22/01/2025

Giờ vào học ở các nước ra sao?

Giờ vào học ở các nước ra sao?

Nhìn chung, một ngày học của học sinh ở nhiều quốc gia thường nằm trong khoảng từ 8h-9h.

 

 

Giờ vào học ở các nước ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh đi học sớm tại một trường tiểu học ở huyện Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Bài viết “Giờ vào học quá sớm: học sinh thiếu ngủ, phụ huynh rối bời” (Tuổi Trẻ ngày 18-10) thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Để có cái nhìn toàn diện, Tuổi Trẻ ghi nhận giờ vào học ở một số nước trên thế giới.

 

Mỹ: thay đổi giờ học vì sợ học sinh thiếu ngủ

Nghiên cứu do Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia Mỹ (NCES) thực hiện trong năm học 2017 – 2018 cho thấy 40% các trường ở nước này quy định giờ vào học trong khung 8h-8h29. Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 10.600 trường công lập, trường bán công và 4.000 trường tư thục ở hầu hết các tiểu bang. Theo đó, thời gian bắt đầu trung bình của các trường trung học công lập là 8h.

NCES cũng chỉ ra các trường phổ thông có số học sinh ít hơn thường có xu hướng vào học muộn hơn. Cụ thể, thời gian bắt đầu trung bình của các trường có dưới 100 học sinh và trường có từ 100 – 199 học sinh lần lượt là 8h12 và 8h15.

Trong khi đó, khoảng 64% trường bán công trong khảo sát bắt đầu ngày học sau 8h. Ngoài ra, khoảng 54% trường trung học ở ngoại ô vào lớp trước 8h. Số trường bắt đầu học từ sau 8h30 khá ít, khoảng 26% các trường trong thành phố và 18% trường ngoại thành.

Học viện Nhi khoa Mỹ từng khuyến nghị các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở nước này nên vô học từ 8h30 hoặc muộn hơn nhằm cho học sinh có thể ngủ đủ giấc. Nhiều nghiên cứu do cơ quan này triển khai cho thấy không ngủ đủ giấc là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của thanh thiếu niên Mỹ. Thời gian mà các chuyên gia của Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo cần ngủ đủ là từ 8-9 tiếng/ngày.

Những năm gần đây, lãnh đạo của một số tiểu bang của Mỹ cũng khá quyết liệt trong việc đưa ra các quy định lùi giờ học với các trường trên địa bàn. Năm 2019, ông Gavin Newsom – thống đốc bang California – thông qua luật quy định giờ vào học của các trường trung học phổ thông không sớm hơn 8h30.

 

Anh: đến trường rồi thong thả… ăn sáng

Tại Vương quốc Anh, các trường sẽ có sự căn chỉnh thời gian vào lớp cho phù hợp với từng địa phương, tuy nhiên thường bắt đầu từ 8h30-9h và kết thúc từ 15h-15h45. Ở cấp tiểu học, giờ học thường muộn hơn 8h45. Theo báo The Guardian, nhiều phụ huynh sẽ chọn cho con đến trường khá sớm so với thời gian quy định để con được ăn sáng tại trường, thường được gọi là “breakfast club” (tạm dịch là: câu lạc bộ ăn sáng). Học sinh sẽ ngồi ăn sáng cùng nhau với những bữa sáng được nhà trường chuẩn bị trước khi bước vào những tiết học đầu tiên.

Thông thường, chi phí tham gia “breakfast club” do phụ huynh và nhà trường thỏa thuận. Tuy nhiên, Chính phủ Anh có triển khai một chương trình hỗ trợ cho các trường ở những vùng còn khó khăn nhận được trợ cấp từ 75 – 100% chi phí lo cho học sinh ăn sáng. Thậm chí, cha mẹ cũng có thể được ăn sáng miễn phí cùng con tại trường.

 

Singapore: người dân chất vấn Bộ Giáo dục về giờ học

Một số phụ huynh đã chất vấn trực tiếp trên website của Bộ Giáo dục nước này về việc điều chỉnh giờ học. Điển hình, phụ huynh Cheng Li Hui nêu ý kiến: “Thưa bộ trưởng Bộ Giáo dục, hiện chưa đến 15% học sinh trung học ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Các chuyên gia về trẻ em và những người ủng hộ ngủ đủ cho rằng nên bắt đầu vào học sau 8h30. Liệu có kế hoạch sửa đổi thời gian vào học của tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non hay không?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ Giáo dục Singapore cho rằng thời gian vào học ở nước này thường từ 7h30 – 9h tùy vào nhà trường và cấp học. Bộ cũng có quy định các trường học được bắt đầu không sớm hơn 7h30. Các trường có quyền điều chỉnh thời gian muộn hơn dựa vào chương trình và ghi nhận ý kiến của phụ huynh.

 

Giờ vào học thường là từ 7h30-8h30

Tại Nhật, các trường thường mở cửa từ 8h và tiết học đầu tiên trong ngày bắt đầu từ 8h30. Một ngày thường có sáu tiết, cấp tiểu học mỗi tiết 45 phút, trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi tiết 50 phút. Học sinh Nhật thường đến trường từ 8h-8h30, phần lớn học sinh chọn cách đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Tương tự, tại Úc, New Zealand, Phần Lan, giờ bắt đầu học thường là 8h30.

Tại Hàn Quốc, tiết học đầu tiên thường bắt đầu vào khoảng 8h. Mỗi tiết học sẽ kéo dài 50 phút. Buổi học chiều thường mở đầu từ 1h và kết thúc từ 4h-4h30. Cũng như vậy, tại Thái Lan, các trường công nước này thường bắt đầu trong khoảng từ 8h-8h30 và kết thúc lúc 15h30-16h. Một số trường quốc tế có thể đưa ra những quy định riêng ngoài khung giờ trên.

Tại Malaysia, các trường học thường bắt đầu sau 7h30. Ở một số trường tư thục, giờ học có thể trễ hơn, thường vào khoảng 8h. Những năm gần đây, nhiều phụ huynh, chuyên gia nước này cũng có kiến nghị nên lùi giờ vô học.

 

Nhiều hệ luỵ

19-10-22 4(Read-Only)

Học sinh Singapore đến trường – Ảnh: STRAITS TIMES

“Việc ấn định giờ vào học quá sớm gây ảnh hưởng không tốt đến thể lực, trí lực của trẻ – điều này ai cũng biết. Nhưng ở trường con tôi, học sinh vào học quá sớm, có ngày mới 14h20 đã ra về khiến phụ huynh lao đao” – chị M., phụ huynh lớp 7, Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM, cho biết.

Theo chị M., vì quy định 6h45 học sinh phải có mặt tại trường, 7h vô học nên sáng nào con chị cũng vội vàng chuẩn bị rồi đi học trong tình trạng còn ngái ngủ. Nhưng điều đáng nói nhất chính là giờ ra về của học sinh. “Một tuần có năm ngày học sinh đi học thì có một ngày lớp con tôi ra về lúc 14h20, hai ngày ra về lúc 15h10, chỉ có hai ngày được về lúc 16h25. Thử hỏi như thế thì làm sao phụ huynh đi đón con? Vợ chồng tôi đều đi làm, việc đi đón con lúc 14h20 đã nan giải. Mà đón con về được thì cũng không thể quản con, đành để bé ở nhà chơi tự do với điện thoại, máy tính, tivi” – chị M. than.

Tương tự, chị Th.H., phụ huynh có con học lớp 7 chương trình tiếng Anh tích hợp ở Trường Võ Trường Toản kể: “Tôi làm ở công ty nước ngoài nên không thể đi đón con. Nhưng để ông xã tôi đón con cũng không ổn, anh ấy làm việc ở quận 1, nhà thì ở TP Thủ Đức. Có những ngày 15h10 anh ấy đón con rồi chở con từ quận 1 về TP Thủ Đức, sau đó quay lại quận 1 làm việc tiếp nên rất mệt mỏi, cơ quan thì nhắc khéo là sao giờ làm việc cứ bỏ đi đâu. Cuối cùng, gia đình tôi đành thuê một bác xe ôm chuyên đón bé về, rất tốn kém và không an toàn bằng bố mẹ đưa đón. Tôi thắc mắc nhà trường xếp lịch cho học sinh học sớm quá làm gì? Thay vì cho học sinh vào học lúc 7h, sao không đổi cho các con vào học lúc 7h30 hoặc 7h45 thậm chí 8h để giờ ra về trùng với giờ tan sở của phụ huynh học sinh?”.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, không chỉ có các trường tiểu học, THCS mà hiện các trường THPT ở TP.HCM ấn định giờ vào học rất sớm: 6h45. Điều này đồng nghĩa với việc 6h30 học sinh phải có mặt tại trường.

Anh Th., phụ huynh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, phản ảnh: “Con đi học sớm thì cả hai vợ chồng tôi cũng phải dậy sớm theo. 5h30 chúng tôi đã phải gọi con dậy, trong lúc con làm vệ sinh cá nhân thì vợ tôi vội vàng nấu đồ ăn sáng. Tuy nhiên, vì ăn sớm quá nên cháu ăn không ngon, lại sợ trễ học nên ăn vội vàng. Vợ tôi bảo nếu cứ kéo dài tình trạng này thì con sẽ bị đau dạ dày. Thế là cả nhà thống nhất cho con tiền để con tự mua đồ ăn bên ngoài và ăn vào giờ ra chơi. Giải pháp này tôi cũng không hài lòng bởi ăn bên ngoài thì khó mà đảm bảo được yêu cầu dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Không những thế, một giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (đề nghị không nêu tên) còn bộc bạch: “Việc ấn định giờ vào học quá sớm gây áp lực và khó khăn cho cả giáo viên chứ không chỉ học sinh. Chúng tôi cũng là những người mẹ, người vợ, cũng phải hoàn thành thiên chức của mình với gia đình. Quy định 6h40 phải có mặt để 6h45 vô tiết dạy khiến tôi phải dậy từ 5h sáng nấu nướng cho gia đình rồi vội vàng đến trường”.

HOÀNG HƯƠNG

Thăm dò trên Tuổi Trẻ Online về giờ đi học cho thấy trong số khoảng 2.500 bạn đọc tham gia trả lời đến cuối buổi chiều 18-10, có tới 1.325 bạn đọc chọn giờ vào học là 7h30, 964 bạn đọc chọn 8h.

HOÀNG THI
TTO