22/01/2025

Thánh lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II

Thánh lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II

Ngày 11/10/1962 tại Đền thờ Thánh Phêrô, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã chính thức khai mạc Công đồng Vatican II. Ngày 11/10/2022, mừng kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng, vào lúc 4 giờ 15 chiều, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi trích đọc diễn văn khai mạc Công đồng của Đức Gioan XXIII và một số trích đoạn từ các văn kiện của Công đồng. Sau đó, lúc 5 giờ chiều, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ mừng kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng, cũng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Thánh Lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II

Bài đọc Tin Mừng được đọc trong Thánh lễ được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan 21,15-17, về việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên biển hồ Tiberia sau khi Chúa sống lại, và hỏi ông Phêrô đến ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?”

Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Con có yêu mến Thầy không?” Đây là câu đầu tiên Chúa Giêsu hỏi Phêrô trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta đã nghe (Ga 21,15). Tuy nhiên, câu cuối là: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (câu 17). Vào ngày kỷ niệm khai mạc Công đồng Vatican II, chúng ta cũng nghe thấy những lời này của Chúa nói với chúng ta, với chúng ta là Giáo Hội: Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăn dắt chiên của Thầy.

Con có yêu mến Thầy không?

1. Trước hết, con có yêu mến Thầy không? Đây là một câu hỏi, bởi vì phong cách của Chúa Giêsu không phải là đưa ra câu trả lời, mà là đặt ra những câu hỏi, những câu hỏi khơi nên sự sống. Và Chúa, Đấng “trong tình yêu vĩ đại của mình, nói chuyện với con người như với bạn hữu và vui thích với con người” (Dei Verbum, 2), tiếp tục hỏi, vẫn luôn hỏi Giáo Hội, Hiền Thê của Người: “Con có yêu mến Thầy không?” Công đồng Vaticanô II là một câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi này: để làm sống lại tình yêu của mình mà lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội đã dành một Công đồng để tự hỏi chính mình, để suy ngẫm về bản chất và sứ mạng của chính mình; và tái khám phá mầu nhiệm ân sủng được sinh ra bởi tình yêu: đó là Dân Thiên Chúa, Nhiệm Thể Chúa Kitô, đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần!

Đây là cái nhìn đầu tiên về Giáo hội, cái nhìn từ trên cao. Đúng vậy, trước hết, Giáo hội phải được nhìn từ trên cao, với đôi mắt yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta tự hỏi xem trong Giáo hội, chúng ta có khởi đi từ Thiên Chúa, từ cái nhìn yêu thương của Người trên chúng ta không? Luôn luôn có cám dỗ bắt đầu từ cái tôi hơn là từ Thiên Chúa, đặt các chương trình nghị sự của chúng ta trước Tin Mừng, để mình bị cuốn theo gió của thế gian, để chạy theo hoặc chối bỏ thời gian Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta, mà quay lùi lại. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận: cả chủ nghĩa cấp tiến nương theo thế gian và chủ nghĩa truyền thống hay chủ nghĩa quay lùi tiếc nuối một thế giới đã qua đều không phải là diễn tả của tình yêu, mà là sự bất tín. Chúng là những kiểu ích kỷ Pelagiô, đặt sở thích và kế hoạch của mình lên trên tình yêu đẹp lòng Thiên Chúa, tình yêu đơn sơ, khiêm tốn và trung tín mà Chúa Giêsu yêu cầu ở Phêrô.

Con có yêu mến Thầy không? Chúng ta hãy tái khám phá Công đồng để trả lại vị trí ưu tiên cho Thiên Chúa, cho điều cốt yếu: cho một Giáo hội nhiệt tâm đối với tình yêu dành cho Chúa của mình và cho tất cả con người, luôn được Người yêu mến; trả lại vị trí ưu tiên cho một Giáo hội giàu về Chúa Giêsu và nghèo về phương tiện; cho một Giáo hội tự do và giải thoát. Công đồng chỉ ra cho Giáo hội con đường này: là làm cho Giáo hội trở về Galilê, giống như Thánh Phêrô trong Tin Mừng, trở về Galilê, về nguồn cội của tình yêu ban đầu của mình, để khám phá lại sự thánh thiện của Thiên Chúa trong sự nghèo khó của mình (x. Lumen Gentium, 8c; chương V). Mỗi người chúng ta đều có Galilê của riêng mình, Galilê của tình yêu đầu tiên, và mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở lại Galilê để lắng nghe tiếng Chúa nói: “Hãy theo Thầy!” Và đến đó để tìm lại, nơi cái nhìn của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh, niềm vui đã mất, để chú tâm vào Chúa Giêsu. Hãy tìm lại niềm vui: một Giáo hội mất đi niềm vui là một Giáo hội đánh mất tình yêu. Vào những ngày cuối đời, ĐGH Gioan đã viết: “Cuộc đời bước sang chiều tà này của tôi không thể có gì hơn là chú tâm mọi sự vào Chúa Giêsu, con của Mẹ Maria… sự thân mật liên lỉ và lớn lao với Chúa Giêsu, được chiêm ngắm nơi hình ảnh hài nhi, bị đóng đinh, được tôn thờ trong Bí tích.” (Giornale dell’anima, 977-978). Đây chính là cái nhìn trên cao của chúng ta, nguồn sống mãi mãi của chúng ta!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở về với nguồn tình yêu tinh tuyền của Công đồng. Chúng ta hãy tái khám phá niềm say mê của Công đồng và canh tân niềm say mê đối với Công đồng! Dìm mình trong mầu nhiệm của Giáo hội, là Mẹ và là Hiền thê, chúng ta cũng nói, cùng với Thánh Gioan XXIII. Giáo hội là nơi cư ngụ của niềm vui. Nếu Giáo hội không vui mừng, thì Giáo hội đã phủ nhận chính mình, bởi vì quên đi tình yêu đã tạo nên mình. Tuy nhiên, có bao nhiêu người trong chúng ta không thể sống đức tin một cách vui tươi, không xì xào và không chỉ trích? Một Hội Thánh yêu mến Chúa Giêsu không có thời gian cho những cuộc đụng độ, độc đoán và tranh cãi. Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự chỉ trích và bất khoan dung, khắc nghiệt và tức giận. Đó không chỉ là vấn đề về phong cách, mà là về tình yêu thương, bởi vì như tông đồ Phao-lô dạy, những ai yêu thương thì làm mọi việc mà không phải kêu ca lẩm bẩm (xem Phi-líp 2:14). Lạy Chúa, xin dạy chúng con cái nhìn cao cả của Chúa, để nhìn Giáo hội như Chúa nhìn. Và khi chúng ta chỉ trích và bất mãn, thì hãy tự nhắc mình rằng Giáo Hội là chứng nhân ​​vẻ đẹp của tình yêu của Ngài, và đang sống để đáp lại câu hỏi của Ngài: Con có yêu mến Thầy không?

Hãy chăn dắt chiên của Thầy

2. Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăn dắt chiên của thầy! Lời thứ hai: Hãy chăn dắt: bằng lời này, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu mà ngài mong muốn từ Phêrô. Chúng ta hãy nghĩ đến Phêrô: ông là người đánh cá và Chúa Giêsu đã làm cho ông thành người thu phục người ta (x. Lc 5,10). Giờ đây Người giao cho ông một công việc mới, là một người chăn dắt, công việc mà ông chưa bao giờ thực hành. Đó là một bước ngoặt, bởi vì trong khi người đánh cá đánh bắt cho mình, kéo về phía mình, thì người chăn dắt chăm sóc người khác, chăm lo cho người khác. Hơn nữa, người mục tử sống với đàn chiên, nuôi dưỡng đàn chiên và trở nên gắn bó với chúng. Anh ta không ở trên, như người đánh cá, nhưng ở giữa. Người mục tử đi trước dân để chỉ đường, ở giữa dân như một người trong họ, và đi sau dân để gần gũi những người chậm ở sau. Người mục tử không ở trên, như người đánh cá, nhưng ở giữa. Đây là cái nhìn thứ hai mà Công Đồng dạy chúng ta, cái nhìn từ ở chính giữa: ở trong thế giới với người khác và không bao giờ cảm thấy mình ở trên người khác, như tôi tớ của một Nước Thiên Chúa vĩ đại hơn (x. Lumen Gentium, 5); để đưa việc loan báo Tin Mừng vào đời sống và ngôn ngữ của con người (xem Sacrosanctum Concilium, 36), chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ (xem Gaudium et Spes, 1). Công đồng hết sức hợp thời: Công đồng giúp chúng ta từ chối cám dỗ khép mình trong hàng rào an ủi và xác tín của mình, để noi gương phong cách của Thiên Chúa, mà tiên tri Ê-zê-ki-en đã mô tả cho chúng ta hôm nay: “đi tìm con chiên bị mất và đem về nhà con chiên bị lạc, băng bó vết thương và chữa lành bệnh tật” (x. Ez 34:16).

Hãy chăn dắt: Giáo hội không mừng Công đồng để tự chiêm ngưỡng mình, nhưng để trao ban chính mình. Thật vậy, Mẹ phẩm trật thánh thiện của chúng ta, xuất phát từ trái tim của Thiên Chúa Ba Ngôi, tồn tại để yêu thương. Đó là một dân tộc tư tế (xem Lumen Gentium, 10 ff.): không phải để giương mắt lên trước thế giới, nhưng để phục vụ thế giới. Chúng ta đừng quên: Dân Thiên Chúa được sinh ra để hướng ra ngoài và làm cho mình trở nên trẻ trung, vì Dân Thiên Chúa là bí tích của tình yêu, là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Lumen Gentium, 1).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở lại với Công đồng, nơi đã tái khám phá dòng sông sống động của Truyền thống mà không bị tắt nghẽn lại ở những truyền thống; Công đồng đã tái khám phá cội nguồn của tình yêu không phải để ở lại thượng nguồn, nhưng để cho Giáo hội có thể đi xuống hạ nguồn và là một kênh của lòng thương xót cho tất cả mọi người. Chúng ta trở lại với Công đồng để thoát ra khỏi chính mình và vượt qua cám dỗ của việc tự quy chiếu về mình. Hãy chăn dắt, Chúa lặp lại điều này với Giáo hội của Người; và khi chăn dắt, Giáo hội vượt qua nỗi hồi tưởng về quá khứ, sự nuối tiếc nuối về tầm cao, sự ràng buộc với quyền lực, bởi vì Dân Thánh của Thiên Chúa là một dân mục vụ: Dân Thánh không tồn tại để chăn dắt chính mình, nhưng cho người khác, tất cả những người khác, với tình yêu. Và, nếu đúng cần có sự quan tâm đặc biệt, thì đó là dành cho những người được Thiên Chúa yêu mến: cho những người nghèo, những người bị từ chối (xem Lumen Gentium, 8c; Gaudium et Spes, 1); như ĐGH Gioan đã nói, trở nên “Giáo hội của tất cả mọi người, và đặc biệt là Giáo hội của người nghèo” (Sứ điệp phát thanh gửi các tín hữu trên khắp thế giới một tháng trước Công đồng chung Vatican II, ngày 11/9/1962).

Tất cả cùng nhau, cùng thuộc về Chúa Giêsu

3. Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăn dắt chiên của Thầy. Người không có ý nói đến một số ít, nhưng là tất cả, vì Người yêu tất cả mọi người, Người âu yếm gọi tất cả là “của Thầy”. Vị Mục Tử Nhân Lành nhìn thấy và muốn đàn chiên của mình được hiệp nhất, dưới sự hướng dẫn của các Mục Tử mà Người đã ban cho. Người muốn – cái nhìn thứ ba – cái nhìn cùng nhau: tất cả, tất cả cùng nhau. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội, theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp thông (x. Lumen Gentium, 4,13). Ngược lại, ma quỷ muốn gieo mầm chia rẽ. Chúng ta không được khuất phục trước sự phỉnh gạt của nó, chúng ta không khuất phục trước cám dỗ của sự phân cực. Đã bao nhiêu lần, sau Công Đồng, các Kitô hữu đã muốn chọn một phần trong Giáo Hội, mà không nhận ra rằng họ đang xé rách trái tim Mẹ của họ! Đã bao lần người ta thích trở thành “những người ủng hộ cho nhóm của mình” hơn là tôi tớ của tất cả mọi người, những người cấp tiến và bảo thủ hơn là anh chị em, thuộc về “cánh tả” hay “cánh hữu” hơn là thuộc về Chúa Giêsu; nổi lên như “người bảo vệ sự thật” hoặc “nhà độc tấu của sự mới lạ”, thay vì nhận mình là những người con khiêm nhường và biết ơn của Giáo hội Mẹ thánh thiện. Chúa không muốn chúng ta như thế: chúng ta là chiên của Người, là đoàn chiên của Người, và chúng ta với nhau, hiệp nhất cùng nhau. Chúng ta hãy vượt qua những phân cực và giữ lấy sự hiệp thông, chúng ta hãy ngày càng trở nên “một”, như Chúa Giêsu đã cầu xin trước khi hiến mạng sống cho chúng ta (x. Ga 17,21). Xin Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội, giúp chúng ta về điều này. Ước gì chúng ta gia tăng lòng khao khát hiệp nhất, ước muốn dấn thân vì sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các tín hữu trong Chúa Kitô. Thật vui là hôm nay, cũng như trong Công đồng, các đại diện của các cộng đoàn Kitô khác đang hiện diện với chúng ta. Cảm ơn về sự hiện diện này!

Chúng con cảm tạ Chúa về món quà của Công đồng. Chúa yêu mến chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi sự tự quy chiếu về mình và tinh thần chỉ trích kiểu thế gian. Xin giải phóng chúng con khỏi sự tự loại trừ khỏi sự hiệp nhất. Lạy Chúa, Đấng nuôi dưỡng chúng con bằng sự dịu dàng, xin dẫn chúng con ra khỏi tường rào của sự tự quy chiếu về mình. Lạy Chúa, Đấng muốn chúng con là đàn chiên hiệp nhất, xin giải phóng chúng con khỏi mánh khoé hiểm ác của những phân cực. Và chúng con, Giáo hội của Ngài, cùng với Thánh Phêrô và như Thánh Phêrô, chúng con thưa với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết chúng con yêu mến Chúa.” (x. Ga 21:17).

Văn Yên, SJ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-10/thanh-le-ky-niem-60-nam-khai-mac-cong-dong-vatican-ii.html