23/01/2025

Chuyên gia: Tuổi nào thực sự cần uống thuốc bổ, nên uống những gì?

Chuyên gia: Tuổi nào thực sự cần uống thuốc bổ, nên uống những gì?

Nhiều người tự ý uống thuốc bổ vì nghĩ rằng nó tốt cho sức khỏe. Nhưng thực tế không phải ai cũng cần uống thuốc bổ.

 

 

Tiến sĩ Lauri Wright, chuyên gia dinh dưỡng, người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn uống của Mỹ, cho biết cách tốt nhất là ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh.

 

Tuổi nào thực sự cần uống thuốc bổ, tại sao?

Tiến sĩ Wright cho biết, hầu hết nhu cầu về dinh dưỡng có thể được đáp ứng bằng thực phẩm. Nhưng khi người ta già đi, do ăn uống hạn chế và không nhận được các vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua thực phẩm, bác sĩ có thể đề nghị uống thực phẩm bổ sung, theo chuyên trang sức khỏe WebMD.

Cơ thể trải qua một số thay đổi khi già đi – có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.

Ví dụ, dạ dày tạo ra ít axit hơn, từ đó có thể làm giảm sự hấp thụ các vi chất dinh dưỡng như vitamin B6 và B12, sắt và canxi.

Vì lý do này, người trên 50 tuổi có thể cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng này hơn, theo Healthline.

Chuyên gia: Tuổi nào thực sự cần uống thuốc bổ, nên uống những gì? - ảnh 1

 

 Người trên 50 tuổi có thể cần bổ sung một số vitamin và khoáng chất nhất định  SHUTTERSTOCK

Nhiều người lớn tuổi cũng bị giảm khối lượng xương, nên nhu cầu canxi và vitamin D cao hơn, đặc biệt là người trên 70 tuổi.

Vì nhiều người giảm cảm giác thèm ăn khi lớn tuổi nên khó đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline.

Vì những lý do trên, người trên 50 tuổi có thể cần bổ sung một số vitamin và khoáng chất nhất định.

 

Khuyến nghị về vitamin và khoáng chất cho người trên 50 tuổi

Người trên 50 tuổi có thể cần nhiều các chất sau:

 

Canxi

Cơ thể cần canxi để giữ cho xương chắc khỏe. Khi già đi, khối lượng xương bị mất đi, có thể dẫn đến gãy xương. Tiến sĩ Wright nói: “Mất xương tăng nhanh trong độ tuổi 50, đặc biệt là ở phụ nữ”, theo WebMD.

Có thể bổ sung canxi từ các loại thực phẩm như sữa, cá và các loại rau lá sẫm màu. Nếu không ăn đủ thực phẩm giàu canxi, có thể cần bổ sung canxi và vitamin D vì vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi.

 

Vitamin D

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 15-30 phút khoảng 2 lần một tuần, cơ thể có thể tạo đủ vitamin D. Nhưng khi già đi, cơ thể khó hấp thụ vitamin D hơn qua ánh sáng mặt trời.

Nếu không muốn dùng chất bổ sung, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D như sữa tăng cường, ngũ cốc tăng cường và cá béo.

 

Vitamin B12

Tiến sĩ Wright nói: Một loại vitamin mà cơ thể cần khi già đi là vitamin B12. Do axit trong dạ dày – cần thiết để cơ thể hấp thụ vitamin B12 từ thức ăn – giảm theo tuổi tác. Cơ thể cần vitamin B12 để giữ cho các tế bào hồng cầu và dây thần kinh khỏe mạnh và ngăn ngừa thiếu máu.

Nếu muốn tăng cường vitamin B12 trong chế độ ăn uống, hãy thử các loại thực phẩm như thịt và ngũ cốc tăng cường, theo WebMD.

 

Vitamin B6

Vitamin này cần thiết để hình thành các tế bào hồng cầu. Nó được tìm thấy trong khoai tây, chuối, ức gà và ngũ cốc tăng cường, theo trang web của Viện Y tế Quốc gia Mỹ NIH.

 

Axit béo omega-3

Axit béo omega-3 là một loại chất béo có lợi cho tim, có khả năng chống viêm.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng omega-3 có thể làm chậm sự suy giảm sức khỏe não bộ và chống lại bệnh Alzheimer.

Hơn nữa, omega-3 có thể làm giảm các triệu chứng của viêm xương khớp và ngăn ngừa bệnh tim.

Omega-3 có nhiều trong cá béo, hoặc có thể bổ sung dầu cá, theo Healthline.

Chuyên gia: Tuổi nào thực sự cần uống thuốc bổ, nên uống những gì? - ảnh 2
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 15-30 phút khoảng 2 lần một tuần, cơ thể có thể tạo đủ vitamin D. Nhưng khi già đi, cơ thể khó hấp thụ vitamin D hơn qua ánh sáng mặt trời

SHUTTERSTOCK

Các chất chống oxy hoá

Các chất chống oxy hóa như beta-carotene, selen, vitamin C và vitamin E có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật. Bạn có thể nhận được chúng bằng cách ăn các loại thực phẩm như trái cây, rau, hải sản, các loại hạt và hạt.

Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung chất chống oxy hóa không có tác dụng chống lại các bệnh mạn tính như bệnh tim hoặc tiểu đường. Tốt nhất nên bổ sung chất chống oxy hóa thông qua thực phẩm ăn vào.

Beta-carotene: Có trong trái cây và rau quả có màu xanh đậm hoặc màu cam đậm

Selen: Trong hải sản, gan, thịt và ngũ cốc

Vitamin C: Trong trái cây họ cam quýt, ớt, cà chua và quả mọng

Vitamin E: Trong các loại hạt và hạt mè và dầu hạt cải, ô liu và dầu đậu phộng, theo NIH.

 

Bạch quả

Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm, một số nghiên cứu cho thấy ginkgo biloba có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức và giảm các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ và bệnh Alzheimer, theo Healthline.

 

Điều quan trọng cần lưu ý

Không phải ai cũng cần bổ sung, và một số sản phẩm có thể gây hại cho những người đang dùng thuốc hoặc mắc một số bệnh. Điều quan trọng là mua các sản phẩm chất lượng cao từ các thương hiệu có uy tín và chỉ sử dụng các chất bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ, theo Healthline.

THIÊN LAN

TNO