Công bố kết thúc đại dịch COVID-19 được gì?
Công bố kết thúc đại dịch COVID-19 được gì?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19. Trong khi đó, ở TP.HCM, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vẫn là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y.
Hiện tại ca mắc mới COVID-19 giảm mạnh, cuộc sống trở lại gần như bình thường, nhưng vì “còn đại dịch” nên nhiều cơ sở y tế vẫn phải dành phòng và thiết bị để sẵn sàng chống dịch, trong khi nhiều dịch bệnh khác lại tăng mạnh và bệnh viện phải vất vả chống đỡ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện nay Omicron vẫn là biến thể lưu hành chính trên toàn thế giới và chiếm 99,7% các chủng gây COVID-19 được báo cáo. Trong đó, Omicron BA.5 và các dòng phụ tiếp tục chiếm ưu thế trong số mẫu được giải trình tự gene.
Tại TP.HCM, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vẫn là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế trong quý 4 này.
Trong khi đó trên phạm cả nước, số ca mắc tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Trong 7 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 6.289 trường hợp mắc, giảm 23,4% so với tuần trước đó, và bốn trường hợp tử vong; số mắc trung bình 7 ngày qua là 688 ca/ngày, ngày thấp nhất xuống 158 ca, thấp nhất trong gần 500 ngày qua.
Điều phối lại thiết bị y tế
Mới đây, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19.
Ông Hiếu nêu rõ: “Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 hiện nay ngày càng giảm xuống”.
Ông Hiếu đề xuất Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch với các quy định cụ thể, để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện. Đồng thời, các thuốc và vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, do đó cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng sang điều trị bệnh lý khác.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị hiện đại được mua cho chống dịch như máy thở, ECMO, lọc máu, X-quang di động… cần thống kê, phân bố sử dụng để tránh hiện tượng nơi thừa nơi thiếu…
“Tôi đi kiểm tra các tỉnh miền núi phía Bắc trong đại dịch thấy đều chưa kịp mua, trong khi phía Nam rất nhiều máy móc được mua và chuyển vào đó. Vì thế phải thống kê lại và chuyển cho các địa phương, các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục có phương án đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19 chỉ là “thủ tục”
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, hiện nay các biến thể mới của COVID-19 vẫn liên tục xuất hiện. Thời gian gần đây, khu vực tây Thái Bình Dương ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy việc tăng giảm ca mắc chưa ổn định.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố kết thúc “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” đối với COVID-19. Đến nay, WHO vẫn họp thường kỳ về tình trạng dịch bệnh 3 tháng/lần. Kỳ họp gần nhất vào tháng 9, WHO vẫn yêu cầu các nước tăng cường giám sát, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện WHO cũng cho rằng thế giới đang ở thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Mặc dù chưa đạt đến mức đó nhưng cần phải bước tới để nắm bắt cơ hội này.
“Tại Việt Nam, khi dịch lập đỉnh, mỗi ngày ghi nhận hơn 100.000 ca bệnh, chúng ta đã kiểm soát tốt. Hiện số ca nhiễm đã giảm, tuần này còn 688 ca bệnh/ngày. Chúng ta hiện đã giảm thiểu những biện pháp phòng chống dịch để phát triển kinh tế, đưa người dân quay lại cuộc sống thường ngày.
Trong bối cảnh hiện nay, công bố hết dịch cũng không có ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống người dân”, vị này nhận định.
Còn theo ông Trương Hữu Khanh – phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, việc tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 hay chưa kết thúc chỉ là “thủ tục”, vì thực tế trong thời gian qua người dân đã sống, lao động và học tập như chưa có dịch, không còn phải tuân thủ đeo khẩu trang ở nơi đông người…
Về việc WHO vẫn chưa công bố đại dịch COVID-19 kết thúc, ông Khanh cho rằng đó là kết quả tổng hòa tất cả các nước trên thế giới. Riêng dịch COVID-19 tại Việt Nam thì đã ở mức ổn định và với tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cao thì dịch rất khó có thể bùng phát trở lại như năm 2020 – 2021.
“Hiện nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19. Dịch COVID-19 tại Việt Nam không thể quay trở lại rồi phải mở bệnh viện dã chiến như trước kia được”, ông Khanh nói.
Ông Khanh cho biết thêm quy định các bệnh viện phải có một khu/phòng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng những ngày qua khu COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng vắng bệnh nhân.
“Điều này là mừng nhưng lại tốn nhân lực và cơ sở vật chất, trong khi các bệnh khác như hô hấp, sốt xuất huyết ở trẻ đang tăng, nhân viên y tế tại những khoa này những tháng qua luôn làm việc hết công suất”, ông Khanh nói.
Theo các chuyên gia, hiện nay các tình huống ứng phó với dịch đã rất rõ ràng, khi địa phương nào đó có tình trạng bùng dịch trở lại thì sẽ quay lại áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ hơn như hạn chế đi lại, đeo khẩu trang bắt buộc, cách ly y tế… Hoàn toàn có thể linh hoạt nếu COVID-19 quay trở lại.
Nhiều loại thuốc, vật tư phòng chống dịch COVID-19 chưa phân bổ
Cũng trong văn bản tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết thời gian qua bộ nhận được sự hỗ trợ về vật lực của một số đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng chống dịch gồm trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư và một số hàng hóa khác.
Căn cứ nhu cầu của công tác phòng chống dịch và đề xuất của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế đã phân bổ các nguồn lực được viện trợ, tài trợ cho các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Trường hợp các đơn vị, địa phương có nhu cầu về các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị nêu trên đề nghị có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất nhu cầu để Bộ Y tế phân bổ cho các đơn vị phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.