23/01/2025

Chúa Nhật 23.10.2022
Người Khiêm Nhường Sẽ Được Chúa Thương

Chúa Nhật Tuần XXX – Mùa Thường Niên

Hc 35,12-14.16-18 • Tv 33,2-3.16-18.19 và 23 (Đ. c.7a) • 2 Tm 4,6-8.16-18 • Lc 18,9-14

 

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 13 tháng ba 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Người Khiêm Nhường Sẽ Được Chúa Thương

Khiêm nhường nhận ra các giới hạn của bản thân sẽ là nền tảng để các tín hữu có thể đón nhận ơn lành từ Thiên Chúa. Bài đọc I trích sách Huấn Ca cho biết: “lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm”, vì Thiên Chúa bênh vực người nghèo khổ và bất hạnh, kẻ mồ côi và người góa bụa. Người nghèo khổ bất hạnh luôn khiêm nhường, không cậy vào sức mình, nhưng luôn tín thác, dựa vào sự chở che của Thiên Chúa. Môn đệ Chúa cũng vậy. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác tín rằng: Dù đối diện với những khó khăn trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, ngay cả sự bỏ mặc của mọi người, Phaolô vẫn mạnh dạn tiếp tục sứ vụ rao giảng của mình nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa luôn ở với ngài. 

Chúa vẫn lắng nghe và thương ban ơn lành cho chúng ta khi chúng ta khiêm nhường cầu nguyện. Bài Tin Mừng thuật lại dụ ngôn về hai người cùng lên Đền thờ cầu nguyện, nhưng có tâm trạng và thái độ khác nhau. Người Pharisêu thì tiến gần bàn thờ, đứng thẳng tự hào kể về đời sống “chuẩn mực” của mình: “con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”, nên ông chê bai người khác: “con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia”. Người kiêu ngạo đề cao chủ thể “tôi” thế này thế nọ, và đánh cắp ơn huệ của Chúa, vì nghĩ rằng mọi thứ danh vọng, quyền thế, công trạng là do mình mà quên đi do Chúa ban. Ông nghĩ mình có thể sòng phẳng với Thiên Chúa, nên cũng khinh thường người khác. Trong khi đó, người thu thuế đứng xa, cúi đầu khiêm nhường nhìn nhận con người “thiếu sót”, đầy yếu đuối và tội lỗi của mình: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Người thu thuế đề cao chủ thể là Thiên Chúa, và khiêm nhường nhìn nhận bản thân chỉ là đối tượng của lòng thương xót Chúa. Hệ quả là người kiêu ngạo, do đề cao công trạng của mình, lòng đầy tự mãn, tự đắc, nên đâu còn chỗ cho Thiên Chúa thi ân. Ngược lại, người thu thuế khi trở về nhà, ông đã được nên công chính.

Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường và nhận lời cầu nguyện của họ, vì họ để cho Chúa có chỗ đứng trong cuộc đời, và có chỗ trũng khiêm nhường cho Thiên Chúa lắp đầy bằng ơn phúc. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tránh xa lối sống giả hình, tự kiêu tự mãn, để không coi thường nhau, và để cho Chúa có chỗ đứng trong cuộc đời mình, để cho chúa lấp đầy khiếm khuyết nơi chúng ta bằng chính ân sủng vô biên của Người. 

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam