23/12/2024

Vì sao chưa bỏ phiên âm trong sách giáo khoa?

Vì sao chưa bỏ phiên âm trong sách giáo khoa?

Không phải đợi đến có chương trình giáo dục phổ thông mới mà từ cả chục năm trước, các chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ đã đề xuất bỏ phiên âm trong sách giáo khoa.

 

 

Xu thế sử dụng tiếng Anh đã được quốc tế hoá

Năm 2012, chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Kim Bảng, Viện Ngôn ngữ học VN, từng nêu quan điểm: Do phục vụ cho học sinh (HS), đối tượng sau này đóng vai trò rất quan trọng trong hội nhập quốc tế, nên việc phiên âm các từ có nguồn gốc nước ngoài dùng trong tiếng Việt là chưa hợp lý. Đối với hệ chữ Latin, tôi đề nghị nên viết nguyên dạng, kể cả ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, cũng là chữ Latin nhưng nếu tên riêng của các nước được dịch sang âm Hán – Việt mà chúng ta đã quen dùng quá lâu như nước Đức, Pháp, Nga… thì vẫn nên dùng chứ không bắt buộc phải thay. Hệ chữ Slav như tiếng Nga, Bulgaria thì Latin hóa các tên riêng và lấy tiếng Anh làm chuẩn.

Còn tất cả các hệ chữ khác, nên chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là chữ Trung Quốc. Những từ viết và đọc theo âm Hán – Việt thì cứ dùng như vậy, chứ không phiên âm theo cách đọc của tiếng Trung Quốc hiện nay. Loại thứ hai gồm chữ viết như: Hàn Quốc, Lào, Thái Lan… thì nên dùng cách phiên âm của tiếng Anh, ví dụ: Seoul, Tokyo… “Rõ ràng, xu thế viết nguyên dạng, xu thế sử dụng tiếng Anh đã được quốc tế hóa là chủ đạo. Như vậy là không nên đặt vấn đề phiên âm nữa”, PGS Bảng đề nghị.

PGS Kim Bảng cũng cho rằng việc bỏ phiên âm với HS ở lớp 1, lớp 2 có thể ban đầu sẽ khó khăn, nhưng đó cũng là một cách để các em làm quen với ngoại ngữ. Vì nếu mở ngoặc phiên âm thì chúng ta lặp lại tình trạng rắc rối trong việc phiên âm thế nào là đúng. “Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là chữ viết phải chuẩn vì liên quan đến việc giao dịch bằng văn bản; còn cách đọc có thể ban đầu sẽ khó khăn nhưng sẽ chỉnh dần được, không nguy hại bằng việc phiên âm sai dẫn đến viết sai như hiện nay”, PGS Kim Bảng nói.

Vì sao chưa bỏ phiên âm trong sách giáo khoa? - ảnh 1
Phiên âm trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ sách Chân trời mới  CHỤP MÀN HÌNH

PGS-TS Phạm Văn Tình, Hội Ngôn ngữ học VN, cũng từng không ít lên tiếng về vấn đề này, ông cho rằng cách viết phiên âm danh từ riêng từ tiếng nước ngoài có thể gây ra hậu quả không nhỏ.

 

Cần quy định “không được phép phiên âm”

PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên SGK tiếng Việt – ngữ văn, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống, cho rằng dù quy định viết tên riêng nước ngoài đã có những thay đổi nhất định đối với các bộ SGK mới, nhưng ông vẫn mong đợi chuyển biến mạnh mẽ hơn, vì “đã phiên âm thì không có từ nào hài lòng. Bản chất của phiên âm là làm sai lệch tên người, tên địa danh”.

Ông Hùng chỉ ra vấn đề đáng lo ngại hơn, đó là dựa vào hình thức phiên âm tên riêng nước ngoài trong SGK, HS sẽ gặp khó khăn khi cần tìm kiếm thông tin có liên quan trong các tài liệu gốc tiếng nước ngoài. Điều đó gây nhiều trở ngại cho việc tra cứu và hội nhập quốc tế. Tuy SGK có quy định chú thích nguyên dạng tên riêng, nhưng do chỉ chú thích một lần, nên HS vẫn tiếp xúc chủ yếu là hình thức phiên âm. Vì vậy, cái được lưu giữ trong trí nhớ của các em chủ yếu vẫn là hình thức phiên âm.

PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết: “Khi biên soạn SGK mới, chúng tôi rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn. Rất tiếc quy định chính tả hiện nay của các cơ quan chức năng khiến cho ý muốn đó không thực hiện được. Tất cả tên riêng nước ngoài trong SGK mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt (có chú tên riêng nguyên dạng, nói đúng hơn là chú tên riêng viết bằng tiếng Anh hay chuyển dạng sang chữ viết Latin), kể cả SGK cho HS trung học. Việc quy định phiên âm tên riêng nước ngoài trong SGK tiểu học đã bất cập rồi, trong SGK trung học lại càng bất cập hơn”.

Thậm chí PGS Bùi Mạnh Hùng đề xuất “ở cấp tiểu học, có thể tạm thời áp dụng quy định phiên âm tên riêng nước ngoài, nhưng từ lớp 6 – 12 thì không cần, thậm chí không được phép phiên âm. Nếu triệt để hơn nữa thì ngay từ SGK tiểu học, tên riêng nước ngoài cũng đã có thể viết nguyên dạng. Điều này ban đầu có thể khiến HS đọc sai một chút nhưng còn có được hình thức viết chính xác, nhờ đó có thể có đầu mối để tìm kiếm”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng nêu thực tế: Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tất cả HS đều được học ngoại ngữ từ lớp 3, nghĩa là các em đã làm quen với cách đọc từ ngữ trong tiếng nước ngoài. Việc tập đọc một số tên riêng nước ngoài trong một năm học không phải là vấn đề lớn.

Vì sao chưa bỏ phiên âm trong sách giáo khoa? - ảnh 2
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn hóa học, tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, ô xít, a xít, ba zơ, muối… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ GD-ĐT đã từng sửa nhưng bất thành

Theo Quyết định số 1989/QĐ-BGDĐT ngày 25.5.2018 của Bộ GD-ĐT, cách viết tên riêng nước ngoài trong SGK đã thay đổi theo hướng không phiên âm sang tiếng Việt trong viết tên người và tên địa lý. Cụ thể, trường hợp tên được dịch nghĩa hoặc phiên âm sang tiếng Việt bằng từ Hán – Việt đã dùng phổ biến thì viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết. Đối với tên các quốc gia và vùng lãnh thổ phiên âm bằng từ Hán – Việt thì giữ cách viết phổ biến đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ đó chấp nhận. Ví dụ: Đỗ Phủ, Lỗ Tấn; Hắc Hải, Đại Tây Dương; Ba Lan, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ…

Các trường hợp khác, Quyết định 1989 quy định: Trường hợp tên được viết bằng chữ Latin thì viết nguyên dạng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York… Trường hợp nguyên dạng có dấu phụ thì lược bớt dấu phụ, ví dụ: viết tên nhà thơ Petõfi là Petofi (lược bớt dấu phụ trên chữ õ). Trường hợp tên không được viết bằng chữ Latin thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Aleksandr Pushkin, Moscow, Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra… Trường hợp tên đã quen sử dụng theo một hình thức phổ biến có tính quốc tế thì giữ cách viết thông dụng, không viết như nguyên ngữ. Trường hợp tên liên quan đến nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thì dùng tên gọi phù hợp khi đề cập tới quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có tên đó.

Riêng đối với SGK và các tài liệu dành cho HS tiểu học, Quyết định 1989 của Bộ GD-ĐT quy định: sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Pa-ri, Tô-ky-ô… Riêng SGK và các tài liệu dành cho HS lớp 4, lớp 5: Bên cạnh hình thức phiên âm, cần chú thích nguyên dạng (hoặc chú thích cách viết trong tiếng Anh) khi tên riêng lần đầu tiên xuất hiện dưới hình thức phiên âm trong sách, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison). Ngoài hình thức đặt chú thích trong ngoặc đơn, có thể chú thích ở chân trang hoặc bên lề trang sách.

Tuy nhiên, ngày 5.3.2020, khi Chính phủ ban hành Nghị định 30 về công tác văn thư, Bộ GD-ĐT lại ra quyết định mới, yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức xuất bản SGK thực hiện việc viết hoa theo quy định tại Nghị định 30, phiên âm và có thêm bảng tra cứu tên riêng nước ngoài ở cuối sách, hoặc từ gốc cạnh phiên âm.

Ý kiến

Việc phiên âm, Việt hóa cách đọc tiếng nước ngoài trong bộ SGK thực hiện theo chương trình mới thể hiện một sự lỗi thời, thụt lùi không đáng có. Nếu muốn HS tiếp cận với toàn cầu hóa mà vẫn giữ cách thể hiện này là không ổn.

Nguyễn Ngọc Tranggiáo viên một trường tiểu học tại TP.HCM

Nếu cần phiên âm thì nên đính kèm trực tiếp ngay sau từ nước ngoài. Dù có mục lục cuối sách nhưng hiếm khi HS tiểu học mở phụ lục để coi. Ngoài ra, với HS lớp 1 nên chăng lấy nhân vật của VN đưa vào bài học để tránh phiên âm.

Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhất (Q.Tân Phú, TP.HCM)

SGK mới phải hội nhập nên viết nguyên ngữ. Nếu muốn mọi người hiểu thì có thể mở ngoặc đơn phiên âm tiếng Việt. Khi viết tiếng Anh, có thể đọc không chuẩn xác nhưng về mặt chữ viết thì chuẩn và thể hiện sự tôn trọng tên người, địa danh”.

Thạc sĩ Phan Thế Hoàigiáo viên dạy ngữ văn tại TP.HCM

Hiện nhiều HS tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nên SGK không nhất thiết phải phiên âm như vậy. Nên chuẩn hóa dùng viết tên nước ngoài bằng tiếng Anh và có thể kèm phần phiên âm cách đọc tiếng Việt trong ngoặc đơn. Văn học VN có nhiều tác phẩm có thể được dùng để làm đoạn trích trong sách phù hợp lứa tuổi HS lớp 1 nên không cần đưa những nhân vật nước ngoài.

Bùi Thị Cẩm Tiênphụ huynh HS tại H.Hóc Môn,TP.HCM

Đây là Việt hóa để dễ đọc chứ không phải là phiên âm. Tốt nhất, khi bắt buộc phải dùng tiếng Anh trong văn bản thì nên viết đúng tên quốc tế và sử dụng hệ thống phiên âm quốc tế để hội nhập toàn cầu.

Một chuyên gia khảo thí tiếng Anh tại TP.HCM

Bích Thanh (ghi)

 

TUỆ NGUYỄN

TNO