22/01/2025

Diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh chóng

Diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh chóng

TS Trương Văn Vinh – phó trưởng khoa lâm nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho biết hiện nay diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh chóng.

 

 

 

 

Diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh chóng - Ảnh 1.

TS Trương Văn Vinh chia sẻ tham luận trong hội thảo – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 12-10, Trường đại học Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”.

Đây là một phần trong dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng, gắn với phát triển sinh kế đến với hơn 1.500 hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng và những hộ sống trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM).

 

Cả nước còn 150.000ha

Tại hội thảo, TS Phạm Quang Tú – Ban thư ký Quỹ JIFF – cho biết rừng ngập mặn tại Việt Nam được đánh giá là một trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn đẹp và có giá trị nhất Đông Nam Á.

Hiện rừng ngập mặn là môi trường sống cho nhiều loài động thực vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học, đồng thời điều hòa khí hậu, ngăn chặn xói mòn, chắn sóng, chắn gió và có chức năng lắng đọng trầm tích mở rộng vùng đất liền.

Về kinh tế – xã hội, rừng ngập mặn là nơi cung cấp thủy hải sản, các nguyên liệu gỗ củi, dược liệu cũng như phát triển du lịch. Các lợi ích này được giới khoa học trong và ngoài nước chứng minh với các số liệu ở các quy mô và vùng sinh thái khác nhau.

TS Trương Văn Vinh – phó trưởng khoa lâm nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho biết hiện nay, diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh chóng. Ước tính, mỗi năm thế giới mất đi khoảng 2% tổng diện tích rừng, trong đó 60% nguyên nhân là do các hoạt động của con người.

Tại Việt Nam, rừng ngập mặn ước tính khoảng 400.000ha vào năm 1945. Theo TS Trương Văn Vinh, đến năm 2019 báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết tổng diện tích rừng ngập mặn của cả nước chỉ còn 150.000ha.

Phần lớn diện tích rừng ngập mặn Việt Nam tập trung ở những khu vực địa điểm phía Nam. Trong đó năm 2022, tổng diện tích rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long là 90.000ha.

 

Nên tính đến cung cấp “dịch vụ môi trường”

TS Trương Văn Vinh cho rằng trước tình hình suy giảm diện tích rừng hiện nay, yêu cầu đặt ra cho các nhà lâm nghiệp, nhà hoạch định chính sách là làm sao để rừng ngập mặn có thể cung cấp “dịch vụ môi trường”, chẳng hạn bao gồm các dịch vụ khai thác khả năng của rừng như bảo vệ đất, điều tiết duy trì nguồn nước, giảm phát thải cacbon…

Ông Vinh phân tích hiện nhiều bên đang hưởng lợi những dịch vụ hoàn toàn miễn phí, nhưng các cơ quan chức năng có thể biến những “dịch vụ môi trường” thành “hàng hóa đặc biệt” có sự điều tiết của Nhà nước.

“Thách thức lớn nhất là làm sao để lợi ích của rừng và rừng ngập mặn nói riêng không còn là lợi ích công cộng mà ai cũng được thụ hưởng miễn phí. Hay nói cách khác, làm sao để buộc người hưởng lợi từ các lợi ích của rừng phải trả tiền”, ông Vinh nói.

Tương tự, TS Võ Trung Tín – khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM – cho rằng chi trả “dịch vụ hệ sinh thái” hay còn gọi chi trả “dịch vụ môi trường” là một công cụ kinh tế, tác động vào lợi ích của những chủ thể được hưởng lợi từ các dịch vụ môi trường. Họ buộc phải chi trả một khoản tiền cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái.

 

Đảm bảo lợi ích của người cung cấp dịch vụ môi trường

TS Võ Trung Tín phân tích tại Việt Nam, ban đầu các nhà làm luật không tiến hành chi trả tất cả dịch vụ môi trường, mà chỉ chọn dịch vụ môi trường rừng để xây dựng và thí điểm.

Trong đó, nguyên tắc cơ bản của chi trả dịch vụ môi trường rừng là đảm bảo lợi ích cho người cung cấp dịch vụ môi trường, ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng, thông qua việc nhận được bồi hoàn cho chi phí của việc cung cấp những dịch vụ ấy.

Theo ông Tín, khi các chính sách và pháp luật về dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam từng bước hoàn thiện, góp phần to lớn trong việc đảm bảo thực thi pháp luật về lâm nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

TRỌNG NHÂN
TTO