22/01/2025

Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt

Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt

Mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua khiến hơn 7.300 ngôi nhà ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị ngập sâu, nhiều tuyến đường bị chia cắt do ngập lụt và sạt lở đất.

 

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (bão Noru), 2 ngày qua tại Nghệ An đã có mưa lớn. Mưa theo từng cơn, nhưng lượng mưa quá lớn (từ 200 – 470 mm) nên đã gây ngập lụt tại nhiều xã của các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Yên Thành…

Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt - ảnh 1
Một nhóm tình nguyện viên giúp người dân ở Nghệ An di chuyển người và vật nuôi đến nơi cao QUÂN DŨNG

Chạy lũ trong đêm

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức (H.Thanh Chương), cho biết mưa lớn kéo dài, đặc biệt ở thời điểm từ 0 giờ đến khoảng 3 giờ sáng 29.9 khiến nước từ trên núi ồ ạt đổ xuống, gây ngập lụt hơn 131 hộ dân của xã. Do các hộ dân này ở vùng trũng nên nhiều nhà nước ngập đến mái. Trong đêm, các tổ tự quản ở các xóm đã báo động người dân nhanh chóng sơ tán và di chuyển đồ đạc lên các nhà ở trên cao.

“Mưa quá to và nước đổ về quá nhanh trong đêm khuya khiến bà con không kịp trở tay, một số gia đình chỉ kịp sơ tán người, không kịp di chuyển tài sản. Có gia đình có trâu, bò bị chết và tài sản chìm trong nước vì không kịp di chuyển”, ông Vĩnh nói và cho biết đợt lũ này mực nước tương đương với cơn lũ lịch sử năm 2020. Cũng theo ông Vĩnh, sau lũ người dân có nhà bị ngập sâu sẽ rất cần nhu yếu phẩm vì hầu hết lúa, gạo đã bị nước làm hư hỏng và họ cần hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả.

Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt - ảnh 2
Nhà dân ở H.Thanh Chương (Nghệ An) ngập chìm trong lũ K.H – C.T.V

Tại xã Thanh Mỹ (H.Thanh Chương), lũ đã gây ngập 350 nhà dân, trong đó nhiều nhà ngập sâu 1 – 2 m; chính quyền phải sơ tán người dân đến trụ sở UBND xã, trạm y tế và trường học. Báo cáo của UBND H.Thanh Chương cho biết mưa lũ đã khiến 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu, 8 nhà dân bị sạt lở, 1 nhà bị đổ sập, 1 người mất tích khi đang đánh cá trên sông. Ngoài ra, hơn 100 ha hoa màu, cây công nghiệp bị ngập nước, hư hại; khoảng 100 ha diện tích cá nuôi trong ao hồ bị thiệt hại nặng nề.

 

Hơn 50% hồ chứa ở Thanh Hóa đã đầy nước

Ảnh
Một nhà dân bị ngập ở vùng lũ H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) QUÂN DŨNG

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đến chiều 29.9 có 320/610 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đầy nước. Đáng chú ý, một số hồ chứa lớn đã gần đầy hoặc vượt cao trình tích nước, như hồ Yên Mỹ (H.Nông Cống) mực nước đã đạt cao trình 19,93/20,36 m; hồ Sông Mực (H.Như Thanh) lên mức 33,89/33 m. Để giữ an toàn cho các hồ này, đơn vị quản lý hồ đã vận hành xả tràn với lưu lượng 60 m3/giây tại hồ Yên Mỹ, 18 m3/giây tại hồ Sông Mực. Dự báo ngày 30.9 địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, nguy cơ xảy ra lũ, lụt là rất lớn.

Chiều qua, các thủy điện trên thượng nguồn sông Lam đã phải xả lũ. Lượng nước rất lớn đổ về sẽ tiếp tục gây ngập cho vùng hạ du, trong đó có nhiều xã của H.Thanh Chương. Mưa lớn cộng với triều cường dâng cao đã gây ngập ở nhiều xã của H.Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch UBND H.Quỳnh Lưu, cho biết mưa đã làm ngập hơn 5.500 nhà dân ở các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Tam, Ngọc Sơn, TT.Cầu Giát…, trong đó hơn 1.000 nhà bị ngập từ 0,7 – 1 m. Nước lũ cũng gây ngập QL1A tại một số điểm đi qua huyện này, khiến các phương tiện qua lại khó khăn. Ngay trong đêm lũ lên, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để sơ tán người dân vùng thấp trũng và di chuyển tài sản lên cao. Tuy nhiên, một số gia đình neo đơn đã không thể di chuyển kịp khiến lúa và các đồ dùng bị ngập nước.

Riêng tại xã Quỳnh Lâm có khoảng 1.500 nhà dân bị nước vào. Ông Nguyễn Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, cho biết mưa quá lớn và dự án đường cao tốc Bắc – Nam chạy qua xã đang thi công khiến nước lũ bị chặn lại, cộng với thủy triều dâng đã khiến vùng cao Sơn Lâm, nơi cao chưa bao giờ ngập, bị nước dâng ngập nền nhà.

Mưa quá lớn đã khiến đập thủy lợi ở xã Quỳnh Tam (H.Quỳnh Lưu) bị sạt lở và có nguy cơ vỡ. Trong đêm 28, rạng sáng 29.9, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người dùng bao cát để gia cố thân đập. Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam, cho biết đến sáng cùng ngày thân đập đã cơ bản an toàn, tuy nhiên xã vẫn đang cắt cử lực lượng túc trực, theo dõi vì nếu tiếp tục mưa lớn sẽ rất nguy hiểm. Lũ đã khiến khoảng 200 hộ dân của xã bị nước tràn vào nhà.

Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn nhà dân bị ngập lụt - ảnh 4
Tàu thuyền neo đậu tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị chìm H.DANH

Hàng trăm trường cho học sinh nghỉ học

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại H.Hương Khê (Hà Tĩnh) vào sáng 29.9, mưa lớn khiến 174 hộ dân tại các xã Hương Đô, Hương Thủy, Gia Phố, Lộc Yên và Phúc Đồng bị nước tràn vào sân vườn. Ngoài ra, khoảng 24 ha diện tích sản xuất rau màu và bưởi Phúc Trạch của người dân ở địa phương này bị ngập úng. Trước đó, vào rạng sáng 29.9, trận lốc xoáy xảy ra tại xã Thuần Thiện (H.Can Lộc) và xã Đan Trường (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã khiến 19 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

 

2 người chết, 1 người mất tích trong mưa lũ

Ngày 29.9, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết báo cáo cập nhật đến 17 giờ cùng ngày, mưa lũ sau bão Noru đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, đều ở tỉnh Nghệ An. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão Noru và mưa lũ sau bão có 62 người bị thương (Quảng Trị 13 người; Thừa Thiên-Huế 8 người; Quảng Nam 41 người); 160 nhà bị sập đổ và 3.364 nhà bị hư hại, tốc mái; 77 trường học bị thiệt hại, ảnh hưởng; 874 ha lúa, 4.455 ha hoa màu, 3.040 ha thủy sản bị ngập, cuốn trôi; 5.372 cây xanh gãy đổ.

Tại Nghệ An, mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng, với 7.346 nhà dân bị ngập. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ghi nhận xuất hiện nhiều điểm sạt lở đê, kè thủy lợi; sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 3 km, đang được các địa phương khẩn trương khắc phục.

 

Phan Hậu – Hoàng Sơn

Tại H.Hương Sơn (Hà Tĩnh), mưa lớn cũng khiến 123 hộ dân ở xã Sơn Giang bị cô lập do cầu tràn Phố Giang bắc qua sông Ngàn Phố ra trung tâm huyện bị ngập sâu. Đặc biệt, vào sáng 29.9, tuyến QL8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị sạt lở nhiều điểm nghiêm trọng với hàng nghìn mét khối đất đá tràn xuống chắn ngang đường khiến giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đang thi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ này đã điều động công nhân đưa máy móc đến để giải tỏa đất đá, giao thông qua tuyến đã phục hồi vào chiều cùng ngày.

Do ảnh hưởng của mưa lũ nên sáng 29.9 chính quyền các địa phương ở Nghệ An đã phải cho học sinh hơn 300 trường học ở 13/21 huyện, thị nghỉ học. Nhiều trường học trên địa bàn 2 huyện miền núi Hương Khê và Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh cũng phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

 

Cảnh báo mưa lớn rộng khắp Bắc bộ, Trung bộ và nam Tây nguyên

Trao đổi với Thanh Niên ngày 29.9, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đã thông tin cảnh báo về mưa lớn trên diện rộng và kéo dài ở Bắc bộ, Trung bộ, nam Tây nguyên.

Theo đó, trong ngày 29.9, mưa vừa, mưa to, mưa rất to đã xảy ra ở các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ. Theo số liệu ghi nhận từ các trạm quan trắc, từ 7 – 13 giờ ngày 29.9, nhiều nơi có mưa to đến rất to như: Thụy Phúc (Thái Bình) mưa 81,4 mm; Vụ Bản (Nam Định) 79,6 mm; Bắc Sơn (Ninh Bình) 63 mm; Hà Sơn (Thanh Hóa) 86,4 mm; Thanh Mai (Nghệ An) 161,8 mm; Hưng Phú (Nghệ An) 126,6 mm và Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) 71,6 mm…

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, ngay sau cơn bão số 4 (bão Noru) qua đi, đã ghi nhận một tâm mưa mới xuất hiện khi có sự kết hợp ảnh hưởng của nhiều hình thế thời tiết gồm dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh và đới gió đông trên độ cao từ 1.500 – 5.000 m. Tổ hợp hình thế thời tiết này tiếp tục gây mưa lớn diện rộng trong nhiều ngày tới ở Bắc bộ, Trung bộ và nam Tây nguyên. Khu vực trung du, đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và giông, kéo dài đến khoảng ngày 2 – 3.10.

Các tỉnh nam Trung bộ, nam Tây nguyên trong ngày 30.9 tiếp tục mưa rào, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 – 40 mm, có nơi trên 70 mm. Mưa giông ở nam Trung bộ và nam Tây nguyên sẽ kéo trong nhiều ngày tới. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ cần đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp.

Phan Hậu

 

 KHÁNH AN – PHẠM ĐỨC

TNO