23/12/2024

Bệnh viện kiểm soát nhiễm khuẩn kém, người bệnh gánh hậu quả

Bệnh viện kiểm soát nhiễm khuẩn kém, người bệnh gánh hậu quả

Nhiều phòng khám, bệnh viện ở TP.HCM không đạt yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn – quy định bắt buộc cần có để đảm bảo an toàn người bệnh…

 

 

 

 

Bệnh viện kiểm soát nhiễm khuẩn kém, người bệnh gánh hậu quả - Ảnh 1.

Các bệnh viện phải triển khai đầy đủ theo quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn – Ảnh: XUÂN MAI

Các chuyên gia lo ngại điều này gây ra nhiều hệ lụy đến người bệnh như làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, tử vong, tăng số ngày điều trị, tăng chi phí chữa bệnh và kháng thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan. Chúng thường xuất hiện sau 48-72 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện.

 

Không thực hiện tốt, phải tạm ngưng

Theo kết quả kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của Sở Y tế TP.HCM tại 82 cơ sở y tế gồm 59 bệnh viện, 20 phòng khám đa khoa và 3 phòng khám chuyên khoa trên địa bàn thành phố thì có 9 bệnh viện và 3 phòng khám đa khoa chưa kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu những cơ sở này phải tạm ngưng một số kỹ thuật do chưa tách riêng biệt khu xử lý dụng cụ soi và khu vực làm thủ thuật soi, chưa tuân thủ quy định một chiều tại khu vực xử lý dụng cụ đến khu vực soi.

Ngoài ra, tủ lưu trữ chưa chuyên dụng hoặc lưu trữ dụng cụ không đúng cách. Một số khu vực xử lý dụng cụ tại đơn vị chưa đảm bảo thông khí, thiếu trang bị thùng đựng phân biệt dụng cụ sạch/dơ, chưa có xe vận chuyển chuyên dụng. Một số đơn vị chưa thực hành đúng quy trình xử lý dụng cụ soi tai mũi họng.

Bên cạnh những đơn vị chưa thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn thì cũng có các đơn vị luôn nỗ lực làm tốt nhất, theo đúng quy định của sở y tế địa phương, Bộ Y tế.

Ông Lê Mạnh Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết dù nhiều hạng mục, công trình tại bệnh viện xuống cấp, không thể xây dựng mới do vướng quy hoạch nhưng bệnh viện vẫn cố gắng kiểm soát công tác nhiễm khuẩn tốt nhất và đây cũng là một trong những hoạt động rất luôn được quan tâm từ trước đến nay.

Còn tại Bệnh viện Thống Nhất, ông Lê Đình Thanh – giám đốc bệnh viện – cho biết trong điều kiện hiện nay, bệnh viện triển khai tốt công tác nhiễm khuẩn, đảm bảo tất cả dụng cụ, phương tiện được khử khuẩn, tiệt khuẩn trước khi sử dụng cho người bệnh. Hiện bệnh viện có đầy đủ khoa, hội đồng và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn.

 

Tăng thời gian nằm viện, đe doạ tính mạng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở Việt Nam chiếm tỉ lệ từ 3,5 – 10% số người nhập viện. Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện và tỉ lệ tử vong.

Bà Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam – cho hay môi trường và vật dụng y tế là một trong những nguyên nhân chính làm lây truyền nhiễm khuẩn bệnh viện và vi khuẩn kháng thuốc. Nhiều bằng chứng cho thấy bề mặt môi trường và vật dụng bị nhiễm góp phần quan trọng trong lan truyền nhiễm khuẩn bệnh viện, đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.

Những loại vi khuẩn, vi rút này sống ở môi trường và các bề mặt của vật dụng trong bệnh viện như giường bệnh, màn cửa, dụng cụ hô hấp, máy tính, tay nắm cửa, đồ nội thất khác… Ở những vị trí nêu trên, chúng có thể sống dài trong môi trường, phân lập được trong phòng bệnh nhân, thậm chí sống trên tay nhân viên y tế và sau đó lây truyền cho bệnh nhân khác.

Bà Thư nêu ra một trong những thất bại trong an toàn phẫu thuật có nguyên nhân lớn do nhiễm khuẩn, trong đó dụng cụ trong phòng mổ là một hiểm họa khiến nhiều người nhiễm khuẩn. Từ đó làm tăng thời gian nằm viện, tăng khả năng nhập viện, tăng nguy cơ tử vong và nguy cơ đề kháng kháng sinh tăng lên.

Theo một chuyên gia trong hội truyền nhiễm tại TP.HCM, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng được quan tâm hơn. Thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều đơn vị coi nhẹ công tác này, bên cạnh nguyên nhân khách quan là cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực… chưa được đầu tư đúng mức.

 

Kiểm soát nhiễm khuẩn cần được làm đúng

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do bộ ban hành. Đồng thời thiết kế, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn…

XUÂN MAI
TTO