18/11/2024

Sri Lanka: Giáo hội và nhà nước đối thoại giữa khủng hoảng kinh tế và chính trị

Sri Lanka: Giáo hội và nhà nước đối thoại giữa khủng hoảng kinh tế và chính trị

Sri Lanka – Ngày 02/10/2022 Đức cha Harold Anthony Perera, Giám mục Kurunegala và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, đã có cuộc gặp gỡ và đối thoại với Tổng thống Sri Lanka về các vấn đề chính hiện nay của đất nước vốn đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.

2022.10.03 vescovo dello Sri Lanka, il presidente

Trọng tâm của cuộc đối thoại giữa chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka và Tổng thống là các vấn đề: Mối quan tâm của cộng đồng Kitô giáo, cách đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, sự đóng góp của các cộng đồng tôn giáo cho lợi ích chung, chân lý và công bình.

Sau cuộc gặp gỡ, Tổng thống và Đức cha Anthony Perera cho biết “cuộc thảo luận đã đạt được nhiều hiệu quả”, vì lợi ích quốc gia và người dân Sri Lanka, quốc gia đang trải qua giai đoạn rất khó khăn trong lịch sử do cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, cũng như sự thiếu hụt các nhu cầu thiết yếu cơ bản.

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo và Tổng thống Wickremesinghe, người đã đảm nhận chức vụ tổng thống của Sri Lanka vào ngày 21 tháng 7, tại thời điểm đất nước đang đầy biến động.

Sau khi các cuộc phản đối và biểu tình chống chính phủ Sri Lanka, từ mùa xuân năm 2022, làm rung chuyển đất nước trong nhiều tháng lắng xuống, thì tại nước này lại xảy ra các vấn đề về kinh tế, lạm phát và tình trạng thiếu nhiên liệu, thuốc men, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu khác tăng chóng mặt, khủng hoảng tài chính của đất nước vẫn chưa được giải quyết.

Ông Karu Jayasuriya, cựu chủ tịch Quốc hội, nói rằng, ngày nay, những người Sri Lanka có điều kiện về tài chính và chuyên môn đang rời khỏi đất nước: hiện đã có hơn 500 bác sĩ rời khỏi đất nước trong 8 tháng qua, điều tương tự cũng xảy ra với các kỹ sư. “Chúng ta đang mất nguồn nhân lực cho tương lai của đất nước.”

Giáo hội Công giáo cũng đã chỉ ra sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế và lưu ý rằng các tầng lớp trung lưu đang trở nên nghèo hơn từng ngày, người dân không được tiếp cận với thực phẩm và phải gắng sức để sinh tồn.

Về “chân lý và công bình”, chủ đề luôn được Giáo hội Công giáo Sri Lanka lên tiếng, hiện nay đã có một bước tiến trong việc điều tra về các vụ thảm sát vào ngày Lễ Phục Sinh năm 2019: trong những ngày gần đây, một toà án ở Colombo đã đưa cựu Tổng thống Maithripala Sirisena vào sổ “nghi phạm”. Cựu nguyên thủ quốc gia sẽ phải ra hầu toà và sẽ bị thẩm vấn vào ngày 14 tháng 10.

Văn Cương, SJ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-10/sri-lanka-giao-hoi-va-nha-nuoc-doi-thoai-giua-khung-hoang-kinhte.html