Hoạt hình Việt đang thiếu gì?
Hoạt hình Việt đang thiếu gì?
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển và đóng góp doanh thu cho thị trường điện ảnh, nhưng hoạt hình Việt vẫn còn nhiều cái khó.
Tại tọa đàm Phim hoạt hình VN – Năng lực sản xuất và xu hướng quốc tế do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN tổ chức vào ngày 18.10 tại Hà Nội, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường vụ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, cho hay theo thống kê của CGV, trong khoảng 10 năm gần đây, doanh thu của phim hoạt hình do đơn vị này phát hành tăng trưởng 2 – 15%; bên cạnh đó chúng ta cũng thấy tương lai bằng cách nhìn nhận sự phát triển của hoạt hình thế giới, cụ thể phim hoạt hình đóng góp tới 5 – 6% GDP cho Nhật Bản.
Cần chuyên nghiệp hoá
NSND – đạo diễn, họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Hãng phim Hoạt hình VN, cho biết mỗi năm đơn vị này sản xuất khoảng 20 – 22 phim ở nhiều loại hình như 3D, cắt giấy, vi tính…, với đội ngũ sản xuất trực tiếp khoảng 30 người. Tuy nhiên, sau bộ phim Người con của rồng (đạo diễn – NSND Phạm Minh Trí) được sản xuất cách đây 12 năm, hãng này vẫn mong có thêm phim dài khác (thời lượng 90 phút) để có thể đưa ra rạp chiếu. Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN, nhìn nhận những năm gần đây xuất hiện những công ty tư nhân mạnh trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình. Trong đó, nhiều công ty sản xuất phim hoạt hình phát hành trên mạng xã hội, đối tác của nhiều hãng sản xuất hoạt hình lớn trên thế giới, hoặc làm gia công phim hoạt hình nước ngoài. “Cần đưa các công ty này vào guồng quay phát triển văn hóa, công nghiệp điện ảnh”, bà Lan nói.
Hình ảnh trong phim hoạt hình cho người lớn Tàn thể tiền truyện |
Cả hãng phim nhà nước lẫn công ty hoạt hình tư nhân đều gặp một vấn đề là thiếu nhân lực có trình độ. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành của Freaky Motion, cho hay giải pháp của đơn vị này cũng như nhiều đơn vị tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình là “tự đào tạo nhân lực”. “Có nhiều việc cần làm, nhưng một trong những việc quan trọng nhất là tạo nguồn nhân lực. Cần có những nhà làm phim, đạo diễn… tạo nên hệ sinh thái sáng tạo”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.
Vấn đề của phim hoạt hình Việt, theo họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật và thiết kế (Trường đại học Văn Lang), còn nằm ở chỗ chưa chuyên nghiệp, đồng bộ “từ khâu viết kịch bản đến dựng phim, âm thanh, ánh sáng”. Nhiều ý kiến chung quan điểm với ông Dũng về giải pháp cần có chính sách, chiến lược dài hơi cho hoạt hình. “Để làm việc này, cần khảo sát nhân lực, doanh nghiệp, cơ sở vật chất, xu hướng mới về hoạt hình trên thế giới, truyền thông, thậm chí cả game (sản phẩm ăn theo hoạt hình hoặc ngược lại)…”, ông Dũng nói.
Hình ảnh trong series phim hoạt hình Wolfoo do ê kíp VN sản xuất TL |
Đặt mục tiêu rõ ràng
Ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Sconnect (đơn vị sản xuất series phim hoạt hình Wolfoo phát hành trên YouTube), cho rằng muốn hoạt hình Việt phát triển phải hoạch định đúng vai trò của lĩnh vực này. Theo ông Hoàng, hoạt hình có thể giúp phát triển thương hiệu văn hóa. “Chúng ta cần xem xét rằng có coi hoạt hình là mảng kinh doanh hay không, hay đơn giản chỉ là phương tiện truyền thông hoặc lĩnh vực văn hóa. Nếu coi đây là mảng kinh doanh, thì các cơ quan, ban ngành cần đặt ra chỉ tiêu mảng này sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm vào kinh tế. Với mục tiêu rõ ràng, chúng ta cần có những hoạch định cụ thể”, ông Hoàng nói. Ông Hoàng chờ đợi cơ quan quản lý có những hoạt động xúc tiến để “các doanh nghiệp bớt cô đơn”. “Thực sự kinh doanh hoạt hình trong nước hay trên nền tảng thế giới, chúng tôi thấy đơn độc. Trong khi ngay cả cơ quan nhà nước cũng có thể thấy khó khăn trong việc phát triển. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thấy sự kết nối giữa hai bên. Sự đơn độc đến từ hai phía”, ông Hoàng bày tỏ.
Bà Lê Quỳnh Như, người đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio (đơn vị hợp tác với nhiều nhà sản xuất lớn như Warner Bros, Walt Disney…), chia sẻ: “Nhiều khách hàng hài lòng với sản phẩm chúng tôi đưa ra. Điều đó là một đảm bảo cho chất lượng họa sĩ cũng như sản phẩm hoạt hình của VN. Chúng ta đã có những nhân sự giỏi, những sản phẩm mang lại lợi nhuận, nhiều studio hoạt hình của VN được đánh giá ngang hàng với những studio lớn của thế giới, thì nhà nước cần sớm có những hỗ trợ cho những đơn vị như chúng tôi”. Theo bà Như, việc hỗ trợ này có thể cụ thể như tại các hội chợ hoạt hình sẽ có gian hàng của VN, ngoài ra là chính sách về thuế. “Nhiều nhà sản xuất nước ngoài không thích chọn những đơn vị ở VN do chính sách hoàn thuế chưa hợp lý. Nhiều lần thương thuyết ở vòng cuối, chúng tôi bị bật ra vì đối tác muốn chọn những đơn vị ở nước khác do chính sách hoàn thuế của nước đó ưu đãi hơn. Chúng tôi nhiều lần phải hạ mức giá xuống để đối tác có lợi về thuế”, bà Như nói.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng nếu có sự hỗ trợ của nhà nước thì những đơn vị sản xuất hoạt hình tư nhân có thể “làm nhanh hơn, nhiều hơn”. Ông Bùi Hoài Sơn cho biết theo dự kiến, cuối năm sẽ diễn ra hội thảo về văn hóa, trong đó xới lên nhiều vấn đề như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế… để tháo gỡ cho lĩnh vực văn hóa nói chung và phim hoạt hình nói riêng.
NGỌC AN
TNO