Bằng có quy cách ‘lạ’: tốt nghiệp CĐ mà hiệu trưởng ĐH ký là đúng hay sai?
Bằng có quy cách ‘lạ’: tốt nghiệp CĐ mà hiệu trưởng ĐH ký là đúng hay sai?
Mới đây, nhiều bằng tốt nghiệp CĐ năm 2022 lại được hiệu trưởng trường ĐH ký cấp khiến dư luận thắc mắc vì từ 1.7.2019, luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã quy định trường ĐH chỉ đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.
Nhà tuyển dụng thắc mắc
Một đơn vị tuyển dụng liên hệ với PV Thanh Niên nhờ xác nhận tấm bằng tốt nghiệp CĐ với danh hiệu cử nhân thực hành do Trường ĐH FPT cấp liệu là thật hay giả vì quy cách “lạ” quá.
Theo đó, trên tấm bằng này ghi “Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cấp bằng tốt nghiệp CĐ quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành cho… xếp loại tốt nghiệp khá”, ngày ký là 21.1.2022, người ký là hiệu trưởng Trường ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành.
Thêm một băn khoăn nữa, hệ thống giáo dục FPT có Trường CĐ FPT Polytechnic chuyên tuyển sinh và đào tạo CĐ, nếu như đây là sinh viên của trường CĐ này thì người cấp bằng phải là hiệu trưởng Trường CĐ FPT Polytechnic chứ không phải hiệu trưởng Trường ĐH FPT.
Để xác nhận thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) – cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp gồm các trường CĐ, trung cấp.
Bà Nguyễn Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Theo quy định của luật sửa đổi một số điều của luật Giáo dục ĐH, từ ngày 1.7.2019 các trường ĐH sẽ không còn đào tạo bậc CĐ. Tuy nhiên, có thể một số trường ĐH đã tuyển sinh trước khi luật có hiệu lực nên vẫn được phép đào tạo. Vì vậy, nếu là khóa tuyển sinh trước 2020 thì người ký bằng bậc CĐ của trường ĐH sẽ vẫn là hiệu trưởng của trường ĐH, và bằng này không sai quy định”.
Thông tư của Bộ LĐ-TB-XH cũng quy định về mẫu bằng tốt nghiệp nêu rõ sinh viên học hết chương trình đào tạo CĐ nếu đạt yêu cầu sẽ được hiệu trưởng trường CĐ, cơ sở giáo dục ĐH có đăng ký đào tạo trình độ CĐ xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp CĐ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cho biết: “FPT có giai đoạn giao thời khi làm thủ tục gộp 2 hệ: hệ CĐ do FPT dạy và Trường CĐ FPT Polytechnic.
Trước đó, tất cả sinh viên CĐ là do Trường ĐH FPT dạy, sau đó là do Trường Cao đẳng FPT Polytechnic dạy. Về nguyên tắc, bằng sẽ được cấp theo đầu vào. Đầu vào CĐ của trường ĐH thì trường ĐH cấp, đầu vào của Trường CĐ FPT Polytechnic thì sẽ do FPT Polytechnic cấp.
Hiện Trường ĐH FPT đã chuyển giao hết việc đào tạo CĐ cho trường CĐ FPT Polytechnic, nhưng bằng tốt nghiệp của một số em thì ĐH FPT vẫn cấp vì lúc tuyển sinh là Trường ĐH FPT tuyển sinh”.
Theo tiến sĩ Tùng, học CĐ tại FPT thường là 3 năm và bằng tốt nghiệp trên cấp năm 2022 thì nghĩa là sinh viên nhận bằng được tuyển sinh vào năm 2019.
Dừng đào tạo CĐ để tập trung bậc ĐH là hợp lý
Vào tháng 7.2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản gửi 45 cơ sở giáo dục ĐH đề nghị dừng tuyển sinh mới trình độ CĐ, trung cấp từ ngày 1.7, trong đó có Trường ĐH FPT, để đảm bảo đúng quy định của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, khi luật này quy định trường ĐH chỉ thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH gồm ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy nhiên, do nhiều trường ĐH đã tuyển sinh CĐ trước khi luật có hiệu lực nên để đảm bảo quyền lợi cho người học và các trường ĐH, Bộ LĐ-TB-XH cho phép các trường này được tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo năm 2019 và đây sẽ là khóa cuối cùng, sau đó cấp bằng tốt nghiệp theo quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, một trong 45 trường có trong danh sách đề nghị dừng tuyển sinh CĐ, cho hay: “Từ năm 2017, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã dừng tuyển sinh bậc CĐ để tập trung vào bậc ĐH. Vì thế, đến nay các khóa CĐ do trường ĐH đều đã tốt nghiệp và cấp bằng xong xuôi. Theo tôi, việc trường ĐH dừng tuyển sinh đào tạo bậc CĐ để tập trung nguồn lực cho các trình độ của giáo dục ĐH là hợp lý”.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã dừng đào tạo bậc CĐ từ năm 2017, Trường ĐH Đồng Nai dừng năm 2018, khóa tuyển sinh CĐ cuối cùng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là năm 2019…
Tuy nhiên, theo thông tư quy định việc tổ chức chương trình đào tạo CĐ của Bộ LĐ-TB-XH năm 2017, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình và được cấp bằng CĐ là trong vòng 6 năm nếu chương trình đào tạo là 3 năm, 4 năm nếu chương trình đào tạo là 2 năm. Vì thế, nếu khóa CĐ cuối cùng là năm 2019 thì mẫu bằng tốt nghiệp do hiệu trưởng trường ĐH ký được kéo dài tới năm 2023 hoặc 2025 tuỳ vào thời gian đào tạo 2 hay 3 năm.
MỸ QUYÊN
TNO