23/01/2025

Nhân viên đường sắt bảo kê khách lậu, thu vé “chui”

Nhân viên đường sắt bảo kê khách lậu, thu vé “chui”

PV Thanh Niên đã vào cuộc điều tra và phát hiện đường dây bán vé tàu “chui” có sự cấu kết, móc nối hết sức tinh vi của nhiều đối tượng với cán bộ, nhân viên ngành đường sắt.

 

 

Bắt mối từ “cò vé”…

Một ngày đầu tháng 9.2022, chúng tôi ra ga Hà Nội (đường Lê Duẩn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mua vé tàu đi du lịch. Tại quầy bán vé cứng (vé giấy) trước cửa ga, khi được hỏi thì một nhân viên báo giá: “Giá vé chặng Hà Nội – Huế, khoang 4 giường là 1 triệu đồng, khoang 6 giường rẻ nhất là 796.000 đồng (tầng 3), khuyến mãi 30% giá vé từ ngày 1.10 – 31.10 và vé khứ hồi được giảm thêm 10% nữa”. Khi chúng tôi hỏi nhỏ ở đây có bán “vé nhân viên” hay mối nào giá rẻ hơn, nhân viên này nói: “Không, chúng tôi không làm cái đó. Phải mua vé và đi đàng hoàng”.

Nhân viên đường sắt bảo kê khách lậu, thu vé “chui” - ảnh 1
Nhân viên Nguyễn Bảo Hưng luôn dành sự quan tâm “đặc biệt” đến chúng tôi mặc dù phải phụ trách công việc đón khách lên toa

Chúng tôi ghé hàng nước đối diện ga Hà Nội, trong vai khách muốn mua vé tàu. Một phụ nữ có dáng người thấp, nom hơi mập mạp (còn được gọi là H. béo), rao bán giá cho chặng Hà Nội – Huế trên 1 triệu đồng/vé giường nằm. Sau một hồi “cò cưa”, chúng tôi vờ đồng ý, H. béo nói vé đang khan, chờ tìm mối. Do chờ quá lâu nên chúng tôi ra về và để lại số điện thoại liên lạc. H. béo yêu cầu chúng tôi đặt cọc 200.000 đồng. Khi tôi móc ví đưa 20.000 đồng, H. béo vui vẻ chấp nhận và nói đó là “tiền lấy may”.

Sau đó, H. béo gọi chúng tôi đến quán để lấy vé, nhưng thực chất là để gặp “cò” Thu. “Nhanh lên khách đang chờ”, H. béo rút điện thoại ra gọi. Sau 20 phút, “cò” Thu xuất hiện, ánh mắt láo liên và “soi” từng hành động của những người xung quanh, rồi “mời gọi” chúng tôi bằng đủ loại dịch vụ, khoang 4 giường, khoang 6 giường, thậm chí buồng nhân viên cũng có.

“Giá bao nhiêu?”, chúng tôi hỏi. “Cò” Thu nói thẳng: “Giá nhà nước tầm 1,2 triệu nhưng cô chỉ lấy 1,1 triệu/người. 19 giờ 25 tàu chạy, 18 giờ 30 có mặt ở đây, cô đưa vé đàng hoàng, lên tàu rồi trả tiền”. “Cò” Thu yêu cầu chúng tôi cọc trước 500.000 đồng cho 2 vé tàu thì sẽ có vé đi và kể cả vé khứ hồi cũng có. Thấy chúng tôi còn đắn đo, “cò” Thu thuyết phục: “Em cô là nhân viên ở đây, ra tận đây đưa vé (ý nói trước cổng ga – PV) và sẽ trực tiếp đón qua cổng, đưa lên tàu”.

Nhân viên đường sắt bảo kê khách lậu, thu vé “chui” - ảnh 2
“Vé vào cổng” được nhân viên cung cấp khi lên ga và chỉ thanh toán khi lên tàu  THẢO VÂN – NGUYỆT QUỲNH

“Cò” Thu hay H. béo được coi là dân “phe vé tàu” quanh ga Hà Nội. Khách hàng chỉ cần có nhu cầu là có ngay vé lậu của tất cả các chặng. Song điều mà chúng tôi thấy lạ là hầu như “cò” nào cũng khẳng định có người nhà làm nhân viên trong ga. Các đối tượng này giờ đây còn hoạt động rầm rộ trên mạng bằng cách trao đổi kín với khách hàng khi có nhu cầu mua vé trên các hội nhóm. Hoạt động mời chào, chèo kéo trở nên tinh vi hơn trước kia.

 

… đường dây “vé chui”

Ngày 21.9, từ thông tin của các “cò” vé, chúng tôi tiếp cận fanpage “Hội vé tàu hỏa” để hỏi mua vé tàu chuyến Hà Nội – Sài Gòn. Ngay lập tức, các tin nhắn “chào hàng” của những chủ tài khoản tự xưng là nhân viên đường sắt với giá vé vô cùng hấp dẫn đổ về ào ào. Những lời chào mời ngọt lịm, rao bán vé tuyến nào cũng có, kèm mức giá rẻ từ 30 – 50% so với giá vé chính thức.

Nhân viên đường sắt bảo kê khách lậu, thu vé “chui” - ảnh 3
Hưng nhắn tin muốn trả lại tiền vé khi thấy hành khách “mất tích”

Ví dụ, tuyến Hà Nội – Sài Gòn dao động từ 800.000 – 1 triệu đồng. Trong khi đó, trên website chính thức của ngành đường sắt, giá vé khoảng từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/vé giường nằm (tùy loại khoang buồng). Để mua vé, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số căn cước công dân (CCCD), ngày tháng năm sinh. Nhưng điều đặc biệt là loại vé này chỉ được gửi đúng ngày tàu chạy, khi hành khách có mặt tại ga chờ tàu và đây được giới thiệu là “vé qua cổng”.

Chủ tài khoản có tên Lâm Linh cho hay chỉ cần gửi số điện thoại để liên hệ, có mặt trước giờ tàu chạy 1 tiếng, vé sẽ được gửi qua Zalo (vé online), không cần mua ở quầy bán vé tại ga Hà Nội. Chúng tôi liên hệ với chủ tài khoản khác có tên Nguyễn Bảo Hưng, các thông tin được cung cấp, hình thức vé cũng như vậy và với mức giá 800.000 đồng cho 1 vé giường nằm Hà Nội – Sài Gòn.

Thắc mắc về sự chênh lệch giá vé so với website của Tổng công ty Đường sắt VN, Hưng giải thích: “Đây là anh bớt rồi, em mua vé 1,6 triệu/giường, 1,2 triệu/ghế mềm đấy. Trước lạ sau quen, đôi bên cùng có lợi mà em”. Được cam kết nhân viên nhà tàu sẽ đi cùng và chăm sóc từ A đến Z, chúng tôi đặt 1 vé giường nằm tàu SE1 chặng Hà Nội – Sài Gòn ngày 23.9 từ Hưng với mức giá 800.000 đồng (vé loại này của tàu SE1, Tổng công ty Đường sắt VN bán với giá 1,433 triệu đồng/giường nằm khoang 4 người).

Nhân viên đường sắt bảo kê khách lậu, thu vé “chui” - ảnh 4
Nhân viên Nguyễn Bảo Hưng cung cấp vé tàu online với thông tin khác về ga đến và chỗ nghỉ, đồng thời khẳng định đây chỉ là vé qua cổng

Tối 22.9, chúng tôi liên hệ Hưng để đặt thêm 1 vé tàu chuyến Hà Nội – Sài Gòn. Hưng chốt vé ngay, kèm lời hứa chắc như đinh đóng cột, bảo đảm sẽ bố trí cho 2 người nằm chung 1 buồng như yêu cầu.

21 giờ ngày 23.9, chúng tôi có mặt tại ga Hà Nội để đi tàu SE1. Liên hệ Hưng để lấy vé, 7 phút sau người này gửi hình ảnh 2 vé tàu online qua Zalo. Chúng tôi ngã ngửa vì vé lại ghi chuyến Hà Nội – Phủ Lý (Hà Nam) chứ không phải Hà Nội – Sài Gòn. “Khi tàu SE1 mở cửa đón khách, cứ vào đúng chỗ ghi trên vé. Tàu chạy sẽ được đón lên toa nằm và khách vận hỏi đi đâu thì bảo đi Phủ Lý”, Hưng trấn an và nói đây chỉ là vé “qua cổng”, khi tàu chạy sẽ có người đón và sắp xếp giường nằm ở toa khác.

Chúng tôi qua cổng soát vé như lời Hưng dặn. Việc kiểm tra soát vé trước khi lên tàu diễn ra dễ dàng, chỉ cần có vé tàu và CCCD. Nhân viên tại khu vực cổng soát vé không kiểm tra mã QR Code cũng như không yêu cầu đối chiếu thông tin trên vé, CCCD của hành khách.

Vì đi chặng dài, sợ bị yêu cầu xuống ga Phủ Lý và bị nhắc nhở do ngồi không đúng toa, chúng tôi gọi điện thì Hưng luôn nói “không phải lo gì hết”, “anh đi cùng luôn mà”, “trước lạ sau quen”… Tuy nhiên, chúng tôi một mực yêu cầu Hưng phải sắp xếp chỗ nằm theo đúng như thỏa thuận từ trước (2 giường nằm, chung 1 buồng chứ không phải 2 chỗ ngồi mềm điều hòa như trên vé cung cấp). Hưng đồng ý và đưa chúng tôi từ toa 1 (trên vé) lên toa 4 (nơi Hưng phụ trách). Đến cửa toa 4, chúng tôi không cần xuất trình bất cứ giấy tờ gì và Hưng chỉ xác nhận đi TP.HCM là cho lên tàu. Tại đây, Hưng dẫn chúng tôi tới khoang 4, tầng 1, giường số 17 và 18 nằm tạm chờ tàu chạy rồi… “tính tiếp”. Lúc này, chúng tôi mới biết Hưng là nhân viên của tàu SE1.

Trong thời gian chờ tàu chạy, Hưng luôn bám sát nhất cử nhất động của chúng tôi, dù đang bận túi bụi đón khách lên toa. Chỉ cần chúng tôi ngó mặt ra hành lang, lập tức Hưng lao tới và giả vờ hỏi thăm đủ thứ.

Để tiếp tục làm rõ đường dây bán vé chui trên nhiều chặng, nhiều đối tượng khác nhau, chúng tôi quyết định xuống tàu. Khoảng 40 phút sau, điện thoại của chúng tôi liên tục đổ chuông. Gọi không được, Hưng bắt đầu lo lắng nhắn tin: “Em làm thế thì chết anh mất thôi, xuống cũng không nói gì luôn…”. Chúng tôi im lặng, Hưng tiếp tục nhắn tin: “Em nhắn số tài khoản để anh trả lại tiền vé”.

(còn tiếp)

THẢO VÂN – NGUYỆT QUỲNH

TNO