19/11/2024

Nguy hại khi tự ý bổ sung canxi

Nguy hại khi tự ý bổ sung canxi

Canxi là một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên việc bổ sung cần đủ liều lượng theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe để tránh gây ra tác dụng phụ như suy thận, sỏi thận, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch…

 

 

BS-CKI. Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, canxi đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng nội môi – duy trì các hoạt động sống của con người, chẳng hạn như duy trì bộ xương, điều hòa bài tiết nội tiết tố, dẫn truyền các xung thần kinh và các hoạt động của mạch máu.

Canxi trong chế độ ăn uống được hấp thu chủ yếu ở ruột non. Qua quá trình tuần hoàn, nó phần lớn được lắng đọng vào xương. Canxi quá mức hoặc không được hấp thu sẽ được bài tiết qua nước tiểu và phân.

 

Lợi ích của việc bổ sung canxi

Vì canxi là một trong những thành phần cấu tạo nên xương, nên có vai trò bảo vệ sức khỏe của xương, cải thiện mật độ khối lượng xương (BMD), giảm tỷ lệ mắc bệnh loãng xương và gãy xương do loãng xương ở các giới tính và nhóm tuổi khác nhau.

Lượng canxi thích hợp có liên quan đến việc giảm huyết áp, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, ngăn ngừa rối loạn tăng huyết áp khi mang thai, u tuyến đại trực tràng, giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp.

 

Các tác dụng phụ tiềm ẩn của việc bổ sung canxi quá liều

– Bệnh tim mạch: Một nghiên cứu cho thấy lượng canxi bổ sung >1.000 mg/ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch ở nam giới.

– Bệnh đường tiêu hóa: Canxi cacbonat thường liên quan đến các tác dụng phụ về đường tiêu hóa, bao gồm táo bón, đầy hơi và chướng bụng.

– Sỏi thận: Khoảng 80% sỏi thận chứa canxi và phần lớn sỏi canxi chủ yếu bao gồm canxi oxalat. Những người thiếu canxi cần cân nhắc cẩn thận việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu oxalat, chẳng hạn như rau bina, sôcôla và trà.

 Bổ sung canxi quá mức (>2.500 mg/ngày) có thể làm tăng nguy cơ tăng canxi huyết, suy thận, hội chứng kiềm sữa, làm việc kém hiệu quả và giảm hấp thu các chất khoáng cần thiết khác (ví dụ: sắt, kẽm, magiê, phosphor, iod, đồng).

Nguy hại khi tự ý bổ sung canxi - ảnh 1
Việc bổ sung canxi cần phải thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ SHUTTERSTOCK

Bổ sung canxi như thế nào cho đúng?

Theo bác sĩ Hương, nhu cầu canxi (Ca) của cơ thể được xác định trong mối tương quan với phốt pho (P). Tỷ số Ca/P mong muốn tối thiểu > 0,8 ở mọi lứa tuổi, tốt nhất là 1 – 1,5 (đặc biệt đối với trẻ em)

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu khuyến nghị về canxi (mg/ngày) theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý cho người Việt Nam được đưa ra như sau.

Nhu cầu canxi ở trẻ từ 6 – 11 tháng là 400 mg/ngày; trẻ em 1 – 2 tuổi là 500 mg/ngày; 3 – 5 tuổi là 600 mg/ngày; 6 – 7 tuổi là 650 mg/ngày; 8 – 9 tuổi là 700 mg/ngày; 10 – 19 tuổi và người ≥ 70 tuổi là 1.000 mg/ngày; người trưởng thành 20 – 49 tuổi và nam giới 50 – 69 tuổi là 800 mg/ngày; nữ giới 50 – 69 tuổi là 900 mg/ngày; phụ nữ có thai là 1.200 mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 1.300 mg/ngày.

Nguy hại khi tự ý bổ sung canxi - ảnh 2
Sữa, chế phẩm sữa và các loại đậu giàu canxi  SHUTTERSTOCK

Việc bổ sung canxi từ thực phẩm có lợi hơn so với canxi dạng thuốc, thực phẩm chức năng. Sữa và chế phẩm sữa, phô mai là thực phẩm giàu canxi, sau đó là đậu hũ (calxium sulphate), hải sản, đậu các loại, mè, rau xanh…

Vitamin D3 là một yếu tố rất cần cho quá trình tổng hợp một loại protein (osteocalcin) có chức năng gắn canxi vào xương, giúp tăng khả năng hấp thu canxi từ ruột vào máu. Các chất làm giảm hấp thu canxi gồm rượu, thuốc lá, cà phê, nước trà (tanin trong trà làm giảm hấp thụ canxi ở ruột).

Bác sĩ Hương khuyến cáo việc bổ sung canxi cần phải thận trọng và tính đến tình trạng sức khỏe của từng cá nhân, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

LÊ CẦM

TNO