Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng – dưới 5 tuổi có khả thi?
Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng – dưới 5 tuổi có khả thi?
Trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nhiều địa phương còn thấp, mới đây, Bộ Y tế lại có kế hoạch chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.
Liệu kế hoạch này có số lượng phụ huynh đồng thuận như mong đợi?
Tính đến sáng 29-9, các địa phương chỉ còn một ngày để rà soát, thống kê số trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 khi đủ điều kiện và cơ sở khoa học theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Phụ huynh e ngại, thấy không cần thiết
Nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội khi nghe thông tin về việc rà soát tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi không khỏi e ngại với nhiều thắc mắc, băn khoăn đặt ra.
Có hai con nhỏ 13 tháng tuổi và 8 tuổi, chị D.P.A. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ gia đình không có ý định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho hai con nếu sắp tới Bộ Y tế triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi. “Bởi vì tôi thấy điều này không cần thiết”, chị A. thắc mắc.
Tương tự, gia đình chị T.A.T. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng trẻ nhỏ vài tháng tuổi cũng chỉ ở nhà với người lớn, khi người lớn an toàn thì trẻ cũng an toàn nên không nhất thiết phải tiêm thêm vắc xin phòng COVID-19.
“Trẻ quá nhỏ thì không biết có gặp nhiều tác dụng phụ sau tiêm không? Tác dụng phụ ở trẻ nhỏ có nặng hơn trẻ lớn? Tôi thấy rất ít thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở độ tuổi này nên có lẽ không đồng ý cho con tiêm”, chị T. băn khoăn.
Chị T.H. (Hà Nội) cho rằng hiện nay thông tin về loại vắc xin sẽ tiêm cho độ tuổi này còn chưa rõ ràng, nhiều quốc gia cũng chưa tổ chức tiêm cho đối tượng này.
“Bé nhà tôi được 17 tháng, bình thường con tiêm các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có những phản ứng như sưng đau chỗ tiêm, sốt, kém ăn… Bản thân tôi khi tiêm vắc xin COVID-19 cũng sốt cao, mệt mỏi. Tôi khá lo lắng nếu tiêm vắc xin COVID-19 cho con. Nếu tổ chức tiêm cho trẻ ở độ tuổi này, tôi sẽ chưa cho con tiêm vội”, chị H. thẳng thắn chia sẻ.
Tương tự, anh B.V.T. (Hà Nội) cũng không đồng ý tiêm phòng COVID-19 cho con. “Khi bé 6 tháng đã mắc COVID-19, triệu chứng chủ yếu là sốt và đi ngoài. Sau hai ngày trẻ gần như hồi phục, triệu chứng khá nhẹ nhàng. Hơn nữa hiện dịch cũng đã ổn định, bởi vậy tôi nghĩ việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho con cũng không quá cần thiết”, anh T. nói.
Nên khảo sát ý kiến phụ huynh, tránh lãng phí
PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM – cho rằng việc chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi là tốt, mặc dù có thể tốn công sức.
Để kế hoạch khả thi, đạt như mong muốn thì nên ghi nhận, khảo sát ý kiến của phụ huynh là có muốn tiêm cho con cháu của mình hay không.
Các bậc cha mẹ cũng đánh giá việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em là có lợi trong phòng bệnh cho cá nhân từng trẻ, nhưng nếu trẻ không tiêm cũng không ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh chung của xã hội vì nhóm trẻ dưới 2 tuổi phần lớn ở nhà, ít tiếp xúc, nguy cơ không nhiều, nhóm lớn hơn đi học mầm non và biểu hiện khi mắc của nhóm này thời gian qua không nặng nề.
Có sao không khi trẻ còn tiêm nhiều loại vắc xin khác?
Trước lo ngại của nhiều phụ huynh về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, đặc biệt đây là lứa tuổi phải tiêm nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – khoa sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng TP) – cho rằng loại vắc xin COVID-19 được chọn tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi đã được nhà sản xuất nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, an toàn thì Bộ Y tế mới lựa chọn tiêm.
“Đúng là ở lứa tuổi này thì còn tiêm nhiều loại vắc xin phòng bệnh khác. Nếu dịch COVID-19 tăng, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm thì phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi tiêm. Còn ở thời điểm dịch COVID-19 hiện nay thì theo tôi không cần triển khai gấp”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho rằng thực tế có những loại vắc xin đã tiêm ngay sau khi trẻ chào đời như viêm gan B và nhiều loại vắc xin khác được tiêm khi trẻ mới chỉ 2, 3 và 4 tháng tuổi như vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não…
“Nhiều cha mẹ cho rằng con mình đã mắc bệnh, có miễn dịch rồi có cần tiêm vắc xin COVID-19 nữa hay không? Chúng ta đã thấy rõ nhiều người mắc COVID-19 vẫn tái nhiễm nhiều lần. Vì miễn dịch của COVID-19 không bền vững, thường suy giảm sau 4-6 tháng. Ai cũng có thể tái nhiễm nếu không bổ sung kháng thể bằng cách chủ động tiêm phòng vắc xin COVID-19”, ông Phu thông tin.
Đang xây dựng kế hoạch, nhưng chưa vội
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về tiêm chủng mở rộng chia sẻ hiện các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho nhóm 6 tháng đến dưới 5 tuổi, đồng thời đang đợi số liệu từ các địa phương gửi về. “Đây là thống kê chung, sẵn sàng trong trường hợp nếu triển khai tiêm”- vị này nói.
Tuy nhiên vị này cũng chia sẻ hiện chưa có gì cụ thể, cần nghiên cứu cách mà các nước đã làm trước khi triển khai. “Trong tình hình hiện nay tôi thấy là chưa vội vì dịch COVID-19 cũng đã giảm nhiều”- chuyên gia cho biết.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu trẻ ở lứa tuổi 6 tháng đến dưới 5 tuổi.
L.ANH
Vắc xin COVID-19 nào sử dụng để tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi?
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo các vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna đã được phép tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Với vắc xin của Moderna, trẻ sẽ được tiêm hai liều cách nhau một tháng. Một liều cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là 25 microgam (bằng một nửa liều tiêm cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và 1/4 liều cho những người từ 12 tuổi trở lên).
Vắc xin của Pfizer-BioNTech hiện được phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Trẻ sẽ được tiêm 3 microgam mỗi lần – tức 1/10 liều của người lớn. Vắc xin này sẽ được tiêm ba lần. Hai mũi đầu tiên cách nhau ba tuần và mũi thứ ba sẽ được tiêm sau đó tám tuần.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 27-9, cả nước đã tiêm hơn 16,6 triệu mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó mũi 1 là hơn 9,8 triệu (đạt 88,8%) và mũi 2 hơn 6,8 triệu (61,4%). Tiến độ này chưa đạt yêu cầu của Chính phủ trước đó (yêu cầu việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này phải hoàn thành trong tháng 8).
TP.HCM là một trong năm địa phương bị Bộ Y tế liên tục nhắc tên trong thời gian dài vì có tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 và 2 cho trẻ ở độ tuổi này thấp nhất cả nước. Trong khi đó, hơn một tháng qua, trùng với tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ thì TP này lại không còn vắc xin Moderna để tiêm cho trẻ, với vắc xin Pfizer thì chỉ còn 10 liều (theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngày 26-9).
XUÂN MAI – DƯƠNG LIỄU
Tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi ở các nước ra sao?
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khi đặt lịch hẹn hoặc đăng ký tiêm chủng, cha mẹ phải khai báo thông tin dị ứng và theo dõi tình trạng của trẻ sau tiêm.
Nếu trẻ mắc COVID-19, việc tiêm vắc xin có thể hoãn đến khoảng ba tháng kể từ khi trẻ có triệu chứng bệnh hoặc có kết quả dương tính. Nếu trẻ tiêm một liều và mắc bệnh, trẻ nên chờ hết thời gian cách ly và khỏe lại trước khi tiêm liều thứ hai. Ngoài ra, trẻ cũng có thể tiêm ngừa các loại vắc xin khác cùng ngày tiêm vắc xin COVID-19, trong đó mỗi loại vắc xin sẽ được tiêm ở vị trí khác nhau, tùy độ tuổi.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép vắc xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Vắc xin tiêm ba liều, trong đó hai liều đầu tiêm cách nhau ba đến tám tuần, liều thứ ba tiêm cách liều thứ hai ít nhất tám tuần. FDA cũng cấp phép vắc xin Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trẻ cần tiêm hai liều cách nhau từ bốn đến tám tuần.
Tháng 7 vừa qua, Canada đã phê duyệt vắc xin Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, với hai liều cách nhau ít nhất tám tuần. Vắc xin có sẵn tại các phòng khám công, phụ huynh chỉ cần đặt lịch hẹn trước. Theo khuyến nghị trên trang web của Chính phủ Canada, trẻ không nên chủng ngừa tiếp nếu có tiền sử sốc phản vệ với bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào trước đó, hoặc quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin. Giới chức Canada khuyến nghị nên tiêm vắc xin Moderna cho trẻ 14 ngày trước hoặc sau khi tiêm một loại vắc xin khác.
Tại châu Á, Singapore cho biết sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói đã có nguồn cung vắc xin Moderna cho trẻ ở độ tuổi này. Tuy nhiên, Singapore chưa có kế hoạch đưa vắc xin COVID-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia, theo báo South China Morning Post.
ANH THƯ