Sinh viên năm 2 chịu ảnh hưởng nặng vì rối loạn căng thẳng do COVID-19
Sinh viên năm 2 chịu ảnh hưởng nặng vì rối loạn căng thẳng do COVID-19
Đó là một phần trong kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khảo sát ảnh hưởng của COVID-19 đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở sinh viên.
Nghiên cứu trên cũng là một trong bốn tham luận được trình bày tại Hội thảo sức khỏe tâm thần lần thứ nhất, chủ đề “Đại dịch COVID-19: Những vấn đề đặt ra với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần”, diễn ra ngày 30-9.
TS Lê Thị Mai Liên – giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thành viên nhóm nghiên cứu – cho biết rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có thể xảy ra ở những người đã trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau buồn như thiên tai, chiến tranh, khủng bố, tai nạn nghiêm trọng hoặc những người bị đe dọa tử vong, bạo lực tình dục hoặc trải qua những thương tích nghiêm trọng.
Khi làm khảo sát gồm 22 mệnh đề mô tả 7 yếu tố là COVID-19, kinh tế, học tập, khó khăn trong các mối quan hệ, người thân nhiễm bệnh, tang chế và ảnh hưởng xã hội với 228 sinh viên đang theo học tại các trường đại học thuộc TP.HCM, nghiên cứu đã ghi nhận hơn 60% sinh viên tham gia khảo sát đang gặp các triệu chứng PTSD.
“Con số này cao hơn so với những nghiên cứu về PTSD trên các đối tượng khác tại Việt Nam”, TS Lê Thị Mai Liên cho biết.
Giải thích cho vấn đề này, TS Lê Thị Mai Liên phân tích: “Do đối tượng nghiên cứu là sinh viên đang trong độ tuổi đầu trưởng thành, đối tượng có nguy cơ cao phát triển các rối loạn tâm thần và tâm bệnh, đặc biệt là sau khi gặp phải những tình trạng gây căng thẳng”.
TS Lê Thị Mai Liên khuyến nghị các nhà trường tiến hành việc sàng lọc định kỳ để phát hiện và hỗ trợ sinh viên có khó khăn về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, trường có thể tập trung vào giáo dục tâm lý để trang bị kỹ năng ứng phó cho sinh viên.
Sinh viên cũng có thể thành lập các nhóm hỗ trợ, để các bạn cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua những tình huống khó khăn.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thể triển khai những chính sách hỗ trợ tài chính, thực phẩm cho sinh viên trong tình huống khó khăn như đại dịch, tăng cường hỗ trợ tâm lý cho sinh viên và kiểm soát những thông tin truyền thông để tránh sự lan truyền của những thông tin sai sự thật, gây hoang mang lo sợ trong cộng đồng.
Triệu chứng PTSD được ghi nhận cao nhất ở sinh viên năm 2
Theo kết quả ghi nhận tự báo cáo của sinh viên, nghiên cứu chỉ ra rằng những sinh viên năm thứ 2 là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi PTSD cao nhất.
TS Lê Thị Mai Liên thông tin: “Khi dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu, các sinh viên năm 2 đại học hiện tại đang là học sinh cuối cấp III, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và đại học nên có nhiều căng thẳng”.
“Sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, sinh viên năm 2 lại một lần nữa có nhiều nguy cơ tái trải nghiệm những sự kiện căng thẳng như thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Sinh viên năm 2 cũng có thể có những nỗi thất vọng vì cuộc sống đại học trong đại dịch không như những gì mình mong đợi”, TS Lê Thị Mai Liên cho biết thêm.