Khi người đột quỵ học vẽ để phục hồi
Khi người đột quỵ học vẽ để phục hồi
Mỗi thứ sáu hằng tuần, những người từng đột quỵ, chấn thương não… lại được đến ‘lớp’ hội họa giao tiếp. Hân hoan, đồng cảm và dần lấy lại chức năng vận động là những điều quý giá mà lớp học này đã mang lại cho người bệnh.
“Khi chúng ta bình thường, cơ thể đầy đủ các chức năng thì người nào cũng bận rộn. Khi bị bệnh, tổn thương não, yếu liệt… thì việc tập trung tất cả khả năng vào màu sắc khiến người bệnh vui hơn. Nhiều người vào lớp này mới biết mình có năng khiếu vẽ và còn vẽ rất đẹp”, bác sĩ Hồ Hải Trường Giang – giám đốc Bệnh viện An Bình (TP.HCM) – chia sẻ.
Niềm vui sau những nỗ lực, kiên trì
9h30 sáng 14-10, khoa phục hồi chức năng Bệnh viện An Bình có nhiều bệnh nhân từng đột quỵ, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… tập trung tập tô, tập vẽ dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế và các bạn sinh viên Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Ngồi trên chiếc xe lăn, một nửa người bên trái bị liệt vì xuất huyết não hồi tháng 6, anh Phạm Xuân Sang (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) lấy từng cây màu sáp phù hợp rồi kiên trì tô vào bức tranh hình trái cây và chậu hoa hướng dương.
“Đang khỏe mạnh và làm nghề giao hàng chạy khắp nơi thì bỗng dưng tôi bị xuất huyết não. Vượt qua cái chết nhưng giờ thì yếu liệt. Nhiều khi buồn, bất lực, căng thẳng, nhưng khi tham gia lớp vẽ này, tôi thấy những cô chú còn bệnh nặng hơn mình mà vẫn kiên trì đến lớp, nhìn thế mà tôi phải cố gắng hơn”, anh Sang nói.
Anh Sang cho biết trước giờ không biết vẽ và cơ thể còn đang yếu nên anh chọn… tập tô. May mắn, anh Sang luôn có người vợ sát cánh động viên, hỗ trợ anh. “Cái này là do ý chí của mình. Ý chí càng lớn, càng cao, thường xuyên tập luyện thì sẽ nhanh hồi phục hơn”, chị động viên anh Sang.
Ở tuổi 51, từng bị tai biến mạch máu não cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Thái Vũ (ngụ quận 5, TP.HCM) đều đặn tham gia lớp vẽ vào sáng thứ sáu mỗi tuần trong suốt nhiều năm qua. Ông chia sẻ trước đây bản thân rất yếu, không nói, không cầm nắm được gì, cũng không biết vẽ ra sao thì giờ đã tự tay vẽ được những bức tranh theo ý muốn.
“Tôi thích vẽ màu nước. Một bức tranh vẽ mất khoảng 2-3 ngày. Sau khi hoàn thành bức tranh, tôi thấy vui lắm. Bức tranh còn được bệnh viện xin lại để treo dọc hành lang”, ông Vũ vừa chia sẻ vừa cặm cụi vẽ bức tranh rực sắc màu của biển, hàng dừa và mây trời sắp hoàn thiện của mình.
Cuộc sống nhiều gam màu, nhất là khi ta yêu sống
Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang cho biết trung bình mỗi ngày khoa phục hồi chức năng của bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám và tập vật lý trị liệu. Một trong những hoạt động của bệnh viện khuyến khích nhóm người bệnh này tham gia là đến lớp hội họa vào sáng thứ sáu hằng tuần để tập tô, tập vẽ.
Bác sĩ Giang chia sẻ hội họa nằm trong mô hình sáng tạo, thường do não phải chi phối. Bệnh nhân sau tai biến thường bị yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ. Sau khi qua giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần phục hồi dần, trước mắt là chức năng nuốt, sau đó là ngôn ngữ và vận động.
Khi bệnh nhân tham gia hoạt động này, giao tiếp thông qua màu sắc sẽ kích thích sự phát triển của não bộ, giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn.
Tại lớp vẽ, ban đầu bệnh nhân sẽ được hướng dẫn những nét cơ bản, tô màu, rồi sau đó vẽ chi tiết hơn. Khi bức tranh được hoàn thiện, bệnh nhân rất thích, cảm thấy tự hào, cuộc sống có ý nghĩa hơn khi mình yếu liệt như thế vẫn có thể vẽ được, trong khi trước đó chưa từng nghĩ mình có thể làm được.
Thực tế nhiều bệnh nhân có tham gia lớp vẽ thì khả năng phục hồi tốt và nhanh hơn so với những bệnh nhân không tham gia. Điển hình một số bệnh nhân bị bệnh hơn 10 năm, nói còn không rõ chữ, chân tay yếu, khi tham gia lớp vẽ này xuyên suốt thời gian dài thì có thể dùng tay yếu vẽ và giao tiếp khá hơn.
“Đây là một điều rất hay. Khi chúng ta bình thường, cơ thể đầy đủ các chức năng thì bản thân nghĩ mình không thể làm tốt được một việc đòi hỏi chất nghệ sĩ như hội họa. Khi bị bệnh, tổn thương não, bị yếu liệt, chúng ta dồn tất cả các khả năng để tập trung vào việc vẽ. Nhiều người bị bệnh vào lớp này mới biết mình có năng khiếu vẽ. Nhiều người còn vẽ rất tốt, rất đẹp”, bác sĩ Giang chia sẻ.
Bác sĩ Giang cho biết thêm bệnh viện đã từng tổ chức triển lãm những bức tranh do chính bệnh nhân đột quỵ, chấn thương sọ não vẽ. Dự kiến năm 2023 bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức một buổi triển lãm tranh tương tự. Do lớp vẽ miễn phí, bệnh viện mong muốn có thêm nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ để bệnh viện tổ chức được 2-3 buổi/tuần để nhiều hơn bệnh nhân được tiếp cận lớp học vẽ.
Ngoài lớp giao tiếp hội họa này, sắp tới bệnh viện sẽ tổ chức thêm lớp âm nhạc trị liệu, chơi cờ… Đây cũng là những môn giúp kích thích não phát triển cho người sa sút trí tuệ, tai biến chấn thương sọ não…
Lớp học đặc biệt
Lớp họa giao tiếp Bệnh viện An Bình do bác sĩ Lê Khánh Điền – trưởng khoa phục hồi chức năng của bệnh viện – sáng lập từ năm 2013. Trước đó, năm 2012, khi sang Úc học tập, bác sĩ Điền thấy mô hình này rất hay và được triển khai rộng rãi, nên khi về nước đã áp dụng cho các bệnh nhân tại bệnh viện, tạo ra “sân chơi” để họ phục hồi, phát triển khả năng vận động, giao tiếp.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, lớp đã gián đoạn hai năm và bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 7 vừa qua. Hiện có khoảng 20 học viên tham gia, trong đó có một số học viên đã tham gia gần 10 năm. Trong mỗi buổi vẽ sẽ có nhân viên y tế của bệnh viện và sinh viên Trường đại học Kiến trúc và Đại học Mỹ thuật TP.HCM hướng dẫn.
Người bệnh tham gia lớp vẽ trên tinh thần tự nguyện và hoàn toàn miễn phí (được cung đủ màu nước, cọ, giấy vẽ). Những bức tranh của họ được bệnh viện giữ lại, đem đi đóng khung và trang trọng treo trên tường dọc hành lang bệnh viện.