22/01/2025

Bí mật giới học thuật – Kỳ 1: Ma trận thủ thuật gian dối

Bí mật giới học thuật – Kỳ 1: Ma trận thủ thuật gian dối

Kể từ lúc nộp bài (bài báo khoa học), nếu suôn sẻ cũng phải mất từ 9 – 21 tháng để bài được đăng, vậy cách nào để công bố vài chục hay vài trăm bài báo quốc tế chỉ trong 1 năm?

 

Bí mật giới học thuật - Kỳ 1: Ma trận thủ thuật gian dối - Ảnh 1.

Nguồn: Scholarlykitchen.sspnet.org – Dữ liệu: Nguyen, P. – Đồ họa: TUẤN ANH

Nhìn chung trong giới khoa học, để có một bài báo đăng tạp chí quốc tế, kể từ lúc nộp bài, nếu suôn sẻ cũng phải mất từ 9 – 21 tháng mới được đăng. Nên việc ai đó trong một năm công bố vài chục, thậm chí vài trăm bài báo như vậy hẳn là một sự bất thường.

TS giáo dục Phương Nguyễn, thành viên Hiệp hội giáo dục quốc tế HETL, đồng thời là nhà nghiên cứu và cố vấn cấp cao về đầu tư quốc tế và quản trị nhân lực của ĐH Frankfurt Goethe Universität (Đức), gửi tới Tuổi Trẻ bài viết hai kỳ Bí mật giới học thuật nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về những “góc khuất” trong việc công bố bài báo khoa học quốc tế.

 

Trả tiền để đăng bài

Việc công bố báo cáo khoa học quốc tế không chỉ là nhiệm vụ bắt buộc với các giảng viên chính thức trong trường đại học (ĐH), mà các ứng viên tiến sĩ và sau tiến sĩ tại hầu hết các trường ĐH trong và ngoài nước cũng cần điều đó để đủ điểm tích lũy nhằm đạt được các học hàm, học vị.

Nhu cầu đăng bài ngày càng cao đã làm bùng nổ số lượng nhà xuất bản (NXB) và đem lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành này. Theo báo cáo tài chính năm 2021, NXB Springer Nature của Đức đạt doanh thu khủng là 1,7 tỉ euro, lợi nhuận 443 triệu euro. Nhờ đâu mà một ngành vốn thường được coi là phi lợi nhuận lại trở nên siêu lợi nhuận như vậy?

Chỉ xét riêng về công bố khoa học, các tạp chí đều thu lợi từ việc bán truy cập bài đăng. Họ không phải trả tiền bản quyền cho tác giả, mà còn được sự trợ giúp chuyên môn miễn phí từ mạng lưới đánh giá chuyên môn.

Thời đại bùng nổ mạng thông tin, xu hướng truy cập miễn phí (Open Access – OA) lên ngôi buộc các tác giả phải chấp nhận trả tiền để bài báo của mình được công bố mở. Việc tưởng như “ngược đời” này thực chất là nhằm giúp tăng lượng người đọc, tăng cơ hội trích dẫn bài báo trong các nghiên cứu khác, từ đó giúp tăng thang điểm về tầm ảnh hưởng của nhà nghiên cứu.

Với các NXB lớn như Elsevier, Taylor & Francis, Springer, Wiley…, việc nộp phí là hoàn toàn tự nguyện khi tác giả muốn bài báo được công bố mở. Khi đó, tác giả phải chịu mọi chi phí xuất bản và quản trị trang báo, từ 150 – 6.000 USD, tùy ngành và tùy tạp chí, theo lý giải của Elsevier – NXB sở hữu 4.658 tạp chí.

Còn với các NXB ít tên tuổi, việc tác giả trả phí đăng bài lại là bắt buộc. Phí này dao động từ 2.000 – 10.000 USD/bài. Chỉ cần trả tiền đầy đủ là bài được đăng, không phụ thuộc chất lượng.

 

Uy tín của xếp hạng

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào việc phải trả phí đăng bài để rồi đánh giá chất lượng tạp chí thì chưa hẳn đã chính xác. Cũng cần xét thêm một tiêu chí nữa là thứ hạng của NXB và tạp chí đó vốn được phân cấp dựa trên mức độ ảnh hưởng.

Chẳng hạn, NXB Elsevior cho biết trong năm 2021 có tới 2,5 triệu bài báo khoa học nộp cho họ nhưng chỉ 600.000 bài được đăng. Có khoảng 1,4 triệu chuyên gia hàng đầu thế giới tình nguyện làm cố vấn và đánh giá chuyên môn độc lập cho Elsevior.

Cổng thông tin xếp hạng báo chí khoa học và các chỉ số khoa học quốc gia được giới học thuật biết đến phổ biến nhất là chỉ số xếp hạng Scopus thuộc cổng thông tin “SCImago Institution Rankings” (Xếp thứ hạng của viện SCImago). Chỉ số này giúp so sánh hoặc phân tích từng tạp chí. Những tạp chí thuộc thứ hạng cao lần lượt là Q1, Q2 và có thứ hạng thấp dần là Q3 và Q4.

Chỉ số xếp hạng Scopus thực tế được xây dựng từ chính nguồn dữ liệu của Elsevier, nhưng 1/4 trong số 4.658 tạp chí của Elsevier cho tới nay đã bị rút khỏi bảng xếp hạng chính thức. Với danh sách xếp hạng thiếu ổn định, lại bị “thao túng” bởi các NXB lớn, chỉ số Scopus vẫn còn nhiều hạn chế, do đó một số nhà khoa học có đề xuất chỉ nên công nhận các tập san trong danh mục Clarivate, tức ISI trước đây, theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Úc).

Bí mật giới học thuật - Kỳ 1: Ma trận thủ thuật gian dối - Ảnh 2.

Nguồn: Scholarlykitchen.sspnet.org – Dữ liệu: Nguyen, P. – Đồ họa: TUẤN ANH

Chiêu trò tăng bài báo quốc tế

Tháng 10-2022, chúng tôi phỏng vấn nhanh các nhà khoa học tại ĐH Goethe Frankfurt rằng “mất bao lâu để hoàn thành một báo cáo khoa học, và mất bao lâu nữa để được công bố trên tạp chí”.

Các phản hồi nhận được cho thấy một điểm chung: các yếu tố như đặc trưng ngành, số lượng đồng tác giả, phương pháp nghiên cứu và kết quả thực nghiệm sẽ quyết định tốc độ hoàn thành và công bố một bài báo khoa học. Tuy nhiên, về cơ bản, để lên khung báo cáo (chưa gồm dữ liệu thực nghiệm) cần ít nhất 2 tuần, nếu thêm số liệu và kết quả thực nghiệm thì có thể mất thêm vài tháng cho tới 1 năm.

Cũng theo họ, khi nộp bài cho tạp chí, cần ít nhất ba người thẩm định độc lập (không biết tác giả) nên sẽ phải chờ thêm khoảng 2 tháng. Nếu bài phải sửa (thực tế đây là khâu bắt buộc của hầu hết các tạp chí uy tín) sẽ mất thêm khoảng 3 tháng nữa. Nếu bài báo được đăng trong ấn phẩm đặc biệt, có thể phải tiếp tục chờ từ 6 – 18 tháng. Như vậy, kể từ lúc nộp bài, nếu suôn sẻ cũng phải mất từ 9 – 21 tháng để bài được đăng.

Nhưng thực tế có không ít “thiên tài” công bố vài chục hay vài trăm bài báo quốc tế chỉ trong 1 năm. Con số “kinh hoàng” này thực chất là kết quả của các chiêu trò.

Báo khoa học thường không giới hạn đồng tác giả, và đây chính là lỗ hổng bị lợi dụng. Có những bài nội dung báo cáo còn ngắn hơn danh sách tác giả. Thực tế cho thấy có nhiều người cố tình liên kết với nhau để đẩy tên bài qua lại.

Không dừng ở đó, liên kết ảo này luân phiên trích dẫn bài của nhau để tăng điểm danh tiếng trên bảng xếp hạng nghiên cứu từ đó tạo ra thành tích ảo nhưng danh tiếng thật. Vì thế khi nhìn vào thành tích nghiên cứu của một tác giả, người trong giới thường chỉ quan tâm ai là tác giả chính, các vị trí khác được xem là “ăn theo”.

Thủ thuật thứ hai khá phổ biến là tự xào bài của mình thành nhiều bài khác nhau, hay “đạo văn chính mình”.

Đầu tháng 10-2022, giới học thuật rúng động khi NXB BMJ gỡ chín bài viết của ông Paul McCrory trên tạp chí British Journal of Sports Medicine và đang xem xét 38 bài viết khác của ông trên các tạp chí của BMJ vì đạo văn và công bố lặp lại.

Ông Paul McCrory vốn nổi tiếng trong ngành y tế thể thao, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Florey về khoa học thần kinh và sức khỏe tâm thần (Úc), từng giữ vị trí tổng biên tập BJSM từ 2001 – 2008. Các bài viết của ông là cơ sở giúp FIFA và các tổ chức thể thao khác xây dựng luật thi đấu.

Thủ thuật phổ biến nữa là “nhờ quan hệ” để đăng bài, tức là tự đề cử người thẩm định. Nếu những tạp chí uy tín chủ yếu dùng thẩm định độc lập thì cũng có những tạp chí cho phép tác giả gợi ý người thẩm định. Cách làm này có thể giúp bài được duyệt nhanh hơn nhưng dễ bị lợi dụng khi có nhiều tác giả liên kết để thẩm định bài qua lại cho nhau.

Nhờ những thủ thuật tăng bài đã nêu, nhiều cá nhân đã đủ tiêu chuẩn xin học bổng tiến sĩ hay đủ tiêu chuẩn xét duyệt học hàm, học vị. Những thủ thuật này đã diễn ra ở nước ngoài rầm rộ từ 10 năm trước, và gần đây đã có nhiều nhà khoa học Việt Nam “học hỏi” áp dụng và trở thành vấn đề thực sự đáng lo ngại.

 

“Vũ trụ tạp chí khoa học”

Đây là “siêu thủ thuật” nhằm tăng số bài báo quốc tế. Theo đó, một nhóm liên kết với nhau tự đẻ ra “vũ trụ” tạp chí khoa học. Ở đó, một “nhà khoa học” sẽ là tổng biên tập và các “nhà khoa học” còn lại sẽ là thành viên trong ban biên tập.

Điều này cho phép nhóm lợi ích tùy ý đăng bài, chia sẻ, tăng tương tác cho bài báo của nhau để tạo ra mạng lưới hùng hậu nâng tầm ảnh hưởng. Đã không ít “vũ trụ tạp chí” như vậy ra đời ngay trong các tập đoàn xuất bản lớn, thậm chí được đưa vào chỉ số xếp hạng Scopus để rồi sau khi đạt lợi ích kinh tế nhất định thì bị rút xuống, xóa dấu vết.

Đây có thể nói là một thủ thuật cao siêu nhất khi có sự liên kết xuyên quốc gia và có bóng dáng của các doanh nghiệp chống lưng để kinh doanh tri thức. Bên cạnh việc thu phí đăng bài đã nói, có không ít “vũ trụ tạp chí” còn ngang nhiên cung cấp dịch vụ viết thuê luận văn, luận án và các báo cáo khoa học…

NGUYEN, P. (từ Frankfurt, Đức)
TTO