểu. “Cả bước giá, như Hà Nội giá khởi điểm 40 triệu, bước giá 5 triệu thì có mà trả đấu giá mấy ngày mới đến giá thật. Như Hà Nội bước giá phải 20, 40, 50 triệu thì mới nhanh, đấu giá khoảng 10 phút xong. Nếu không thì bao giờ mới xong?”, ông Thanh đề xuất.

 

LÊ HIỆP – MAI HÀ

TNO