23/01/2025

3 ‘chìa khoá vàng’ giữ bộ não luôn khỏe mạnh khi về già

3 ‘chìa khoá vàng’ giữ bộ não luôn khoẻ mạnh khi về già

Khi tuổi càng cao, sức khoẻ tổng thể và hoạt động não bộ cũng trở nên kém hơn. Nhưng chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hoá và giữ não bộ hoạt động tốt nhờ duy trì 3 thói quen tốt.

3 chìa khóa vàng giữ bộ não luôn khỏe mạnh khi về già - Ảnh 1.

Tập thể dục, giữ các mối quan hệ tốt và theo đuổi niềm đam mê trong suốt cuộc đời sẽ giúp phát triển và duy trì các cấu trúc cơ bản của não khi chúng ta già đi – Ảnh: iStock

Theo các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), chìa khóa hệ thống thần kinh của chúng ta là chất xám và chất trắng.

Chất xám được tạo thành từ các tế bào thần kinh và đuôi gai, chất trắng có tác dụng tạo tiếp xúc giữa các tế bào và góp phần vào tốc độ truyền và phân phối tín hiệu. Nếu một người có thể giữ cho chất trắng và chất xám của họ được “giữ nguyên hình dạng” thì khả năng nhận thức, kỹ năng tư duy và trí nhớ cũng sẽ hoạt động trơn tru.

Có vô số nghiên cứu cả khoa học, tâm lý, sức khỏe từng đưa ra kết quả chi tiết và phương án ngăn ngừa suy giảm nhận thức khi tuổi ngày càng lớn. Tựu trung, theo các chuyên gia thì có 3 yếu tố then chốt:

 

Giữ cuộc sống với nhiều hoạt động thể chất tốt

Dành cả ngày trên ghế dài không có lợi cho cơ thể, khiến bản thân trở nên trì trệ, thiếu năng động, dễ bị béo phì, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan khác.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất điều độ theo thể trạng mỗi người không chỉ tác động tốt đến vóc dáng, sức khỏe chung mà còn là chìa khóa cho sức khỏe não bộ.

Một lối sống năng động giúp phát triển hệ thần kinh trung ương và chống lại sự lão hóa của não.

Mỗi chúng ta nên cố gắng hết sức để vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng cách đi bộ, đạp xe hoặc chơi thể thao. Nếu bạn làm công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, hãy đứng dậy vận động vài phút sau mỗi giờ làm việc.

 

Duy trì các hoạt động xã hội

Hoạt động xã hội không hoàn toàn có nghĩa là phải đến tham gia một sự kiện có đông người. Đó đôi khi đơn giản là sự kết nối với một nhóm bạn nhỏ.

Một số người trong chúng ta có tính “hướng ngoại”, thích các hoạt động xã hội cao hơn những người khác, nhưng ngay cả khi bạn là người “hướng nội” và chỉ thích một đêm yên tĩnh hơn, hãy cố gắng giữ liên lạc với những người quan trọng với bạn. Bộ não của chúng ta phát triển mạnh nhờ các tương tác và kết nối xã hội.

Mối quan hệ tốt đẹp với người thân và bạn bè sẽ góp phần vào một số yếu tố sinh học phức tạp có thể ngăn cản não bộ hoạt động chậm lại.

 

Tiếp tục học hỏi và giữ niềm đam mê

Giống như việc tập luyện giúp giữ vóc dáng và cơ bắp săn chắc, việc học tập hoặc theo đuổi sở thích sẽ thúc đẩy duy trì não luôn hoạt động tốt, cho dù tuổi tác ngày một cao hơn.

Cân nhắc tham gia một sở thích mới hoặc học một kỹ năng mới. Tuy nhiên, có lẽ quan trọng nhất là đừng ép buộc; tìm thứ gì đó mà bạn thực sự đam mê. Không bao giờ là quá muộn trong cuộc đời để học một điều gì đó mới.

Niềm đam mê hoặc hứng thú mãnh liệt với một điều gì đó có thể là yếu tố quyết định, thúc đẩy chúng ta học hỏi những điều mới. Theo thời gian, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển và duy trì các mạng nơ ron thần kinh của chúng ta.

Nói chung, các tác giả nghiên cứu nói rằng phần lớn lời khuyên của họ có thể được tóm tắt bằng câu nói cũ: “Hãy sử dụng nó hoặc mất nó”.

Bộ não của chúng ta là những cỗ máy đáng kinh ngạc, nhưng cũng giống như bất kỳ cơ quan (hoặc thiết bị máy móc) nào khác, chúng sẽ bắt đầu hỏng dần nếu không hoạt động quá lâu.

MINH HẢI (Theo Studyfinds)
TTO