06/10/2024

Giáo hội cử hành 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II

Giáo hội cử hành 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II

Lúc 5 giờ chiều ngày 11/10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ kính Thánh Gioan XXIII Giáo hoàng và kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II.

Giáo hội cử hành 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã chính thức khai mạc Công đồng Vatican II vào ngày 11/10/1962 trong một cử hành trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô, bắt đầu một sự kiện kéo dài 4 năm, chứng kiến Giáo hội mở rộng cánh cửa với thế giới trong một quá trình thích nghi với thời đại.

Đức Giáo hoàng Gioan XIII đã khai mạc Công đồng Vatican II bằng bài phát biểu nổi tiếng Gaudet Mater Ecclesia, nhằm chỉ ra mục đích chính của Công đồng. Gần 2.500 Hồng y, Thượng phụ và Giám mục từ khắp nơi trên thế giới có mặt trong Công đồng, kéo dài đến ngày 08/12/1965.

Công đồng Vatican II đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử Giáo hội, khởi đầu một quá trình biến đổi sâu sắc trong chính Giáo hội, và trong các mối quan hệ của Giáo hội với thế giới hiện đại, các Giáo hội Kitô khác và các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Quá trình này vẫn đang tiếp tục.

Công đồng Đại kết thứ 21 trong lịch sử Giáo hội

Công đồng Vatican II là công đồng đại kết thứ 21 được triệu tập trong lịch sử hai ngàn năm của Giáo hội, và được tập hợp gần một thế kỷ sau khi Đức Giáo hoàng Piô IX triệu tập Công đồng Vatican I (1869-70), trong đó xác định các tín điều về tính bất khả ngộ và quyền tài phán của Giáo hoàng.

Thánh Gioan XXIII đã công bố triệu tập Công đồng vào ngày 25/01/1959 chỉ ba tháng sau khi ngài được bầu chọn vào sứ vụ Phêrô tháng 10/1958, trong bài nói chuyện với các hồng y đang tập trung ở Đan viện Biển Đức tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành ở Roma.

Trao cho thế giới hiện đại “phương dược lòng thương xót”

Trong thông báo bất ngờ, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII giải thích rằng quyết định của ngài nảy sinh từ việc xác định được tình trạng xuống dốc về mặt tinh thần của xã hội đương đại do những biến đổi chính trị và xã hội sâu sắc mà nó đã trải qua trong nhiều thập kỷ trước đó, cần phải có một đáp ứng mới từ Giáo hội. Ngài cũng đề cập đến những chia rẽ kéo dài hàng thế kỷ trong gia đình Kitô giáo.

Trong Thông điệp đầu tiên Ad Petri Cathedram, vào ngày 29/6/1959, và tại một cuộc họp chuẩn bị vào ngày hôm sau, Đức Giáo hoàng nói rõ thêm rằng Công đồng có ý nghĩa chủ yếu để làm sống lại đức tin Kitô giáo trong một thế giới ngày càng tục hoá, mang lại sức sống mới cho sứ vụ của Giáo hội Công giáo, và để điều chỉnh các thực hành của Giáo hội với hoàn cảnh mới.

Đức Giáo hoàng muốn có một Công đồng mục vụ và một cuộc canh tân, để giáo lý Công giáo có thể được hiểu và chấp nhận tốt hơn trong xã hội thế kỷ 20. Như ngài đã nói trong bài phát biểu khai mạc Công đồng, trong khi bảo tồn tính toàn vẹn của giáo lý, Giáo hội muốn cung cấp cho thế giới hiện đại “phương dược của lòng thương xót”, chứ không phải những lời lên án nghiêm khắc.

Bốn khoá họp

Sau hơn ba năm chuẩn bị, Công đồng Vatican II đã long trọng khai mạc vào ngày 11/10/1962 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Công đồng đã nhóm họp trong 4 khoá từ năm 1962 đến năm 1965, mỗi khoá kéo dài từ 8 đến 12 tuần, vào mùa thu của năm. Công đồng bị gián đoạn khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII qua đời vào ngày 03/6/1963 và tiếp tục trở lại sau cuộc bầu Đức Giáo hoàng Phaolô VI, vào ngày 11/6 cùng năm. Công đồng kết thúc vào ngày 08/12/1965.

Các quan sát viên không Công giáo được mời tham dự

Khoảng 2.000 đến 2.500 hồng y Công giáo, Thượng phụ và giám mục từ khắp nơi trên thế giới, với sự hỗ trợ của 460 chuyên gia thần học đã tham dự mỗi khoá họp. Lần đầu tiên Tin lành, Chính thống và các quan sát viên không Công giáo được mời tham dự. Tại Công đồng, còn có 42 giáo dân và tu sĩ tham dự trong vai trò dự thính viên.

16 văn kiện

Công đồng đã ban hành tất cả 16 văn kiện, bao gồm bốn Hiến chế về cơ cấu và bản chất của Giáo hội, về Mặc khải, về Giáo hội trong thế giới hiện đại, và về phụng vụ; chín Sắc lệnh về Giáo hội và các phương tiện truyền thông, đại kết, các Giáo hội Công giáo Đông phương, giám mục, đào tạo linh mục, đời sống tu sĩ, giáo dân, thừa tác vụ linh mục và hoạt động truyền giáo. Ba Tuyên ngôn về các tôn giáo không phải Kitô giáo, giáo dục Kitô và tự do tôn giáo cũng đã được ban hành.

Hiến chế Lumen Gentium

Một trong những tài liệu quan trọng nhất do Công đồng Vatican II soạn thảo là Hiến chế Tín lý “Lumen Gentium” về cơ cấu và bản chất của Giáo hội. Hiến chế trình bày Giáo hội như một Mầu nhiệm và một sự Hiệp thông của các tín hữu đã được rửa tội, “Dân Chúa”, những người được kêu gọi nên thánh và mỗi người có những vai trò và trách nhiệm cụ thể. Văn kiện tái khẳng định đặc tính truyền giáo của Giáo hội và xác nhận đoàn thể tính của Giám mục “cùng với và dưới sự hướng dẫn của người kế vị Thánh Phêrô”. Hiến chế thiết lập năng quyền các Giám mục địa phương trong việc khôi phục chức phó tế vĩnh viễn cho những người nam đã lập gia đình. Vai trò của giáo dân và sự tham gia của họ vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội cũng được nhấn mạnh, trong khi ơn gọi tu trì được xem xét trong mối liên hệ với đời sống thiêng liêng của toàn thể Giáo hội.

Hiến chế Dei Verbum

Hiến chế Tín lý “Dei Verbum” về Mạc khải Thiên Chúa là một văn kiện quan trọng khác của Công đồng. Mục đích của văn kiện là nói lên sự hiểu biết của Giáo hội về bản chất của Mạc khải, nghĩa là quá trình Thiên Chúa giao tiếp với con người. Văn kiện liên quan đặc biệt đến đại kết, vì nội dung chứa đựng những vấn đề về Kinh Thánh, Truyền thống và thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội.

Hiến chế Sacrosanctum Concilium

Hiến chế “Sacrosanctum Concilium” về Phụng vụ Thánh được nhiều người nhớ đến vì đã cho phép sử dụng các ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ, hoặc vì đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện cộng đồng, nhìn nhận giá trị và sự phong phú của các nghi lễ khác nhau trong Giáo hội theo các truyền thống khác nhau.

Hiến chế Gaudium et Spes

Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes” về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, kêu gọi Giáo hội tham gia đối thoại với xã hội đương đại và các vấn đề của nó, đưa giáo huấn và các giá trị đạo đức của Giáo hội vào một thế giới thường xuyên bị giằng xé bởi hận thù, chiến tranh và sự bất công. Văn kiện thừa nhận rằng khoa học và văn hóa có những điều để dạy Giáo hội, nhưng cũng cho biết Giáo hội có sứ vụ thánh hóa thế giới xung quanh.

Những thay đổi quan trọng trong Giáo hội, trong các quan hệ đại kết và liên tôn

Trong những năm sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã chứng kiến một số thay đổi mang tính bước ngoặt:

– Sách lễ Roma mới được ban hành vào năm 1970, với một chu kỳ đọc mới được thiết kế nhằm cung cấp nhiều lựa chọn Kinh Thánh hơn. Lịch phụng vụ đã được đơn giản hóa. Các nghi thức cho các bí tích đã được sửa đổi, nhấn mạnh đến các khía cạnh chung của việc cử hành các bí tích. Nghi thức Khai tâm Kitô cho Người lớn đã được lấy lại và sửa đổi. Khi những thay đổi diễn ra, sự tham gia phụng vụ tích cực đã gia tăng đáng kể trong nhiều cộng đồng Giáo hội địa phương.

– Có nhiều thừa tác vụ giáo dân. Trong Thánh lễ, xuất hiện thừa tác vụ đọc sách và thừa tác viên trao Mình Thánh. Giáo dân được đại diện trong các hội đồng giáo xứ và hội đồng giáo phận, nhiều giáo dân có trình độ thần học đã thay thế các giáo sĩ trong một số chức vụ hành chính của giáo xứ.

– Trong toàn thể Giáo hội, có một sự quan tâm mới đối với Kinh Thánh, trong phụng vụ và trong đời sống thiêng liêng của cá nhân.

– Các Giáo hội Công giáo phương Đông được khuyến khích quay trở lại với truyền thống, chấm dứt thời kỳ Latinh hoá, coi trọng sự đa dạng trong Giáo hội phổ quát.

– Đại kết phát triển mạnh mẽ, trong cuộc đối thoại chính thức giữa Công giáo và các Giáo hội Kitô khác, và trong các cuộc gặp gỡ cầu nguyện và hiệp thông ở cấp địa phương.

– Sau công đồng, đã có sự nhìn nhận những người không phải Kitô hữu cũng có thể được cứu độ, cuộc đối thoại với các tôn giáo khác cũng bắt đầu.

– Đời sống tu trì thay đổi đáng kể khi các dòng tu thông qua các quy tắc của Vatican và viết lại hiến pháp, có cái nhìn mới về các vấn đề quyền bính, cộng đoàn và căn tính.

– Công đồng đã khôi phục chức phó tế vĩnh viễn như một thừa tác vụ và cho phép những người nam đã lập gia đình được chịu chức phó tế. Ngày nay, trên khắp thế giới có hơn 29.000 phó tế vĩnh viễn.

– Công đồng dạy rằng Giáo hoàng và các giám mục tạo thành một đoàn thể duy nhất, điều này đã dẫn đến sự nhìn nhận mới đối với các giám mục và các hội đồng giám mục. Thượng Hội đồng Giám mục được thành lập để họp thường xuyên và cố vấn cho Giáo hoàng.

– Thần học được hồi sinh, đặc biệt là thần học luân lý, ngày càng tập trung vào các nguồn Kinh Thánh và lương tâm cá nhân, và ít tập trung vào luật hoặc quyền bính của Giáo hội.

– Công đồng nhấn mạnh sự liên đới của Giáo hội với nhân loại thay vì tách biệt khỏi thế giới thế tục, và điều này dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động xã hội và bác ái. Các vị lãnh đạo Giáo hội thường xuyên nói về sự đồng nhất của Giáo hội với người nghèo và người đau khổ, và Giáo hoàng trở thành một người bênh vực nhân quyền mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Giáo hội đã trải qua một số thay đổi đáng lo ngại, bao gồm sự sụt giảm đáng kể các ơn gọi linh mục và tu sĩ, số tín hữu bỏ Giáo hội gia tăng. Việc tham dự Thánh lễ đã giảm ở nhiều nơi, nhiều người Công giáo không lãnh nhận bí tích sám hối, và sự bất đồng về một số giáo lý, như về kiểm soát sinh sản, đã lan rộng.

Văn Yên, SJ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-10/giao-hoi-60-cong-dong.html