Bàn về việc lùi giờ vào lớp của học sinh, khoa học nói gì?
Bàn về việc lùi giờ vào lớp của học sinh, khoa học nói gì?
Dậy sớm để đi học là điều ‘cực hình’ đối với bất kỳ trẻ em nào.
Và giờ đây, một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí của Hiệp hội về Giấc ngủ của Mỹ Sleep Health, cho thấy lùi giờ vào lớp buổi sáng có thể cải thiện tâm trạng của trẻ và giảm trầm cảm, từ đó có thể mang lại kết quả học tập tốt hơn, theo tờ Daily Mail.
Nghiên cứu mới do các nhà khoa học từ 2 trường đại học của Brazil là Federal University for Latin American Integration và Federal University of Fronteira Sul, thực hiện.
Các nhà nghiên cứu cho biết nhịp sinh học của con người thay đổi đáng kể trong thời kỳ thanh thiếu niên và có thể khiến các em khó dậy sớm vào buổi sáng.
Trước khi dậy thì, cơ thể trẻ cảm thấy buồn ngủ vào khoảng 20 – 21 giờ tối, nhưng khi bắt đầu dậy thì, nhịp điệu này sẽ thay đổi thành 22 – 23 giờ tối, theo Daily Mail.
Bởi vì theo nhịp sinh học, nhiều thanh thiếu niên thường thức khuya hơn vào buổi tối, khiến trẻ khó dậy sớm.
|
Lùi giờ vào lớp buổi sáng có thể cải thiện tâm trạng của trẻ và giảm trầm cảm, từ đó có thể mang lại kết quả học tập tốt hơn SHUTTERSTOCK |
Từ đó, việc phải dậy sớm đi học thường xuyên sẽ góp phần khiến trẻ bị thiếu ngủ kinh niên. Và việc lùi giờ vào lớp có thể giúp ích.
Nghiên cứu cho kết quả gì?
Nhóm nghiên cứu đã tuyển dụng 48 học sinh tại một trường trung học ở Palotina (Brazil), những học sinh này được đeo các thiết bị đo hoạt động ghi lại chu kỳ ngủ và thức – liên tục trong 3 tuần.
Tuần 1: Giờ vào học là 7:30 sáng, với giờ thức dậy: 6:54 sáng
Tuần 2: Giờ vào học là 8:30 sáng, với giờ thức dậy: 7:42 sáng
Tuần 3: Giờ vào học là 7:30 sáng, với giờ thức dậy: 6:46 sáng
Trong tuần 2, đã giảm thời gian nghỉ giải lao, kết thúc buổi học muộn hơn 25 phút, để bù cho giờ vào lớp muộn hơn.
Trong cả 3 tuần, các thiết bị đeo tay sẽ đo thời gian và thời lượng giấc ngủ, trong khi những học sinh tham gia cũng hoàn thành các cuộc khảo sát về mức độ buồn ngủ, chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, mức độ lo lắng và trầm cảm.
Kết quả cho thấy lùi giờ học muộn hơn vào buổi sáng có tác động tích cực đến cả giấc ngủ và tâm trạng, theo Daily Mail.
Trong tuần 2, học sinh ít cảm thấy mệt mỏi hơn, ít căng thẳng, bối rối, tức giận và mức độ hoạt bát cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết nhìn chung, các em cảm thấy ít chán nản, tức giận, căng thẳng và mệt mỏi ở trường.
Họ cho biết: Giờ vào lớp muộn hơn có hiệu quả tăng thời lượng ngủ, cải thiện tình trạng buồn ngủ và tâm trạng.
Điều thú vị là trong khi vào lớp muộn hơn, những học sinh vẫn đi ngủ theo giờ như cũ, vì vậy đã tăng thời lượng ngủ tổng thể.
Ngoài ra, sau khi ngủ nhiều hơn, thanh thiếu niên cho biết cảm thấy ít buồn ngủ hơn khi bắt đầu buổi học và trước khi tan học.
Rõ ràng là nghiên cứu cho thấy giấc ngủ ngon hơn có thể cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc, từ đó có thể giúp cải thiện việc học và kết quả học tập, theo Daily Mail.
Nhưng các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng việc lùi giờ vào lớp không dễ thực hiện.
Thanh thiếu niên thích ngủ nướng và nghiên cứu mới cho thấy ngủ nhiều hơn một chút có thể có lợi cho hiệu suất học tập của trẻ
SHUTTERSTOCK |
Những ý kiến trái chiều
Các nhà khoa học ở Mỹ đã chỉ ra rằng ép thanh thiếu niên thức dậy sớm hơn so với đồng hồ sinh học có thể làm giảm sự phát triển trong học tập của trẻ.
Một nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy những sinh viên 19 tuổi vào lớp lúc 8:50 sáng thay vì 7 giờ sáng, đạt kết quả cao hơn trong các kỳ thi.
Cả Học viện Nhi khoa Mỹ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ từ lâu đã phản đối giờ vào lớp sớm và ủng hộ giờ vào lớp của học sinh THCS và THPT không sớm hơn 8:30 sáng, theo Daily Mail.
Theo CDC Mỹ, hơn 70% học sinh trung học ở Mỹ không ngủ đủ 8 – 10 tiếng theo nhu cầu. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng các trường THCS và THPT nên vào lớp không sớm hơn 8:30 sáng.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về giờ vào lớp vẫn đang rất sôi nổi. Bởi thay đổi giờ vào lớp còn ảnh hưởng đến gia đình, giáo viên và cộng đồng rộng lớn hơn.
Những người phản đối nói rằng điều này có thể gây ra các vấn đề về việc đi lại, lịch làm việc của phụ huynh và các buổi học ngoại khóa sau giờ học.
Nhưng những người ủng hộ lùi giờ vào lớp của học sinh thì nói rằng những lợi ích mang lại là xứng đáng để được ưu tiên.
Giờ vào học của một số nước trên thế giới
Đến năm 2017, thời gian bắt đầu trung bình của các trường trung học công lập trên toàn quốc ở Mỹ là 8 giờ sáng và 10% trường bắt đầu học trước 7:30, theo hãng tin US News (Mỹ).
Ở Anh, một ngày học bình thường bắt đầu từ 8 – 9 giờ sáng, theo Daily Mail.
Ở Nhật, nói chung, trẻ em phải đến trường trước 8:45 sáng, theo thông tin từ trang web của Bộ Ngoại giao Nhật.
THIÊN LAN
TNO