23/01/2025

Phải làm gì khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Phải làm gì khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Khi nghi ngờ có triệu chứng đậu mùa khỉ, người bệnh nên báo cho nhân viên y tế để được lấy mẫu xét nghiệm, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc người khác…

 

 

Dấu hiệu nào nhận biết nghi ngờ mắc bệnh?

Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố vừa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên và đang phối hợp các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh.

Ngày 3.10, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, cho biết 3 đặc điểm đặc trưng của người nghi nhiễm đậu mùa khỉ là sốt, đau nhức đầu kèm nổi ban. Các ban này sẽ bắt đầu lan từ trong thân mình ra ngoài chi, lúc đầu khi nổi ở thân mình người bệnh sẽ ít chú ý, sau khi lan ra các chi, sẽ nổi hồng ban mụn nước nhiều hơn, các mụn nước này thường dưới 0,5 cm và dễ tạo thành sẹo xấu.

Đây cũng là 3 trong số các dấu hiệu mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) hướng dẫn người dân theo dõi để nhận biết trường hợp nghi nhiễm. Các dấu hiệu như có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…) và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu; Sốt trên 38,5°C; Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; Mệt mỏi.

Đồng thời người bệnh thường có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

Phải làm gì khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ? - ảnh 1
Các ban thường xuất hiện bắt đầu từ trong thân ra ngoài các chi  SHUTTERSTOCK

Nên làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh?

“Khi có 3 dấu hiệu đặc trưng trên kèm yếu tố như đi từ nước ngoài về hoặc tiếp xúc ca bệnh thì nên báo nhân viên y tế, trạm y tế… để được lấy mẫu phết mũi họng, cách ly và điều trị kịp thời”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Ngoài ra, HCDC hướng dẫn khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc nếu cần thiết. Không ăn uống chung, ngủ chung bao gồm cả quan hệ tình dục với người khác. Sử dụng riêng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Thông báo cho những người tiếp xúc gần biết để tự theo dõi sức khỏe và liên hệ cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

 

Xác định mắc bệnh bằng cách nào?

Theo HCDC, để xác định một trường hợp bệnh, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại các tổn thương trên da. Trường hợp bệnh xác định khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gien.

Nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh thì sẽ thực hiện cách ly tối thiểu 14 ngày và phải hết các triệu chứng bệnh (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các sang thương đã đóng vẩy khô).

LÊ CẦM

TNO