23/12/2024

Ca tử vong vì sốt xuất huyết ở TP.HCM cao nhất 10 năm qua

Ca tử vong vì sốt xuất huyết ở TP.HCM cao nhất 10 năm qua

Nếu tính liên tục 10 năm qua thì năm 2022 là năm đầu tiên TP.HCM ghi nhận 25 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Hiện đợt dịch này chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.

Ca tử vong vì sốt xuất huyết ở TP.HCM cao nhất 10 năm qua - Ảnh 1.

Lấy máu bệnh nhi mắc sốt xuất huyết để xét nghiệm – Ảnh: XUÂN MAI

Tại cuộc họp giao ban ngày 3-10, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết đang tăng cường hoạt động phòng chống sốt xuất huyết và kéo giảm số trường hợp tử vong. Đây là một trong tám hoạt động trọng tâm của ngành y tế trong quý 4 năm 2022.

Qua theo dõi, số ca mắc sốt xuất huyết những ngày qua có giảm, tuy nhiên trong tuần vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 25 ca.

“25 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết tính từ đầu năm là quá nhiều. Nếu tính liên tục 10 năm thì chưa có năm nào ghi nhận 25 ca tử vong, mặc dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu đi xuống, mà còn tăng nữa”, ông Thượng lo lắng.

Ông Thượng cũng cho biết công tác phòng chống sốt xuất huyết được ngành y tế ưu tiên hàng đầu, bên cạnh kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh mới nổi (bệnh đậu mùa khỉ), đẩy nhanh độ bao phủ tỉ lệ người tiêm vắc xin COVID-19 và chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn.

Sở Y tế cũng sẽ gặp gỡ các bác sĩ, chuyên gia để bàn phương án nhằm kéo giảm số ca tử vong do sốt xuất huyết.

Bác sĩ Phạm Văn Quang, trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), lưu ý bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi đến trẻ lớn và người lớn. Do đó người dân luôn cảnh giác với bệnh vì có nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong nếu lơ là, chủ quan.

Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue là trẻ sốt cao liên tục 2 – 7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi.

Bất kỳ trẻ nào sốt từ 2 – 3 ngày trở lên cần được nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết Dengue và nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

“Khi trẻ hết sốt vào ngày thứ 4 – thứ 6 thì càng phải theo dõi sát hơn vì đây là giai đoạn bệnh có thể trở nặng. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng bao gồm: trẻ lừ đừ, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, tiểu ít, than mệt, nôn ra máu, tiêu phân đen sệt…”, bác sĩ Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết các năm 2020 – 2021, tình hình dịch sốt xuất huyết giảm hơn so với những năm trước đó, do thực hiện giãn cách xã hội và các công tác phòng chống dịch COVID-19 như tuyên truyền 5K, chích ngừa…

Tuy nhiên, năm 2022 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao so với hai năm trước, trong đó số ca sốt xuất huyết nhập viện và số ca nặng cũng tăng cao.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, mỗi người cần: ngăn muỗi tiếp xúc nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được; sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi (thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng).

Dùng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi, không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước, thường xuyên làm sạch vật chứa nước, thay đổi hình thức trữ nước (dùng trực tiếp từ vòi nước)…

XUÂN MAI
TTO