22/01/2025

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa

Quýt nhà ai chín đỏ cây/ Hỡi em đi học hây hây má hồng; Thôn xóm đã lên đèn/Cơm chín thơm làn gió… Những trang sách giáo khoa xưa với những vần thơ giản dị, hình ảnh minh họa dung dị khiến người ta bồi hồi.

 

Những tấm vé trở lại tuổi thơ

Anh Lê Hải Đoàn, 32 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, rất mê sách. Anh có cả một thư viện riêng tại quê nhà ở Hải Phòng với đủ thể loại sách, báo, sách gập, sách của Liên Xô (cũ) và đặc biệt trong “gia tài” này là đủ bộ sưu tập sách giáo khoa cũ qua các thời kỳ. Anh cũng là quản trị của Fanpage “Sách đẹp”, lưu trữ hình ảnh các trang sách giáo khoa các thời kỳ đã được scan lại, để những phụ huynh ở khắp mọi miền đất nước đều có thể trở về ký ức tuổi thơ qua mỗi cú “click” chuột.

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa - ảnh 1
Hai cuốn sách tiêu biểu những năm 1980, nhiều trang sách trong 2 cuốn này vẫn được tìm đọc  LÊ HẢI ĐOÀN

Người ta có thể bồi hồi xao xuyến khi mở tới trang sách giáo khoa tập đọc có bài Cái trống trường em. Rồi trang sách giáo khoa có bài Quyển vở của em với hình minh họa màu xanh lam “Quyển vở này mở ra/ Bao nhiêu trang giấy trắng/ Từng dòng kẻ ngay ngắn/ Như chúng em xếp hàng…”.

Cho đến tận bây giờ, rất nhiều phụ huynh thế hệ 8X, 9X đời đầu vẫn thấy tim mình rung rinh khi nhìn lại trang sách Cây xoài của ông em, minh họa một mái nhà lá, cây xoài trĩu quả và bé gái ngước nhìn lên vòm lá.

Anh Lê Hải Đoàn viết trong bài “Trưng bày những cuốn sách giáo khoa từ năm 2002 trở về trước” trên trang cá nhân của mình: “Mấy ai khi nhìn lại những cuốn sách giáo khoa dưới đây lại không một lần muốn đọc ngấu nghiến. Xin một lần nữa phát miễn phí những tấm vé trở lại tuổi thơ cho các anh chị và các bạn 8X – 9X đời đầu. Và lại xin ‘lấy’ của mọi người thêm mấy phút để cùng bồi hồi, xao xuyến khi gặp lại cố nhân”.

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa - ảnh 2
Hình ảnh minh họa dung dị trong sách giáo khoa cũ LÊ HẢI ĐOÀN

Mỗi trang sách, mỗi kỷ niệm

Chị Phùng Thị Diễm, 44 tuổi, kinh doanh ở P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ, Hà Nội, một người yêu những cuốn sách giáo khoa cũ, chia sẻ với người viết chị có tình yêu đặc biệt dành cho những cuốn sách cũ, đặc biệt là sách tập đọc lớp 1, lớp 2. Khi có thời gian, chị lại tới Thư viện quốc gia để tìm thêm tư liệu đọc.

Với chị, mỗi bài thơ, đoạn văn xuôi trong sách giáo khoa cũ đều gợi mở những kỷ niệm bồi hồi. “Ví dụ như mỗi khi nghe những câu thơ ‘Mẹ mẹ ơi cô dạy/Phải giữ sạch đôi tay/ Bàn tay mà giây bẩn/ Sách áo cũng bẩn ngay’ tôi luôn nhớ tới mẹ của mình, mẹ nhắc nhở chúng tôi khi con gái mới dùng bút mực”, chị Diễm chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Ngọc Di Yên, 25 tuổi, vẫn thuộc lòng bài thơ Cô giáo lớp em để dạy học cho các cháu của mình. Di Yên cho hay đã qua thời đi học lớp 1, lớp 2 được 18 năm, nhưng bây giờ khi mở trang sách giáo khoa cũ, xem hình minh họa cùng những dòng thơ tuyệt đẹp “Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/ Xem chúng em học bài” là cả một trời ký ức ùa về.

Trong khi đó anh Nguyễn Hải Hưng, 39 tuổi, Giám đốc dịch vụ Công ty TNHH Toyota Cẩm Phả, Quảng Ninh thì rất nhớ trang sách có bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão. “Bài tập đọc này cho tới tận bây giờ tôi vẫn đọc thuộc. Mỗi dòng đều giúp tôi nhớ về mẹ, người luôn tần tảo ngược xuôi vì lo cho cả gia đình”, anh Hưng chia sẻ.

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa - ảnh 3
Những vần thơ giản dị khiến người đọc bồi hồi  LÊ HẢI ĐOÀN

Vì sao sách cũ vẫn luôn “mới”?

Anh Lê Hải Đoàn cho hay Fanpage Sách đẹp – nơi anh cất giữ những trang sách giáo khoa cũ qua các thời kỳ – đến nay đã có hơn 98.000 người theo dõi. Những người thường xuyên bình luận về các trang sách xưa cũ là đông đảo phụ huynh thế hệ 7X, 8X, 9X đời đầu, ở khắp các địa phương trong cả nước.

Một trong những “fan” thích sách giáo khoa xưa chính là mẹ của anh Hải Đoàn, bà từng reo lên khi thấy con trai cầm cuốn sách tập đọc những năm 1970 “đây chính là cuốn mẹ học ngày xưa!” và bà say sưa lật mở những trang sách khác, tìm về kỷ niệm ngày ấu thơ.

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa - ảnh 4
Những trang sách giáo khoa cũ làm bồi hồi bao người LÊ HẢI ĐOÀN

Anh Lê Hải Đoàn cho biết thêm các phụ huynh thường theo dõi những trang sách xưa cũ và chia sẻ các cảm nghĩ, so sánh về sách giáo khoa cũ, mới. Phần đông mọi người cho rằng sách mới nặng với trẻ em, phụ huynh cũng khó dạy con hơn. Mọi người cũng đề cao tính giáo dục trong sách giáo khoa cũ dù có nhiều hình ảnh, sự kiện không còn phổ thông nhiều hiện nay như máy cày, các nông cụ. “Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng việc cải cách sách giáo khoa là tất yếu. Vì phụ huynh đang nhìn nhận theo suy nghĩ, cảm xúc của mình thay vì của con trẻ”, người sưu tập sách giáo khoa qua các thời kỳ chia sẻ.

Rưng rưng lật mở trang sách giáo khoa cũ ngày xưa - ảnh 5
Sách giáo khoa cũ cho đến nay vẫn tạo cảm xúc mới mẻ, đủ sức làm bồi hồi bao người LÊ HẢI ĐOÀN

Lý giải vì sao sách giáo khoa cũ từ những thập niên 70 cho đến nay vẫn tạo cảm xúc mới mẻ, đủ sức làm bồi hồi bao người, anh Lê Hải Đoàn cho rằng “một phần sách do các nhà văn, nhà thơ biên soạn có tâm, mục đích là dùng cho thời gian dài, chính vì thế cân nhắc rất kỹ trong việc lựa chọn các chi tiết. Mỗi bài học đều được lồng ghép tình yêu quê hương, dân tộc, gia đình. Từng giai đoạn sẽ có những định hướng rõ rệt nên người đọc thấy rất gần gũi. Khi thì cổ vũ tinh thần yêu nước, thập niên 80 sách miêu tả tinh thần hăng say lao động của hợp tác xã còn thập niên 90 có nhiều hình ảnh cho công cuộc đổi mới…”.

Đặc biệt theo anh Lê Hải Đoàn, sách giáo khoa cũ rèn luyện cho trẻ em tính tiết kiệm, không lãng phí, biết trân quý sách, giữ gìn cho các em sau mình cũng được học…

 

THUÝ HẰNG

TNO