23/01/2025

Số ca mắc COVID-19 giảm sâu, có cần tiếp tục đeo khẩu trang, khử khuẩn…?

Số ca mắc COVID-19 giảm sâu, có cần tiếp tục đeo khẩu trang, khử khuẩn…?

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam những ngày gần đây đã giảm sâu. Vậy các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn, tiêm vắc xin… có thực sự cần thiết?

Số ca mắc COVID-19 giảm sâu, có cần tiếp tục đeo khẩu trang, khử khuẩn...? - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM đi dạo tại hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyển ưu tiên phòng sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca COVID-19 trên cả nước những ngày gần đây đã giảm sâu. Nếu như cách đây khoảng 1 tháng cả nước duy trì mức 2.000 đến trên 3.000 ca mỗi ngày, thì hiện nay còn 30-50% (dưới 1.000 ca, ngày 3-10 là 796 ca, ngày 2-10 là 490 ca…).

Số liệu thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho thấy hiện cả nước đang có 9.160 người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà, 13 người đang điều trị tại khu cách ly, 2.136 người đang điều trị tại bệnh viện (trong đó có 43 bệnh nhân thở máy xâm lấn, 4 bệnh nhân phải lọc máu, 4 bệnh nhân dùng ECMO).

Riêng tại TP.HCM, trong buổi họp giao ban ngày 3-10, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP – cũng cho hay số ca mắc COVID-19 mới những ngày gần đây tại TP đã giảm nhiều.

Theo ông Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ nhiều biện pháp phòng dịch, như Mỹ thì không bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tại Việt Nam, ông Nga cho rằng nên chuyển dịch bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

“Ca mắc COVID-19 đã giữ mức ổn định, tỉ lệ tiêm vắc xin, miễn dịch trong cộng đồng hiện giờ rất cao. Bản thân mỗi cá nhân cũng đã biết cách phòng bệnh, ứng xử với dịch tốt, không còn hoảng loạn như trước.

Điều này cho thấy mối đe dọa của dịch bệnh không còn lớn. Thay vào đó chúng ta nên ưu tiên phòng chống bệnh sốt xuất huyết, dịch do vi rút adeno, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ”, ông Nga nói.

Với một số địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 còn thấp so với mức chung của các nước, theo ông Huy Nga, điều này không đáng lo ngại khi tỉ lệ của cả nước cao, bên cạnh còn có một tỉ lệ người đã có kháng thể phòng bệnh tự nhiên do đã nhiễm COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 giảm sâu, có cần tiếp tục đeo khẩu trang, khử khuẩn...? - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin vẫn là một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất hiện nay – Ảnh: THU HIẾN

Chuyển từ bắt buộc sang khuyến khích?

PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược (TP.HCM) – cho biết mới đây tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định hiện dịch COVID-19 được ví như ánh sáng cuối đường hầm.

Tuy nhiên, trên thế giới dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, do vậy cần tiếp tục thực hiện biện pháp chống dịch, đặc biệt là khuyến khích người dân tiêm chủng đúng lịch khi có chỉ định, tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đeo khẩu trang…

“Hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tránh nguy cơ bùng dịch. Tại Việt Nam đối với những biện pháp chống dịch không có hại như đeo khẩu trang, chúng ta vẫn nên tiếp tục thực hiện, nhưng thay vì bắt buộc chúng ta nên chuyển qua khuyến khích”, PGS Dũng chia sẻ.

Theo PGS Dũng, hiện nay chủng vi rút chiếm phần lớn tại Việt Nam vẫn là BA.4 và BA.5. Nhận định về khả năng xuất hiện biến chủng mới, PGS Dũng cho rằng nguy cơ xuất hiện chủng mới trong thời gian sắp tới sẽ không cao vì tất cả tỉ lệ nhiễm trên thế giới đều giảm.

Từ tháng 9-2022, WHO nhận định lần đầu tiên số ca mắc COVID-19 thấp hơn so với tháng 1 và tháng 2-2020, dịch đã gần kiểm soát được.

Số ca nhiễm thấp đồng nghĩa với việc xuất hiện biến chủng mới rất thấp, chỉ 1-2%. Ở một số quốc gia khác nếu tỉ lệ nhiễm tăng đột biến, khả năng nhiễm biến chủng mới sẽ cao. Biện pháp chống dịch của chúng ta hiện nay khá linh hoạt so với nhiều quốc gia.

 

X.MAI – TH.HIẾN
TTO